Trước khi bàn về câu hỏi trên, hãy khoan một chút để trả lời một câu hỏi khác.
Ngày hôm qua, hoặc có thể là hôm kia, bữa tối do mẹ/vợ bạn nấu, bao gồm những món gì? Hãy thử trả lời đi, rồi có thể bạn cũng giống như tôi…
Đó là không bao giờ lập tức nhớ ngay được một bữa cơm đầy đủ gồm có những gì. Mặc dù 1 năm có 365 ngày, và gần như trung bình ngày nào cũng 2 bữa, tức là hơn 700 bữa mỗi năm tôi được ăn những món do mẹ hoặc vợ nấu cho.
Tất nhiên, cho dù tôi có vô tâm như thế (một sự vô tâm có lẽ rất “đặc trưng” của cánh mày râu), thì những bữa ăn ấy không hề giảm đi một chút ý nghĩa nào, vì nhờ vậy mà tôi mới được nuôi dưỡng cả trí và lực để sống và hưởng thụ những điều rất đẹp khác trong cuộc sống.
Mẹ tôi, một bà nội trợ đích thực, luôn đảm bảo mỗi bữa cơm nóng sốt cho cả nhà 4, 5 miệng ăn. Chiếc cầu thang dài loằng ngoằng dẫn lên tầng 5 không ngăn cản được một phụ nữ đau xương khớp kinh niên như bà tay xách nách mang gần chục kg thực phẩm mỗi ngày, để đảm bảo nấu ra những bữa ăn ngon lành mà tôi không-thể-nhớ-cụ-thể-có-những-món-gì trong một bữa ăn đó!
Tất nhiên, nội trợ chỉ là một phần khá nhỏ trong lượng công việc hằng ngày của bà, vì những phần việc như hỗ trợ trông cháu, chạy sang chăm lo và giúp đỡ con gái, cháu ngoại… cũng giành lấy không ít thời gian mỗi ngày của bà.
Và thêm nữa, khi thời tiết thay đổi, căn bệnh xoang mãn tính hành hạ những giấc ngủ sinh lý người già, thì bà vẫn không bỏ quên “nhiệm vụ” cần mẫn ở trên, cốt sao chồng con ngon miệng là ổn. Bởi với mẹ tôi, đàn ông trong ngôi nhà này phải đi làm rất vất vả, và nếu không được ăn uống tử tế, thì đó quả là một sự xót xa không thể bỏ qua!
Còn vợ tôi, một nhân viên nhà nước mẫn cán luôn đảm bảo công việc cơ quan phải được làm thật tốt, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thì bất kể bận rộn, căng thẳng thế nào, mọi việc liên quan tới con nhỏ đều phải qua bàn tay khéo léo của em để đảm bảo “con của mẹ được chăm sóc tốt nhất có thể”.
Nói thế nghĩa là, dù nhà có người giúp việc, vợ tôi vẫn luôn tự tay chuẩn bị những bữa ăn từ chính tới phụ cho bé, tắm cho bé, vệ sinh phòng ốc thật sạch sẽ, cặm cụi chi li mọi thứ…
Bé nhà tôi lại hay ọ ẹ khi ngủ, nên rất nhiều đêm, vợ tôi thức trắng để đảm bảo bé không bị mất giấc ngủ sinh lý của mình. Cũng vì thế, khi vợ tôi ốm, mọi thứ trở nên căng thẳng khủng khiếp: Ốm nhưng cô ấy chỉ dám uống thuốc thật hạn chế để không ảnh hưởng tới con, ốm nhưng cô ấy vẫn cố gắng gượng dậy để làm những việc hằng ngày, ốm nhưng dù uống thuốc ngủ cho dịu thần kinh, cô ấy vẫn thức gần trắng đêm để trông con đang bị ốm…
Kể những thứ tưởng như rất đơn giản nói trên ra, có thể nhiều người sẽ cho là quá đỗi bình thường, thậm chí tầm thường!
Với tôi thì không hẳn thế…
Vì đã có những lúc tôi phải đảm nhiệm công việc đi chợ của mẹ tôi trong 1 ngày, và tôi hoàn toàn không hiểu tại sao bà có thể cuốc bộ khắp chợ để mua tần ấy thứ, vác qua quãng đường dài đến vậy mỗi ngày mà không cảm thấy đuối sức.
Vì đã có những lúc tôi thử nấu nướng phục vụ mọi người và cảm thấy mọi thứ như rối tung lên với một thực đơn có 4, 5 món ăn khác nhau.
Vì đã có những lúc tôi ngồi đút cho con ăn với lượng chỉ bằng 1/3 của vợ mà sống lưng tưởng như mỏi gẫy, chân thì tê cứng vì bị chuột rút.
Vì đã có những lúc tôi bị đau đầu và phải vồ ngay lấy vỉ thuốc giảm đau, trong khi vợ tôi thì luôn đấu tranh tinh thần để không uống, dù… rất thèm.
Vì đã có những lúc tôi thức một nửa buổi đêm trông con và ngày hôm sau cảm thấy kiệt sức hoàn toàn, cáu bẳn, làm việc không còn năng suất và hiệu quả nữa, mặc cho việc vợ tôi duy trì lịch sinh hoạt “khổ ải” đó cả tháng cả năm.
…
Tóm lại, tôi hiểu rằng bản thân chỉ thực sự có những giây phút thư thái, thoải mái khi những người phụ nữ quanh mình hy sinh không điều kiện, thương yêu không điều kiện mà thôi.
Và giờ là lúc để trả lời cho câu hỏi trên tít bài: Đến bao giờ mới có ngày… Đàn ông Việt Nam?
Tôi tin rằng trong 365 ngày của một năm, ngoài vài ngày đặc biệt để tôn vinh phụ nữ, thì toàn bộ thời gian còn lại đều đã là ngày thuộc về… đàn ông. Nếu không có sự hy sinh âm thầm, có vẻ rất giản đơn ấy của những người phụ nữ quanh mình, làm sao tôi và những người đàn ông khác có thể tận hưởng cuộc sống theo cách dễ chịu đến vậy.
Qua đây, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất dành cho những người bà, người mẹ, người chị, người vợ, người em gái… Những người đã giúp cánh mày râu chúng tôi nhận ra rằng: Gần như suốt cả năm, phái nữ đã luôn âm thầm tặng những món quà đầy ý nghĩa cho đàn ông chúng tôi!
Trung Hiếu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả