Dưới thời mình, hoàng đế Attila gây dựng một đế chế Hung Nô hùng mạnh với lý tưởng tận diệt: “Nơi nào vó ngựa của ta đi qua, ở đó cỏ không còn mọc được nữa". Được nhắc đến với biệt danh "tai họa của trời”, ông chỉ huy cả một đạo quân thiện chiến nhất trong lịch sử, chinh phạt từ Bắc chí Nam, thôn tính hầu hết châu Á vào năm những 450.
Thế nhưng, trong lúc đang ở đỉnh cao của danh vọng và chiến tích, ông đã phải vĩnh biệt cõi đời ngay trên long sàng vào chính đêm động phòng hoa chúc. Người đời lắc đầu luyến tiếc cho một số phận oanh liệt không nằm xuống nơi trận tiền mà chết giữa chốn phòng the.
Kẻ hủy diệt trên chiến trận
Đó chính là mỹ danh mà thần dân Hung Nô tôn kính đặt cho người chủ của mình – Hoàng đế Attila. Trong mắt dân chúng, ông được gọi là thiền vu, tức người trị vì, đấng tối cao, tương đương với thiên tử của người Hán. Thế nhưng, với những kẻ bên kia chiến tuyến, ông là nỗi khiếp sợ, là mầm mống của chiến tranh, chinh phạt và giết chóc. Người châu Âu gọi ông là Attila Rợ Hung, và mang biệt hiệu là "Ngọn roi của Thượng đế" hay "tai họa của trời".
Người Hung Nô là tên gọi dành cho các bộ lạc du cư ở khu vực Trung Á, nói chung sinh sống ở khu vực thuộc Mông Cổ ngày nay. Từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, người Hung Nô đã kiểm soát một đế chế rộng lớn trên thảo nguyên, kéo dài về phía Tây tới khu vực Kavkaz (Caucasus).
Theo những tài liệu còn ghi chép lại, Attila làm vị vua tối cao của Đế quốc Hung Nô từ năm 434 đến năm 453. Đối với bộ lạc du cư này, ông là niềm tự hào, và là người anh hùng đã tạo dựng một đế chế của người Hung trải dài từ Đức đến sông Ural, rồi từ sông Danube tới biển Baltic. Đối với nền văn minh phương Tây, ông là hiện thân của một kẻ tham lam và tàn bạo bậc nhất.
Trong thời kỳ đó, ông là một trong những mối hiểm họa đáng sợ của cả Đế quốc Đông La Mã và Tây La Mã. Ông đã chinh phạt bán đảo Balkan đến tận Pháp. Thậm chí có lần ông còn suýt nữa tiến chiếm kinh thành Constantinopolis của người Đông La Mã. Tuy nhiên, một cơn dịch bệnh khủng khiếp đã ngăn trở bước chân của ông.
Hoàng đế Attila qua hình dung của hậu thế.
Trên đường vó ngựa chinh phạt, ông đã cướp bóc, và tàn sát rất nhiều người. Đội quân của ông sẵn sàng giết chết tất cả mọi thứ trên đường mình đi để có thể mang lại thắng lợi là đất đai, lương thực nhằm mở mang đế chế của mình. Những cuộc thanh trừng của ông khiến cho bao kẻ nước mất nhà tan, phải sống một cuộc đời nô lệ phục vụ cho quân đội của vị vua tàn bạo. Người đời vẫn truyền tụng câu nói thể hiện tư tưởng tận diệt của Hoàng đế Attila: “Nơi nào vó ngựa của ta đi qua, ở đó cỏ không còn mọc được nữa”.
Theo hình dung và miêu tả về thiền vu Attila thì vị vua này nổi danh là một người cao lớn dũng mãnh, luôn khoác trên mình bộ áo giáp cùng cây giáo xông pha trận mạc. Cưỡi trên mình con ngựa khỏe nhất đoàn binh, Attila thét ra lửa, hô ra khói khiến cho nhiều kẻ thù kinh hồn bạt vía.
Có thể nói, dưới thời của Attila, sức mạnh Hung Nô lên tới đỉnh cao. Vị thủ lĩnh tối cao đã xây dựng một đội kỵ binh với hàng nghìn con ngựa, hàng nghìn chiến binh và những vũ khí, khiên, giáp sắt đầy đủ nhất có thể. Kỵ binh Hung Nô trở thành một trong những đạo quân thiện chiến nhất trong lịch sử binh nghiệp của nhân loại.
"Ngã ngựa" chốn phòng the
Người đời thường nói: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Như bất cứ ông vua nào khác trong thời kỳ đó, Attila là một người anh hùng ham mê cái đẹp. Ông có một thiên tình sử lâm ly với 7 người vợ. Sáu người vợ trước đều sinh cho Attila những đứa con chung. Tuy vậy, ông vẫn không ngừng thu nạp cho mình những người vợ tiếp theo. Đối với hoàng đế này, có thêm vợ con cũng giống như việc mở mang thêm lãnh thổ của mình, là minh chứng cho sức mạnh cả trên chiến trận và trong dòng tộc.
