Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay đã kết thúc nhưng còn đọng lại chính là những hình ảnh gây nhức nhối với các khu du lịch chật kín người, những bải biển người bơi cùng rác.
Ngay cạnh tấm biển báo "Cấm xả rác" lại là những bãi rác khổng lồ, ngay bên dưới chiếc loa phóng thanh ra rả kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường là nhóm người hồn nhiên làm tổn hại môi trường. Câu hỏi đặt ra là đến khi nào, ý thức của người Việt mới được nâng lên? Giải pháp nào để ý thức của một bộ phận người dân được nâng cao, đặc biệt là việc bảo vệ môi trường, ứng xử nơi công cộng.
Xoay quanh vấn đề trên, chuyên gia văn hoá, PGS.TS Hà Đình Đức đã có những trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin.
Thưa PGS.TS Hà Đình Đức, hình ảnh rác thải xuất hiện ngập ngụa trên các bãi biển dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán, phải chăng ý thức của một bộ phận người dân quá kém?
Tôi cho rằng, vấn đề này đi đôi giữa giáo dục và dùng luật pháp để xử lý chứ không thể giáo dục chung chung. Việc vứt rác bừa bãi có thể phạt tiền hoặc lao động công ích. Tôi lấy ví dụ ở Singapore nếu xả rác bừa bãi thì sẽ bị phạt nặng như vậy mới đi vào nề nếp, khuôn khổ. Còn bây giờ, đi du lịch cả biển người thì cũng khó xử lý ai xả rác ai không. Điều này còn tuỳ thuộc vào ý thức của từng người.
Đến bao giờ, ý thức của người Việt mới được cải thiện, không xả rác bừa bãi như nhiều nước trên thế giới?
Rất khó để xác định bao nhiêu năm, bởi ý thức thì nó ăn sâu vào gốc rễ. Từ việc nhỏ nhất, người lớn không gương mẫu thì trẻ con bắt chước, cho nên tôi nghĩ rằng có thể mất cả một thế hệ thì may ra mới có thể cải thiện được.
Nhiều ý kiến cho rằng, xã hội của chúng ta đang ngày càng phát triển thế nhưng ý thức về xả rác ngày càng kém, chỉ biết sạch nhà mình còn nhà người thì mặc kệ. Phải chăng, đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách trầm trọng?
Về ý thức đạo đức không chỉ thể hiện ở việc xả rác, mà còn nhiều vấn đề khác. Cho nên, như đã nói ở trên, ít nhất một thế hệ khoảng 20-25 năm mới có thể giải quyết được vấn đề, chứ không phải chỉ một sớm một chiều. Cần phải đặt ra mục tiêu từ bây giờ.
Vậy, theo ông cần có giải pháp nào cho việc vứt rác ở nơi công cộng?
Nếu nơi đó không có thùng rác, người dân có thể chuẩn bị một cái túi và vứt rác vào, sau đó tập trung vào nơi quy định. Thêm nữa, khi ai có hành vi vứt rác bừa bãi thì cần nhắc nhở. Cùng với đó, cơ chế quản lý, giám sát trong việc bảo vệ môi trường cũng cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!
Cần phải xử phạt thật nghiêm khắc
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà cho rằng: “Để người Việt có được tác phong, ý thức bảo vệ môi trường, ngoài việc giáo dục ý thức, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng thì cần phải có hình thức, cơ chế phạt nghiêm khắc bằng tài chính. Cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ. Mới đây nhất, tôi có chuyến đi Thái Lan và chúng tôi có bảo với nhau là chắc phải 50 năm nữa thì Việt Nam cũng chưa thể theo kịp nếp sống văn hoá, bởi họ có ý thức hơn trong việc xả rác, hút thuốc lá… hầu như không ai vi phạm điều này.
Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý cũng cần trang bị thêm thiết bị, thùng rác nơi công cộng nhiều hơn để người dân thấy rằng mình cũng cần có ý thức hơn trong việc xả rác, bảo vệ môi trường”.
Clip: Thị trấn không rác thải tại Nhật Bản. Nguồn: VnExpress/Great Big Story