Đêm không ngủ trên bản người Mông

Đêm không ngủ trên bản người Mông

Thứ 2, 04/11/2013 09:42

Ngồi bên bếp lửa bập bùng, những câu chuyện về cuộc sống nơi đỉnh trời của người Mông hiện lên trước mắt chúng tôi thật sinh động và hấp dẫn.

Trải nghiệm khó quên

Người dân trong vùng gọi Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) là đỉnh trời, bởi nơi đây nằm ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển. Men theo con đường nhựa dài hơn 12km dọc các vách núi kỳ thú là có thể lên tới đỉnh trời ôm mây vào lòng và ngắm nhìn những sườn đồi hun hút phía xa. Chúng tôi đến vùng đất như tiên cảnh ấy vào khi trời đã chạm ngưỡng hoàng hôn. Sương khói ngun ngút và hơi lạnh ùa về khiến bản làng nơi đây nhanh chóng chìm vào trong màn đêm tĩnh lặng. Chẳng thể ngược đường trôi ra thị trấn, chúng tôi ở lại nơi đây để trải nghiệm cái cảm giác mênh mang của bản Mông giữa núi rừng lạnh buốt cùng những câu chuyện thật như ngô khoai của những con người sinh sống nơi rẻo cao Tây Bắc này.

Lạ & Cười - Đêm không ngủ trên bản người Mông

Những ngôi nhà của người Mông còn mang đậm nét nguyên sơ.

Chọn một gia đình để tá túc qua đêm, chúng tôi may mắn được ông Sổng A Nủ (56 tuổi) nhiệt tình đón tiếp. Ngôi nhà của ông Nủ nằm tại một bản làng xa xôi, chót vót trên cao, lánh xa mọi sự xô bồ, ồn ào của cuộc sống dưới kia, nên còn lưu giữ nhiều nét nguyên bản. Các ngôi nhà đều được làm từ gỗ rừng ghép vách, đồ dùng trong nhà như máng lợn, hòm đựng thóc… cũng làm từ gỗ. Trước nhà có một cây mận và giỏ phong lan rừng rực rỡ hoa do ông Nủ đi rừng mang về cách đây 5 năm. Thật may mắn khi đêm ngủ tại Pang Cáng lại là một đêm mất điện, người ta chỉ nhìn rõ mặt nhau qua ánh lửa bập bùng giữa nhà. Chính vì thế mà chúng tôi có cơ hội, không gian để cảm nhận và hiểu hơn về con người và cuộc sống nơi đây.

Nhâm nhi chén rượu ngô, vị chủ nhà hứng khởi kể cho những vị khách đường xa về cuộc sống nơi đây. A Nủ cho hay, khí hậu nơi đây trong lành. Thời chiến tranh, vì vùng đất này xa xôi hiểm trở, khí hậu về đêm lại lạnh lẽo hun hút nên giặc Pháp cũng chẳng buồn ngó tới. Cây rừng vì thế mà cứ xanh tốt quanh năm. Có những cây chè tuổi đời lên tới 300 - 400 trăm năm đến nay vẫn tồn tại.

Mấy năm gần đây, cuộc sống có sự thay đổi dần khi Suối Giàng được chọn là một trong nơi xây dựng xã điểm. Còn những năm trước, người ta hay nói sống ở Suối Giàng như sống một cuộc sống thời nguyên thuỷ, mọi thứ tự cung tự cấp. Ngặt một nỗi cũng vì đường xá đi lại xa xôi, dốc đứng ngăn đường cách trở, thế nên ai cũng tự nghĩ, nhịn ăn một tý thay vì gian nan xuống dưới phố mua đồ.

Thực phẩm thịt cá là thứ quý hiếm ở nơi đây. Nếu là thịt lợn nhà nuôi, thả rông hàng mấy tháng trời mới được một con chừng 30kg. Thịt lợn này bán ra cũng được 200.000-300.000 đồng/kg nhưng các gia đình thường chỉ bán một ít, còn để gác bếp làm thực phẩm ăn dần. Người có tiền mua thịt ấy cũng phải giàu có lắm chứ dân trồng chè, trồng ngô trên nương thì mấy ai dám ăn.

Lạ & Cười - Đêm không ngủ trên bản người Mông (Hình 2).

Ông Sổng A Nủ.

