Theo dự báo của Tổ chức sao băng quốc tế (IMO), mưa sao băng Perseids năm nay sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng từ 18h15- 20h45 ngày 12.8 (giờ UT), tức khoảng 01h15-03h45 sáng ngày 13.8 theo giờ Việt Nam. Khi mưa sao băng Perseids đạt đỉnh điểm, ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng, số sao băng quan sát được có thể lên tới 100 vệt sao băng/giờ.
Mưa sao băng Perseids là trận mưa sao băng nổi tiếng vốn đã được người Trung Hoa cổ đại ghi nhận từ khoảng năm 36, cách đây khoảng 2.000 năm. Trong khoảng năm 1865 người ta đã biết được nguồn gốc của trân mưa sao băng này, đó chính là đám mây đá bụi và những mảnh vỡ để lại từ sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle (S-T) (được phát hiện năm 1862) trải dài trên quỹ đạo mỗi 133 năm của nó quanh hệ Mặt Trời.
Một vệt sao băng Perseids được chụp bởi Jeff Rose tại Cave City- Arkansas
Chúng ta có thể quan sát được các sao băng trong trận mưa sao băng này từ 17.7 đến 24.8 hằng năm khi Trái Đất trên quỹ đạo của nó quanh Mặt trời cắt ngang đám mây đá bụi để lại bởi sao chổi. Các sao băng dường như xuất hiện từ phía chòm sao Perseus (Anh Tiên) và tỏa đi nhiều hướng.
Mật độ sao băng quan sát được tăng dần xung quanh ngày cực điểm khoảng 12.8-13.8 mỗi năm. Các thiên thạch nhỏ trong đám mây bụi và mảnh vỡ để lại từ sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle bốc cháy khi bay vào khí quyển của Trái Đất, để lại những vệt sáng dài trên bầu trời- có những vệt rất sáng gọi là fireballs, đó thật là những hình ảnh đẹp khó quên đối với người quan sát.
Vào những đêm lân cận và đặc biệt là đêm cực điểm sao băng Perseids 2013 (đêm 12.8 rạng sáng 13.8) người quan sát có thể theo dõi mưa sao băng từ sau nửa đêm khi chòm Perseus xuất hiện từ chân trời phía Đông Bắc. Hãy để tầm mắt bao quát cả vùng trời phía đông bắc lên đến đỉnh đầu, đây là nơi bạn có thể bắt gặp các sao băng nhiều nhất.
Thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao này ở Việt Nam là từ sau nửa đêm 12.8 tới rạng sáng ngày 13.8 (cả những ngày lân cận), khoảng từ sau 1h sáng khi chòm sao Perseus chứa tâm điểm quan sát lên đủ cao ở chân trời đông.Theo anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, mưa sao băng Perseids luôn là một trận mưa sao băng rất đáng chú ý trong năm, bởi đây là trận mưa sao luôn xuất hiện với rất nhiều sao băng rất sáng (còn gọi là fireballs) so với nhiều trận mưa sao băng khác.
Bên cạnh đó, Perseids như mọi năm luôn là trận mưa sao băng đánh dấu khởi đầu chuỗi các trận mưa sao băng lớn thuận lợi quan sát ở Việt Nam gồm: Perseids - Leonids – Orionids- Geminids.
Tuy vậy, yếu tố thời tiết cũng là điều cần lưu ý đến. Thời gian diễn ra cực điểm của trận mưa sao này lại ngay vào giữa mùa mưa ở Việt Nam nên thời tiết luôn đóng một vai trò quyết định tới khả năng quan sát (độ tin cậy) cũng như độ rực rỡ của Perseids
Cách nhận diện chòm sao Perseus. Muốn xác định được dễ dàng, bạn nên chờ đến khoảng 2-3h sáng khi chòm sao Perseus đã lên cao so với chân trời Đông. Hãy nhìn đúng hướng Đông Bắc, cách chân trời khoảng 20 độ (chiều rộng 2 nắm tay) bạn sẽ dễ dàng thấy được một ngôi sáng màu vàng nổi bật, đó chính là sao Capella của chòm Auriga (Ngự Phu).
Bây giờ chếch về phía tay phải lên cao khỏi chân trời khoảng 30 độ có một sao nổi bật khác màu đỏ cam mang tên Aldebaran của chòm Taurus (Kim Ngưu), hãy kiểm tra lại Capella và Aldebaran vừa tìm cách nhau khoảng 3 nắm tay để chắc chắn. Từ 2 sao vừa tìm này bạn hãy chú ý chúng tạo với sao Algol của chòm Perseus 1 tam giác gần cân với đỉnh là Aldebaran. Từ sao Algol chếch xuống phía dưới bên trái một chút là sao Mirfak có độ sáng gần tương đương. Hai vì sao chính của chòm Perseus này sẽ giúp bạn lần ra các sao phụ khác xung quanh và khu vực chứa tâm điểm xuất phát của trận mưa sao băng này. Lưu ý: Khoảng cách trên bầu trời giữa 2 điểm được đo bằng độ. Bạn nắm chặt bàn tay và dang thẳng cánh tay, góc nhìn của nắm tay sẽ tương đương với 10 độ. Mặt trăng và Mặt trời đều có kích thước biểu kiến khoảng 0,5 độ. |
Theo Tri thức thời đại