Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC, ngoài việc bổ sung khoản thuế thu nhập từ tiền lãi cho vay của cá nhân, phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định, chẳng hạn cao hơn 2 lần mức thuế khởi điểm mức thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.
Ông Đức cũng đề xuất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập bất thường cần tính theo từng khoản thu nhập, không cộng dồn, tránh phức tạp, thu không được bao nhiêu.
Đồng thời, cho rằng mức thu nhập chịu thuế khởi điểm từ 4 triệu đồng/tháng năm 2008 lên 9 triệu đồng/tháng năm 2013 và dự kiến tăng lên 10 triệu đồng/tháng từ năm 2019 là không đúng với bản chất của thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, ông Đức đề nghị giảm từ 5 mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân trong dự thảo xuống còn 3 mức tương ứng với 5%, 10% và 20%, giảm mức cao nhất 35% xuống bằng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%.
Trước đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm của ông Đức, chia sẻ với PV, chị Thu Thủy (Q.Cầu Giấy) tỏ ra lo ngại và cho rằng sẽ khiến cho thuế chồng thuế, bởi về cơ bản hiện tại người có thu nhập cao ở mức nhất định đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
“Nếu có chút tiền dôi dư, người ta đi gửi ngân hàng lại mất thêm tiền thuế gửi tiết kiệm nữa liệu có ai còn muốn gửi ngân hàng nữa không?” – chị Thủy đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm với chị Thủy, một nhân viên làm trong ngành ngân hàng cho rằng, nhiều người gửi tiết kiệm là cán bộ hưu trí, tích cóp cả đời mới được vài trăm triệu để an dưỡng tuổi già, đề phòng lúc ốm đau bệnh tật nếu đánh thuế cả tiền gửi tiết kiệm, người dân thay vì gửi ngân hàng sẽ tiết kiệm bằng hình thức khác như mua vàng, hoặc tự giữ tiền.
Trước đó, năm 2013 Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cũng đã đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đối với thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng và nổ ra nhiều tranh cãi.
Thiên Di