Tình người bên chén rượu ngô

Am áp bữa cơm nhà A Nủ

Trút bỏ bộ quần áo bụi bặm đường xa trong góc bếp - nơi được người Mông tích hợp là nhà tắm của gia đình, vạt vội lên mặt dòng nước lạnh như đá, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục để ngồi vào mâm cơm quanh bếp lửa ấm áp cùng gia đình A Nủ. Bữa cơm có rau cải luộc chấm mắm, trứng gà rán lẫn mỳ tôm và một ít thịt lợn luộc. Cả bốn người chúng tôi ngồi trên chiếu, riêng vợ A Nủ ngồi trên chiếc ghế mây tròn cao chừng 20cm. Nhìn bộ áo váy rực rỡ chị vận trên người và cách ngồi ý tứ, tôi bỗng cảm thấy nét đằm thắm và nét đẹp rất dịu dàng của người phụ nữ Mông truyền thống. Vợ A Nủ có vẻ kiệm lời và ít chuyện. Thi thoảng chị quay sang nói chuyện với chồng và bón cơm cho cậu con trai 5 tuổi vừa ăn vừa háo hức khám phá chiếc xe đồ chơi bố vừa mua cho. Nhìn vợ, A Nủ cười tươi nói: "Bọn bây cứ ăn đi. Nó ít nói lắm mà cũng không thạo tiếng kinh để mà trò chuyện đâu".

Cuộc sống vật chất tuy đơn giản là vậy nhưng đời sống tinh thần của người Mông nơi đây phong phú và đậm sắc màu như chính những sắc màu rực rỡ trên vạt váy của người phụ nữ Mông. Người Mông vẫn thường tổ chức các lễ hội truyền thống, hát múa thâu đêm suốt sáng mỗi độ tết đến xuân về. Kể đến đây, trong ánh mắt của ông Sổng A Nủ bỗng lấp lánh niềm vui khi nhớ lại những đêm đi bắt vợ và những phiên chợ tết tìm duyên của bản làng mình.

A Nủ cho hay, cứ vào dịp tết của người Mông, con trai, con gái độ tuổi lập gia đình lại dập dìu rủ nhau đi chơi chợ. Họ đi thành từng nhóm, nam riêng, nữ riêng. Ai nấy áo váy đều rực rỡ, đẹp đẽ. Dọc đường đi, họ cứ thế cười nói, liếc mắt, đưa duyên tìm hiểu nhau. Ngắm được cô nào ưng ý, chàng trai chạy lại kéo tay cô gái. Nếu cô nào đồng ý cũng giả vờ bỏ chạy một tí cho có lệ để chàng trai đuổi theo. Trước sự chứng kiến của nhiều người, chàng trai sẽ phải cầm cổ tay cô gái và kéo cô về phía mình, nghĩa là đã thành đôi, thành lứa rồi đấy. Sau khi quen nhau, hẹn hò tìm hiểu một thời gian thì chọn một ngày đẹp, chàng trai đến bắt cô gái về làm vợ.

Trước khi đi, chàng trai sẽ thông báo trước cho cha mẹ mình biết tối nay sẽ đi bắt vợ để khi đưa vợ về, cô gái sẽ ngủ với mẹ chồng. Tối đó, chàng trai gọi người yêu ra ngõ tâm sự rồi đưa nàng về nhà, cha mẹ cô gái cũng không hề được biết trước. Chỉ đến sáng hôm sau, khi nhà trai sang thông báo cô gái đã có nơi có chốn thì hai bên sẽ bàn bạc cùng nhau để tổ chức đám cưới. Sau khi tiến hành đám cưới thì đôi bên mới chính thức trở thành vợ chồng.

Nhấp chén rượu ngô thơm phức, A Nủ như có thêm hứng khởi tiếp tục tâm sự: Cuộc sống và tình yêu của người Mông ở đây chỉ đơn giản và tự nhiên như chính cây cỏ nơi này. Chính vì thế mà không ít bản làng trong xã đã được Nhà nước đầu tư lưu giữ những nét truyền thống. Bản Pang Cáng có 100% người Mông sinh sống được phong tặng là bản văn hoá của xã. Bản làng nơi đây đang được đầu tư triển khai làm khu du lịch sinh thái. Với bầu không khí mát mẻ quanh năm, với những con đường quanh co hai bên sừng sững hàng trăm gốc pơ-mu, dưới chân thoai thoải những đồi chè và hồ nước mênh mang, bản làng người Mông nơi đây như một Đà Lạt thu nhỏ nằm vắt vẻo trên đỉnh trời.

Đêm càng về khuya càng lạnh. Ngồi bên bếp lửa bập bùng nhưng thi thoảng những làn gió luồn qua khe vách gỗ khiến chúng tôi không khỏi run người. Chuyện kể về cuộc sống tràn đầy hương sắc thiên nhiên nơi đây khiến chúng tôi như càng nghe càng tỉnh…

Hồng Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.