“Nói hộ” tử thi
Hơn 20 năm gắn bó với nghề giải phẫu tử thi nhưng có lẽ đến tận bây giờ, bác sĩ Dương Thành Hổ (55 tuổi, trưởng khoa Giải phẫu bệnh, BV Đa khoa tỉnh Gia Lai) vẫn không ngờ rằng sau khi ra trường ông lại làm công việc đáng sợ này. Cũng là bác sĩ nhưng ông lại không được khám chữa bệnh cho người sống như những đồng nghiệp khác mà phải mổ xẻ, phân tích thi thể người chết để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của từng người, giúp cơ quan công an phá nhanh các vụ án…
Hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đều rất sợ hãi khi tiếp xúc với các xác chết, đặc biệt là những xác chết đã và đang trong quá trình phân hủy. Bác sĩ pháp y cũng vậy, bởi họ cũng là con người và nỗi sợ của họ càng lớn hơn khi họ phải mổ xẻ, phân tích tỉ mỉ từng chi tiết trên những xác chết đó. Chưa kể những mối nguy hiểm luôn rình rập khi phải tiếp xúc với các tử thi bị bệnh lây truyền. “Mình không thể biết tử thi nào đang mang bệnh gì bởi vừa tới chỗ có tử thi là mình phải bắt tay vào công việc ngay, không có thời gian làm xét nghiệm. Chính vì vậy, chỉ cần một sơ sểnh nhỏ là có thể bị lây nhiễm”, bác sĩ Hổ chia sẻ.
Không chỉ vậy, những tử thi liên quan đến các vụ án mạng thường rất rùng rợn với nhiều vết thương trên cơ thể. Đã làm việc với hơn 10 nghìn xác chết nhưng có lẽ chưa có tử thi nào bác sĩ Hổ phải “gắn bó” lâu như 2 nạn nhân trong vụ án tại quán cà phê Sơn Thủy, với thời gian lên tới gần 7 tiếng đồng hồ làm việc liên tục. Đó là 2 mẹ con chủ quán cà phê Sơn Thủy bị sát hại với 50 vết thương trên cơ thể.
Và ám ảnh nhất đối với bác sĩ Hổ không phải là sự ghê rợn của những tử thi đang phân hủy, cơ thể biến dạng, thịt da bầy nhầy, giòi bọ lúc nhúc,... mà nguyên nhân của mỗi vụ án mạng mới là sự ám ảnh kinh khủng nhất trong tâm thức ông.
BS Hổ tâm sự về nghề không ai muốn làm
Như vụ án con giết cha ở huyện Chư Prông dù xảy ra đã nhiều năm nhưng ông Hổ vẫn còn đầy ám ảnh khi cậu con trai mới 15 tuổi đã nhẫn tâm giết chết cha mình. Ông bố đó liên tục say xỉn, đánh đập vợ con và mỗi lần lên cơn say là ông ta lại bắt đứa con trai của mình cầm dao phay nhọn, chém liên tục vào cây cột nhà bằng gỗ. Chính hành vi này của ông bố đã vô tình biến đứa con của mình thành một “sát thủ” tàn bạo. Trong một lần ông bố đang nằm ngủ sau một chầu nhậu bí tỉ, người mẹ đã sang hàng xóm xem phim, đứa con liền lấy con dao phay giết chết ông bố. Không dừng lại đó, đứa con còn dùng dao băm vằm, cắt nhiều nhát vào cơ thể cha mình rồi mang dao vứt ra vườn cà phê.
Khi cơ quan công an xét hỏi, cậu con trai trả lời rằng bố dùng dao tự tử. Nhưng qua các vết chém trên cơ thể nạn nhân, bác sĩ pháp y kết luật nạn nhân bị giết hại, cộng với những “vết thương” khá sâu trên cây cột nhà; bi kịch gia đình đã được vén mở, khiến chính người bác sĩ pháp y rùng mình ám ảnh.
