Ngôi thành cổ này có 3 cổng, nếu bạn lang thang giống chúng tôi, nghĩa là đi metro đến ga Pragati Maidan, sau đó đi bộ xuôi theo con đường Mathura để viếng Bảo tàng thủ công mỹ nghệ Delhi,… bạn sẽ đi vào bằng cổng tây. Ngoài ra, còn có cổng đông của thành Purana Qila cũng mở cửa, cổng này thì gần sở thú Delhi, do vậy, nếu bạn thích đi xem sở thú và vừa viếng Purana Qila thì nên đi cổng đông, nhưng mà chẳng có ga metro nào ở gần đây cả.
Thế kỷ XV-XVI là thời của các quốc vương Hồi giáo Mughal lừng danh ở Ấn Độ, lúc bây giờ, thế nhưng Purana Qila lại được xây dựng trong một thời gian ngắn mà vua Sher Shah, người đã làm gián đoạn các vương triều Mughal, đánh bại quốc vương Mughal Humayan, đẩy vị quốc vương Mughal này đến tận vùng Iran, để chiếm quyền kiểm soát vùng này. Ông đã cho xây dựng thành Purana Qila từ năm 1538 đến năm 1945, cũng là năm ông qua đời.
Các kiến trúc tinh xảo trong thành Purana Qila
Một nhóm các chạm trổ khác
Một tòa tháp trong Purana Qila
Khi vua Sher Shah qua đời, quốc vương Humayan đã quay lại tấn công và chiếm lại quyền kiểm soát vùng này và từ đó, con cháu của ông tiếp tục phát huy tiếng tăm lừng lẫy của các các quốc vương Mughal đến nhiều thế kỷ sau.
Đi từ cổng tây như chúng tôi, bạn sẽ thấy thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran trước tiên và bạn không thể lẫn vào đâu được vẻ diễm lệ không phai nhạt theo thời gian của tòa thánh đường có kích thước vừa phải này. Đây là thánh đường của quốc vương Sher Shah. Trải qua 5 thế kỷ, thời gian và con người, tòa thánh đường vẫn giữ được nhiều những phù điêu chạm khắc đa dạng tinh xảo trên đá sa thạch đỏ hay cẩm thạch trắng hay đá hoa cương…
Thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran
Các khung cửa sáng ngời của Qila-i-Kuhran
Tuy không mang vẻ tinh xảo như chạm khắc cẩm thạch kiểu của Red Fort, các chạm trổ điêu khắc mềm mại, khéo léo của những nghệ nhân Ấn Độ trên các loại đá bằng những công cụ đơn giản ngày xưa sẽ làm cho chúng ta rất kinh ngạc. Tòa thánh đường còn là nơi thăm viếng và chụp hình, làm dáng của rất nhiều nam thanh nữ tú Ấn Độ vì nét duyên dáng và sự gọn nhỏ ấm cúng của nó thay vì một Masjid Jama hoành tráng.
Hoa văn trong thánh đường
Thiếu nữ Ấn xinh mơ màng trong thánh đường
Bên cạnh thánh đường có 2 thái cực, một bên là bãi cỏ xanh mướt mời gọi bạn đi tiếp vào trong thành Purana Qila, một bên là đồng khô cỏ hoang mọc bời bời bên cạnh những dấu xưa đổ nát – phần không được phục chế và bảo dưỡng của thành cổ. Chính phần này đã làm cho ngôi thánh đường Hồi giáo càng đẹp lộng lẫy giữa hoang tàn. Chúng bạn đã bỏ đi tìm cảnh đẹp người xinh… còn tôi ngồi lặng trên bức tuờng cũ nát nhìn cỏ hoang mê mải mọc chạy tít xa miệt mài, mơ về một Ấn Độ nhiều trăm năm trước, nghĩ về vài chục năm sau...
Giữa uy nghi kiêu hãnh và hoang phế
Không xa thánh đường Hồi giáo Qila-i-Kuhran, bạn sẽ thấy một tòa nhà bát giác bằng sa thạch đỏ, tòa nhà Sher Mandar, được đức vua Humayan, sau khi quay trở lại, chiếm lại thành Purana Qila, đã dùng làm thư viện. Cũng chính tại tòa nhà thư viện Sher Mandar này, đức vua đã trượt chân té khi đi xuống các bậc tam cấp. Ông đã bị thương và qua đời sau đó ít lâu. Từ việc này có thể rút ra một kinh nghiệm nho nhỏ: nên dành thời gian đi du lịch hơn là đi thư viện vì nguy cơ tử vong rất cao (just kidding).
Tòa nhà thư viện Sher Mandar
Khuôn viên của thành đến đây là bãi cỏ xanh rì với nhiều cây to xanh mát trong vườn cũng như những con đường với những hàng cây cau kiểng mọc thẳng tắp. Con đường xanh mát đó dẫn đến một phế tích được viếng thăm nhiều nhất ở Purana Qila, nơi còn có một cổng thành xưa mà chính quyền Ấn Độ đã không cho trùng tu, vẫn giữ lại được nét oai nghi của thành xưa sau gần nửa thiên niên kỷ. Có rất nhiều các anh cảnh sát canh giữ nơi này nhưng họ cũng để cho các bạn trẻ vào bên trong lần mò tìm xem có gì hay ho không. Thực ra, cũng như nhiều việc khác, chỉ nên đứng ngoài nhìn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp. Bên trong chỉ là hố sâu, gạch nát cầu thang sụp… và dĩ nhiên là không ai cho phép leo lên cái thành gần 500 năm tuổi rồi.
Đây là cái cổng thành được xuất hiện nhiều nhất trên các post-card, hình về Purana Qila vì nó được giữ nguyên hiện trang, không được (hay bị) trùng tu nhưng vẫn giữ được nét xưa huy hoàng
Lang thang trong thành Purana Qila, ngắm thành xưa vườn mới đài xưa đền cũ… đã đời, chúng tôi rút lui để tìm đường sang lăng mộ vua Humayan.
Backpackervn