Vũ điệu núi rừng đại đoàn kết dân tộc
Từ nhiều đời nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mang trong mình những truyền thống hết sức quý báu, đó là truyền thống cần cù, lao động sáng tạo và đoàn kết. Từ lịch sử đến hiện tại, Tây Nguyên ngày nay đã và đang thay da đổi thịt, cùng cả nước đi lên trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Và trong vô vàn điều đáng tự hào đó có việc gìn giữ bản sắc dân tộc đại ngàn, đưa bản sắc ấy hòa chung vào khối đại đoàn kết dân tộc. Tối Thứ Bảy, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai những đôi trai gái ríu rít gọi nhau bên điệu múa lời ca cùng tiếng cồng chiêng. Tiếng cồng rộn rã ngân vang, tiếng chiêng đầy mị lực, thôi thúc. Những sinh hoạt đời thường, những sản vật vùng cao, những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí… của đồng bào dân tộc thiểu số đã không còn bó hẹp nơi núi rừng mà đã lan tỏa xuống khắp phố phường, mang đến cái nhìn khác lạ và đầy cảm xúc trong lòng du khách và người dân. Thanh âm cồng chiêng vang vọng nối liền cảm xúc bao người.
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Giai Lai, đã thành thông lệ hơn một năm nay, tối Thứ Bảy hằng tuần, chương trình Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm do Sở tổ chức lại diễn ra. Đây là dịp để hàng ngàn người dân và du khách đã được sống trong những thanh âm hội hè và trải nghiệm cồng chiêng cùng các nghệ nhân Ba Na và Gia Rai. Khung cảnh du khách nước ngoài và người dân địa phương cùng hòa vào lễ hội, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng, tiếng hát cho thấy sự lan tỏa của các giá trị văn hóa của đồng bào anh em. Tất cả tạo nên bức tranh lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc, đủ sức kết nối với mọi người dưới nhiều hình thức, cung bậc tình cảm đa chiều giữa người xem và người diễn.
Theo nghệ nhân Rơ Chăm Hân, việc được trình diễn nhạc cụ dân tộc mình trước sự ngưỡng mộ của hàng trăm du khách trong và ngoài nước là niềm xúc động và tự hào. Qua những đêm nhạc cồng chiêng, không chỉ giúp bảo tồn văn hóa đại ngàn mà còn kết nối, thắt chặt tinh thần đại đoàn kết.
Không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng tối Thứ Bảy là một trong những hình thức bảo tồn văn hóa. Địa phương đang chú trọng khai thác các yếu tố của không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch như xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng. Đưa cồng chiêng xuống phố để phục vụ nhân dân và du khách dưới tên gọi Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm được Sở tổ chức thường kỳ hơn một năm qua đã và đang thu hút du khách cùng người dân địa phương tham gia ngày càng đông đảo, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cảm nhận của mọi người.
Ý nghĩa đặc biệt, đẩy mạnh bảo tồn văn hóa
Có một điều vô cùng ý nghĩa, vô cùng đặc biệt đó là sự kiện đêm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra ở Quảng trường Đoàn Kết – nơi có Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên và tháp đá gồm 54 khối đá bazan hình trụ, biểu thị tinh thần đoàn kết, gắn bó của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Và rồi khi tiếng cồng, nhịp chiêng vang lên hay những câu chuyện văn hóa, lịch sử sinh động đêm đêm được tái dưới tượng đài vị lãnh tụ thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với Bác Hồ kính yêu.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho rằng, Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đoàn Kết có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn, đó chính là biểu tượng thiêng liêng và vô giá không chỉ đối với người dân Tây Nguyên mà còn đối với nhân dân cả nước có dịp đến thăm Gia Lai, thể hiện rõ nét tinh thần đại đoàn kết các dân tộc.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, trăn trở, nhưng việc đều đặn đưa cồng chiêng biểu diễn hằng đêm cuối tuần ở phố núi Pleiku là một sự cố gắng không nhỏ của rất nhiều người. Đây cũng sẽ là một trong những cách làm hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa, thúc đẩy, tạo niềm tự hào về những di sản và phong tục truyền thống trong văn hóa. Đêm đêm khi tiếng cồng nhịp chiêng vang lên, mọi người càng cảm nhận rõ rằng, ẩn sâu trong mỗi điệu múa, khúc nhạc là khát vọng, là niềm hạnh phúc, đại đoàn kết, ước muốn vươn lên trong cuộc sống.
Theo số liệu thống kê, tỉnh Gia Lai là địa phương đang lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Hiện nay, tỉnh Gia Lai còn lưu giữ hơn 5.600 bộ cồng chiêng, trong đó có hơn 930 bộ chiêng quý hiếm. Hàng năm, ngành văn hóa trong tỉnh đều tổ chức các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng cấp cơ sở, tặng cồng chiêng cho các làng. Điều này không chỉ giúp tạo không gian biểu diễn cồng chiêng mà còn khích lệ phong trào bảo tồn cồng chiêng của bà con dân tộc thiểu số.