Những ngày gần đây, hàng loạt đơn tố giác của nhiều nhà đầu tư về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư tài chính trên sàn Busstrade đã được gửi tới cơ quan chức năng.
Theo quảng cáo, Busstrade là sàn giao dịch tài chính quyền chọn nhị phân, cho phép nhà đầu tư đặt cược dự đoán giá các đồng tiền ảo, cổ phiếu... sẽ tăng hay giảm, đoán đúng sẽ được nhận lãi. Thuận lợi hơn, sàn còn có đội ngũ “chuyên gia” chuyên bắn lệnh, người chơi chỉ cần copy và làm theo, không cần có kiến thức tài chính.
Busstrade tạo lòng tin với người tham gia bằng cách cam kết lợi nhuận đầu tư từ 20 - 30%/tháng và bảo hiểm vốn 100%.
Có nhà đầu tư chia sẻ: Ban đầu chỉ bỏ vốn 2,4 triệu đồng, nhưng sau khi được nhận lãi 5-7%/tuần, thấy “thời tới” nên anh H. đã nâng dần vốn lên 20.000 USD (trên 460 triệu đồng). Trước khi sàn “sập”, tài khoản của người này hiển thị số tiền hơn 42.540 USD (trên 978 triệu đồng) bao gồm cả vốn lẫn lời.
Tuy nhiên, sau khi nhiều người đổ xô nạp tiền vào, thì ngày 23/4 sàn lại đột ngột thông báo “bảo trì”, đến 5/5 sẽ mở lại. Lúc này, nhiều người đã ngờ vực "sập" sàn Busstrade nhưng vẫn còn nuôi chút hi vọng. Đến ngày 5/5 sàn mở lại, nhưng không cho người tham gia rút tiền mà bắt phải chuyển tiền từ USD sang BToken, đồng tiền của sàn và không có giá trị gì. Busstrade cũng thông báo nếu người chơi không chuyển đổi, sàn sẽ khóa sau ngày 8/5. Tuy nhiên, sáng 7/5 thì website đã sập.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Chiếu theo quy định hiện hành, sàn Busstrade hay bất cứ sàn Forex nào khác hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là trái luật.
“Đối tượng nào mà lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư để môi giới, lôi kéo kinh doanh nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam”, luật sư Thơm nói.
Thực tế, trong thời gian qua đã có rất nhiều đối tượng trong nước cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài thuê lập Website ở quốc gia cho phép kinh doanh tỷ giá chứng khoán, ngoại hối,… Sau đó, các đối tượng ở nước ngoài chuyển giao quyền quản lý cho các đối tượng ở Việt Nam điều hành quản trị sàn giao dịch này để tổ chức kinh doanh mời gọi các nhà đầu tư tiền với số lượng đặc biệt lớn.
Các nhà đầu tư khi thấy các đối tượng quảng cáo (qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Tik Tok,…. ) mời gọi đầu tư vào sàn giao dịch có nguồn gốc ở nước ngoài để tạo niềm tin đầu tư tiền cho chúng. Khi nhiều nhà đầu tư đã đã đổ tiền vào sàn giao dịch này thì các đối tượng bằng mọi cách để chiếm đoạt như không cho rút tiền, can thiệp tài khoản nhà đầu tư điều chỉnh thua, và sau đó dẫn tới khóa tài khoản và tiếp đến đánh sập luôn trang Website. Hậu quả các nhà đầu tư đã không truy cập được vào sàn giao dịch do chúng lập ra dẫn tới thiệt hại mất toàn bộ số tiền đã đầu tư.
Theo quan điểm của luật sư, các đối tượng khi mời gọi các nhà đầu tư tham gia sàn giao dịch đã có mục đích gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Với thủ đoạn rất tinh vi bằng hình thức công nghệ cao qua internet, có sự cấu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ của từng đối tượng trong và ngoài nước để dụ dỗ, lôi kéo các nhà đầu tư tiền để nhằm chiếm đoạt tài sản.
Xét hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 290 Bộ luật hình sự. Với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn từ 500 triệu đồng trở lên thì các đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.
Vậy làm cách nào để những nhà đầu tư có thể lấy lại được tài sản? Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Ngô Thạnh - công ty luật The Light (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết:
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các mạng xã hội, việc lừa đảo qua mạng cũng dần diễn ra phổ biến hơn. Những kẻ lừa đảo dễ dàng quảng cáo, tuyên truyền, lôi kéo nhiều người bị hại cùng một lúc, trên khắp các tỉnh thành đầu tư vào các dự án “ma” do chúng “vẽ ra”, sau đó “ôm” tiền tỷ bỏ trốn. Tuy nhiên, “nạn nhân” lại không biết phải làm gì để tố cáo kẻ lừa đảo và lấy lại tài sản.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Ngô Thạnh cho biết, khi thấy có dấu hiệu tội phạm lừa đảo, người bị hại cần thiết phải thu thập các tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc, làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an, đề nghị điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.
“Việc tố giác hành vi của người có dấu hiệu phạm tội ra cơ quan công an phải được thực hiện nhanh nhất có thể để tránh các đối tượng lẩn trốn, tẩu tán tài sản dẫn đến việc thu hồi tài sản của những người bị hại là vô cùng khó khăn”, luật sư Thanh nói.
Bên cạnh đó, bị hại (nhà đầu tư) có quyền đề nghị cơ quan chức năng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người có dấu hiệu phạm tội. Theo quy định tại khoản 3 Điều 124, Điều 147 BLTTHS năm 2015 thời hạn tạm hoãn xuất cảnh là không quá 04 tháng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Tuy nhiên, luật sư Thạnh cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là việc thu hồi phần tài sản từ các kẻ lừa đảo chiếm đoạt. Vì theo quy định của pháp luật hiện nay việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại (Điều 129 BLTTHS 2015). Còn đối với những người bị hại khi có đơn tố giác tội phạm thì không có quyền yêu cầu kê biên tài sản dẫn đến những kẻ lừa đảo sẽ tẩu tán tài sản khiến cho việc thu hồi tài sản rất vất vả thậm chí là không thu hồi được.
Qua đây, luật sư Thạnh khuyến cáo: Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dân phải hết sức cẩn trọng trước những lời hứa hẹn đường mật quảng cáo giới thiệu lợi nhuận cao khi đầu tư vào những loại hình kinh doanh không minh bạch và có dấu hiệu lừa đảo. Đồng thời kiến nghị các cơ quan liên quan bổ sung thêm quyền kê biên tài sản của người bị tố giác cho người tố giác nhằm đảo bảo quyền lợi triệt để cho người dân.