Trong quá khứ, Bóng đá Việt Nam từng có các cầu thủ có vinh dự được ra nước ngoài thi đấu như Huỳnh Đức, Công Vinh, Việt Thắng... Tuy nhiên, điểm chung của các cầu thủ này đều không thể khẳng định được bản thân mình tại đội bóng mới và nhanh chóng phải xách va li về nước.
Năm 2001, Lê Huỳnh Đức đã từng đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với tư cách là cầu thủ đầu tiên đầu quân cho một đội bóng nước ngoài là Chongqing Lifan ( Trung Quốc). Tuy nhiên, chuyến đi này của cựu danh thủ ĐTQG Việt Nam chỉ gắn liền với việc quảng cáo cho hãng xe máy của Trung Quốc.
Tiếp đến là Lê Công Vinh, anh cũng đã vinh dự có hai lần xuất ngoại khi thi đấu cho Leixoes (Bồ Đào Nha) và Consadole Sapporo (J.league 2). Nhìn chung, ở lần xuất ngoại đầu tiên, CV9 không thực sự thành công còn khi sang Nhật thì ngôi sao này ít nhiều để lại được dấu ấn của mình trong lòng NHM cũng như BHL của Consadole Sapporo.
Bẵng đi một quãng thời gian khá dài khi xuất ngoại là một điều gì đó quá xa xỉ với các cầu thủ Việt khi Bóng đá Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Thời điểm đó, các cấp độ ĐTQG thi đấu bết bát, các CLB tại V.League thi đấu cũng không có điểm nhấn gì đặc biệt nên NHM dường như đã quay lưng lại với môn thể thao Vua này.
Thế nhưng, lứa cầu thủ HAGL là Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh lại là những người thắp lên hy vọng cho bóng đá Việt khi được các đội bóng của Hàn Quốc và Nhật Bản chiêu mộ vào năm 2016. Nếu Công Phượng và Tuấn Anh chọn giải pháp sang J.League 2 thì Xuân Trường lại mạo hiểm hơn khi chọn K.League là nơi phát triển.
Thế rồi, sự kỳ vọng của NHM nhanh chóng tiêu tan khi chỉ được chứng kiến các cầu thủ con cưng ra nước ngoài để ngồi dự bị hoặc xuất hiện ở các bến xe bus hay nhà ga chỉ để phát tờ rơi. Sau chuyến du học đầu tiên, bộ ba này trở về Việt Nam và phải mất rất nhiều thời gian thì họ mới lấy lại được phong độ và cảm giác bóng.
Khi NHM Bóng đá Việt Nam không còn hy vọng được chứng kiến các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài nữa thì cơ hội lại tiếp tục đến khi các cấp độ ĐTQG liên tục có những thành công ngoài mong đợi trong suốt hơn một năm qua. Lần này ba cái tên được "lựa chọn" để "xuất khẩu" chính là Văn Lâm, Công Phượng và Xuân Trường,
Sự hy vọng và kỳ vọng của NHM lại được nhen nhóm khi bộ ba này có khởi đầu vô cùng ấn tượng tại đôi bóng mới. Văn Lâm liên tục bắt chính tại Muangthong, Xuân Trường cũng được đá chính tại Buriram còn Công Phượng cũng liên tục có tên trong đội hình xuất phát của Incheon United.
Niềm vui chẳng tày gang, sau khoảng thời gian đó, ngoại trừ Văn Lâm là chắc suất thi đấu thì Công Phượng và Xuân Trường lại phải tiếp tục "kiếp sống thừa" tại CLB khi liên tục phải ngồi dự bị hoặc không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu.
Để rồi cuối cùng, Xuân Trường và Công Phượng buộc phải kết thúc hợp đồng sớm để về nước và tìm kiếm cơ hội thi đấu tốt hơn. Mới đây, thông tin Quang Hải và Văn Hậu được các CLB châu Âu đánh tiếng muốn chiêu mộ một lần nữa khiến dự luận Việt Nam dậy sóng.
Phần đa là lo lắng cho tương lai của hai cầu thủ này và sợ họ không được thi đấu nhiều sẽ đánh mất phong độ còn số còn lại thì ra sức ủng hộ để Văn Hậu và Quang Hải ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên, trước những bài học trước mắt thì bộ đôi của Hà Nội FC buộc phải tìm hiểu kỹ đội bóng đó có thực sự cần mình, có phù hợp và lối chơi ổn định không trước khi đưa ra quyết định xuất ngoại.