Mong được người nhà nạn nhân thông cảm
Có những vụ giết người mà hung thủ bỏ trốn không để lại dấu vết, những vụ án được tạo hiện trường giả bởi tai nạn giao thông, chết cháy… nhưng lưới trời lồng lộng, trên xác chết nạn nhân luôn để lại dấu vết của nguyên nhân cái chết. Các bác sĩ pháp y sẽ làm rõ tử thi chết vì nguyên nhân gì? Hung khí gây án là loại gì? Bị sát hại, ngộ độc hay nguyên nhân khác?
“Nếu một tử thi bị chết trước rồi mới bị đâm, chém vào cơ thể, thì các cơ ở chỗ vết đâm không bị giãn. Chúng tôi cũng có thể tìm ra thời gian chết của nạn nhân qua những điều rất đơn giản...”, bác sĩ Hổ tiết lộ.
Vì lẽ đó, bác sĩ pháp y đã góp một phần không nhỏ vào công cuộc phá án của cơ quan điều tra, giúp những người đã khuất mỉm cười nơi chín suối. Tuy nhiên, những bác sĩ pháp y luôn gặp khó khăn đối với gia đình tử thi. Bởi với người Việt Nam, cái chết của người thân luôn gây đau đớn, mất mát đối với người còn sống, và việc để người chết phải bị mổ xẻ càng khiến nỗi đau của họ tăng lên nhiều lần. “Cách đây vài năm, trong lúc chúng tôi đang tiến hành mổ tử thi thì người nhà họ liền cầm dao lao về phía chúng tôi. Lúc đó, chúng tôi phải ngừng công việc và rút lui. Chỉ đến khi Công an thị xã An Khê đến bảo vệ thì chúng tôi mới tiếp tục làm việc”, bác sĩ Hổ nhớ lại.
Anh Cảnh nói vui: Nếu yêu nghề thì hóa ra là yêu... tử thi
“Việc người nhà đứng sau chúng tôi, trên tay cầm dao là khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi. Bởi họ có thể đâm chúng tôi bất cứ lúc nào”, kỹ thuật viên Đặng Văn Cảnh tiếp lời bác sĩ Hổ.
Làm cái nghề mà chẳng ai muốn làm, nhưng ít ai biết rằng các bác sĩ pháp y, kỹ thuật viên tại khoa Giải phẩu bệnh (BVĐK tỉnh Gia Lai) trước đây còn chịu khá nhiều thiệt thòi khi dụng cụ phục vụ công thiệc thiếu thốn, ngay cả phòng làm việc mấy năm nay mới “xin” được.
“Trước đây, khi chưa có mặt nạ hoạt tính, chúng tôi phải tiếp xúc với các xác chết trực tiếp rất hôi thối. Nên mỗi lần làm việc, chúng tôi phải xem địa hình, địa thế, hướng gió để giảm bớt mùi hôi thối”, anh Cảnh kể lại.
Không chỉ vậy, hơn 20 năm làm việc tại BV tỉnh Gia Lai nhưng mãi đến năm 2005, nhiều người mới biết đến bác sĩ Hổ là… bác sĩ. Bởi trước đây chưa có phòng làm việc, họ phải làm việc tại nhà xác, mỗi buổi sáng đi làm, bác sĩ Hổ và những đồng nghiệp của mình phải vào nhà xác làm việc nên nhiều người cứ tưởng ông là giám đốc nhà xác.
Và an ủi lớn nhất của bác sĩ Hổ có lẽ là sự thông cảm của vợ mình: “Vợ tôi cũng công tác trong ngành y nên cô ấy cũng hiểu và thông cảm cho tôi. Có lần mình đi khám nghiệm tử thi là phụ nữ xong, đêm về đang nằm ngủ với vợ giật mình nhìn sang bên cạnh, tưởng vợ là… tử thi”, bác sĩ Hổ tâm sự.
Theo Dân trí