Thế nhưng, sự đời thật tréo ngoe. Theo những tài liệu lưu lại trong sử sách, vị hoàng đế lẫm liệt trên sa trường đã chết vì chảy máu cam trong tiệc cưới của chính mình. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng cho đến hàng trăm năm sau người ta vẫn không thể lý giải tại sao ông lại "ngã ngựa" trong lúc "lâm trận" như vậy.
Câu chuyện được bắt đầu vào năm 453, khi Attila đã cưới Ildico, công chúa xinh đẹp người German. Ildico nổi tiếng khắp cả một vùng với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Cô là mục tiêu của rất nhiều ông vua, bạo chúa trên khắp các lãnh thổ trên thế giới. Đến tuổi cập kê, cô vẫn chưa chịu ưng ai, nhưng cha cô đã quyết định dùng con gái của mình làm lá bài phục vụ cho sự nghiệp chính trị của mình. Sau khoảng thời gian thỏa hiệp, cha của Ildico đã lựa chọn gả nàng cho bạo chúa đế quốc Hung Nô vốn đang lẫy lừng khắp thế giới hồi đó.
Không nằm ngoài dự đoán, ngay từ cái nhìn đầu tiên, Attila đã bị mê hoặc bởi vẻ quyến rũ đến mê người và chút man dại của người con gái đến từ xứ sở German. Vẻ đẹp vô song đó càng được phát huy trong ngày cưới của Attila và Ildico. Người ta trang điểm cho Ildico thật xinh đẹp, lộng lẫy tưởng chừng như không có ai có thể sánh được. Ông vua đến từ xứ sở Hung Nô sung sướng không còn gì có thể tả trên đời. Vị hoàng đế mặt sắt từng sát phạt từ Bắc chí Nam cũng phải ngây ngất trước sắc đẹp của hôn thê đang tuổi xuân thì.
Thế là hôm đó, ông quyết định say tới bến. Hơi rượu ngây ngất khiến vị vua khét tiếng không kiềm chế nổi mình. Thông thường, Attila ăn uống rất ít trong các bữa tiệc lớn. Tuy nhiên, vì quá hạnh phúc và tự hào, Attila đã tuyên bố cho tất cả mọi người một đêm thật no say trong yến tiệc và những lời chúc tụng liên tục vang lên khiến cho vị vua Hung Nô say mềm.
Attila lảo đảo đi khắp nơi cùng mọi người nâng chén chúc mừng đám cưới của mình. Vì quá say nên ông cũng không để ý rằng nhiều lúc trong bữa tiệc, ông đã bị chảy máu cam. Tuy nhiên, Attila không để tâm lắm và cho rằng đó là điều không quan trọng. Niềm vui đã lấn át tất cả mọi thứ.
Yến tiệc tan khi đã rất khuya. Những thân hình vạm vỡ say mềm lê lết tìm đường về chốn nghỉ. Attila cũng dìu Ildico trở về phòng tân hôn. Trong căn phòng được trang trí diêm dúa với ánh nến mờ ảo, Attila như chìm trong hoan lạc. Không chờ được lâu hơn, Attila đã lao ngay vào Ildico và tận hưởng chiến thắng của mình, còn hơn cả niềm vui của những lần thắng trận.
Sau cuộc mây mưa mặn nồng thắm thiết, vì quá mệt nên cả hai lăn ra ngủ. Và không ai biết rằng, ngay trong đêm động phòng ấy, Attila đã kết thúc cuộc đời một chiến binh anh hùng của mình. Sáng hôm sau, người nhà tỉnh dậy vì nghe thấy những tiếng la hét của cô dâu từ phòng của Attila. Mọi người cùng đổ xô chạy đến, Attila nằm chết trên một vũng máu. Tất cả đều hét lên trước hình ảnh đang bày ra trước mắt.
Nhiều giả thiết đã được đưa ra sau đó. Một số người cho rằng, ông đã quá sức trong cuộc giao hoan nên bị đột tử. Một số khác lại nghi ngờ, vị hôn thê của ông đã tước đi mạng sống của ông để phục vụ cho mưu đồ chính trị của cha mình. Tuy nhiên, các khám nghiệm sau đó chỉ ra rằng, trong đêm hôm đó, hoàng đế bị chảy máu cam nhiều lần nhưng quá say không hề ý thức được. Máu cứ thế chảy ra và cuối cùng thì Attila chết ngộp trong vũng máu của chính mình.
Có nhiều lời đồn đoán xung quanh cái chết của Attila. Có giả thiết cho rằng Attila đã chết vì một âm mưu được sắp đặt trước. Nhưng nguyên nhân được tin tưởng nhất chính là vì Attila đã quá sức trong đêm tân hôn, trong khi trước đó, ông đã bị chảy máu cam và uống rượu rất nhiều. Một vị hoàng đế uy danh khắp thế giới cuối cùng đã phải chết trên giường trong chính đêm tân hôn của mình.
P.V