Sự việc đã diễn ra cách đây nhiều năm tại Hà Bắc, Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây, nó được chia sẻ trở lại và thu hút nhiều sự chú ý.
Vương Hướng Dương, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ tại Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, sở hữu khối tài sản lớn nhờ kinh doanh phát đạt.
Với hàng chục triệu NDT "nhàn rỗi" trong tay trong khi chưa có kế hoạch mở rộng kinh doanh, ông Vương tìm đến Tống Thiên Cương, một nhân viên ngân hàng quen biết lâu năm, để tìm hiểu về các gói gửi tiết kiệm.
Trong buổi trò chuyện, cô Tống giới thiệu chi tiết từng gói tiền gửi tiết kiệm. Người này còn cho biết nếu gửi toàn bộ số tiền lớn như ông Vương đang có sẽ nhận được mức lãi suất 1,2%/tháng thay vì chỉ là 0,4%.
Trước cơ hội hiếm có, ông Vương quyết định gửi tiết kiệm toàn bộ 45 triệu NDT (khoảng 158 tỷ đồng).
Sau khi hoàn tất thủ tục, nhân viên kế toán của ông Vương xác nhận số tiền đã được gửi thành công. Tuy nhiên, một điểm bất thường xuất hiện: tài khoản của ông không nhận được bất kỳ thông báo nào từ ngân hàng.
Khi hỏi lại, kế toán viên giải thích rằng cô được Tống Thiên Cương đưa đến phòng VIP của ngân hàng để thực hiện giao dịch này. Tại đây, cô đã thay mặt ông Vương ký giấy xác nhận tiền gửi và đồng ý với ngân hàng không hỏi số dư, không kích hoạt nhận thông báo bằng tin nhắn về khoản tiền này. Đồng thời, chủ tài khoản cũng không được rút tiền gửi trong vòng 1 năm đầu.
![Đem 158 tỷ đồng gửi tiết kiệm, đi rút tiền, người đàn ông sốc nặng khi chỉ còn hơn 2 triệu- Ảnh 1. Đem 158 tỷ đồng gửi tiết kiệm, đi rút tiền, người đàn ông sốc nặng khi chỉ còn hơn 2 triệu- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/18/dem-158-ty-dong-gui-tiet-kiem-di-rut-tien-nguoi-dan-ong-choang-vang-khi-chi-con-2-trieu-17398500180011537354669.jpg)
Ảnh minh họa.
Dù lo lắng, ông Vương vẫn tin tưởng bởi đã có mối quan hệ lâu năm với cô Tống.
Hai năm sau, khi cần vốn để mở rộng nhà xưởng, ông Vương đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền. Nhưng thay vì 45 triệu NDT, tài khoản của ông chỉ còn lại vỏn vẹn 800 NDT (khoảng 2,8 triệu đồng).
Trước việc số tiền lớn "bốc hơi" không lý do, ông Vương lập tức trình báo cảnh sát. Cuộc điều tra kéo dài suốt 6 năm đã phơi bày một âm mưu lừa đảo tinh vi.
Hóa ra Tống Thiên Cương chỉ là con rối bị giật dây. Người đứng sau tất cả là Ngụy Diên Quân và một Chủ tịch ngân hàng họ Khang.
Năm 2012, cả hai bắt đầu lên kế hoạch chiếm đoạt số tiền lớn từ khách hàng. Họ xác định hai thách thức: tìm một cá nhân sẵn sàng gửi số tiền khổng lồ và tạo ra một quy trình để rút trộm mà không bị phát hiện.
Ngụy Diên Quân nhanh chóng tiếp cận Tống Thiên Cương – một nhân viên kỳ cựu trong ngành – để khai thác thông tin.
Tống Thiên Cương tiết lộ ông Vương muốn gửi số tiền tiết kiệm rất lớn nhưng đã trì hoãn lâu vì cho rằng lãi suất ngân hàng quá thấp. Nhận ra cơ hội, ngay lập tức, vị Chủ tịch ngân hàng họ Khang quyết định nâng lãi suất ngân hàng cho trường hợp này.
Thấy mức lãi suất ưu đãi, ông Vương quyết định gửi toàn bộ 45 triệu NDT vào ngân hàng. Sau khi nhận được thông tin số tiền này đã được gửi thành công, Ngụy Diện Quân cùng với Chủ tịch Ngân hàng Khang đã giả mạo con dấu, hợp đồng ủy thác, bản sao giấy tờ cá nhân của Vương Hướng Dương nhằm rút số tiền khổng lồ này.
Số tiền này sau đó được dùng để đầu tư với hy vọng kiếm lời rồi hoàn trả lại. Nhưng rủi ro đầu tư quá lớn, họ thất bại, mất trắng số tiền và không thể hoàn trả cho ông Vương.
Đến năm 2014, khi ông Vương đến rút tiền và phát hiện toàn bộ tài sản của mình đã "bốc hơi", vụ việc chính thức được đưa ra ánh sáng.
Phải mất thêm 6 năm điều tra, cảnh sát mới vạch trần toàn bộ đường dây lừa đảo và đưa những kẻ liên quan ra trước công lý.
Kết quả, Ngụy Diên Quân và Chủ tịch Khang bị bắt giữ, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sự việc là lời cảnh báo về những cạm bẫy tài chính dù trong môi trường tưởng chừng an toàn như ngân hàng.
Minh Hoa (t/h)