19h tối 23.5. SVĐ Mỹ Đình không còn một chỗ trống. Những tiếng hô vang tên Nick… Nick khắp các khán đài. Rất nhiều người dù cơ thể không lành lặn vẫn tìm mọi cách đến để được gặp Nick, dù chỉ là qua màn hình để được anh truyền cảm hứng: “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”.
20h. Chưa xuất hiện nhưng hình ảnh Nick trong các đoạn clip đã đủ làm khán giả “nổi sóng”. Nhiều người đã khóc khi nghe Nick trải lòng về những ngày buồn và vui trong cuộc đời. “Tôi sẽ làm chồng kiểu gì nếu ngay cả nắm tay vợ mình tôi cũng không làm được?”, nếu không phải là Nick, nhiều người sẽ ái ngại khi lần đấu nhìn thấy cơ thể anh.
Không điều gì, không thứ gì là hoàn hảo
“Khi tôi nhìn lại cuộc đời mình, nhiều người đã từng nói: “Trông kìa, nó chẳng có chân tay gì cả”, Nick Vujicic chia sẻ. Anh không thể thay đổi được thực tế ấy nhưng thực tế đã chứng minh Nick đã thay đổi được giá trị của mình. Anh đã tự tin để vượt lên số phận, để trở thành một người diễn thuyết lừng danh. Dù không thể tự mình lái xe nhưng anh vẫn có thể trượt patin, vẫn biết bơi, vẫn tỏa sáng và vẫn làm được rất nhiều điều mà ngay người bình thường cũng khó có thể đạt được. Quan trọng là: Đừng bỏ cuộc! Hãy biết rằng, trên thế giới này không có gì là hoàn hảo, kể cả những bông hoa đẹp nhất.
Để đừng bỏ cuộc thì cũng phải biết tìm được mục đích sống của mình. Nick kể, không ít lần thất vọng, chán nản làm anh lùi xa khỏi mục tiêu của mình. Khi 6 tuổi, anh về nhà trong nước mặt vì các bạn ở trường trêu chọc. “Khi khóc, tôi nhìn vào trong gương và nói rằng mình có thể thay đổi được gì đây? Mình không thể thay đổi được thực tế rằng mình không có tay, chân. Tôi soi gương và tự hỏi: Thế thì tôi có gì tốt đây? Tôi thà là người tốt còn hơn người có đầy đủ chân tay mà không tốt. Tôi thậm chí tập trung vào những gì trên thân thể mình mà nghĩ rằng là tốt: Tôi nghĩ mình có cặp mắt thật đáng yêu. Tôi tự nhủ, khi ai nói điều gì làm mình buồn bã thì đừng quên rằng mình có cặp mắt thật đáng yêu” – Nick Vujicic đã rút ra được thế mạnh đầu tiên của mình như thế.
Để kiên trì mục đích của mình đòi hòi lòng cản đảm và tình yêu thương bản thân mình để không bỏ cuộc. Lần khác, khi lên 10 tuổi, anh đã từng định nhảy xuống nước để tự tử. Nhưng rồi, anh vẫn sống, tức là vẫn còn niềm hy vọng – “Tôi còn có niềm hy vọng cho tới chừng nào tôi chưa bỏ cuộc”. Nick nhắn nhủ tới các bạn trẻ: Đừng để nỗi sợ hãi lấn át, đừng chỉ cần có một bạn trai chỉ để cảm thấy được yêu thương. Hãy chờ đợi điều đó. Không cần làm những điều giống người khác đang làm. Các bạn phải là chính mình.
Tiền không làm nên hạnh phúc
Nhiều người nghĩ rằng sẽ hạnh phúc nếu có thêm chút tiền. Tiền, tiền, tiền! Các bạn có nghĩ việc có thêm tiền có làm mình thêm hạnh phúc không?
“Nếu bạn cho tôi 1 tỷ USD, tôi sẽ có một tỷ niềm hạnh phúc. Nhưng nếu tôi có tất cả tiền bạc của thế giới này và mẹ tôi qua đời. Lúc đó tôi có vui vẻ, hạnh phúc không? Không! Đừng coi thường gia đình của mình, hãy biết ơn gia đình; biết ơn những người bạn của mình. Lần gần đây nhất bạn ôm bạn mình là khi nào? Lần gần đây nhất bố mẹ ôm các bạn vào lòng? Có lẽ là cách đây lâu rồi, nếu họ ôm nhiều hơn, các bạn có thấy ấm áp hơn không? Cuộc sống sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn khi bố mẹ nói rằng họ tự hào vì con cái”, Nick chia sẻ.
Anh cũng bày tỏ mọi người hãy học cách để yêu thương người khác. “Không phải lúc nào mình cũng có thể thay đổi cuộc đời người khác, hay thay đổi cách họ cư xử với mình. Nhưng bạn có thể chọn người nào đó để yêu thương. Hãy nói với con cái: Bố mẹ tự hào về con!”.
Để yêu thương, hãy học cách lắng nghe. Điều đó thật quan trọng. Có lần bị 12 bạn học trêu chọc, Nick tự nhủ: Nếu chỉ cần thêm một người nữa thôi, mình sẽ trêu chọc. Một người đã nhìn tôi và cô bạn đó nói: Ôi Nick và đến gần, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: Nick ạ, hôm nay trông bạn thật tuyệt vời. Điều đó giúp tôi rất nhiều.
Biết yêu thương cũng sẽ biết cách tha thứ. “Các bạn không cần phải chờ đợi nền kinh tế thay đổi và khởi sắc để giúp đỡ nhau. Mà có thể giúp đỡ nhau ngay từ bây giờ... Điều gì sẽ xảy ra khi các bạn không tha thứ? Những người đó có thể không xin lỗi bạn, việc không tha thứ cũng có thể không ảnh hưởng gì đến họ. Nhưng việc không tha thứ cũng giống như các bạn đang uống thuốc độc và hy vọng người nào đó sẽ qua đời. Khi các bạn nhận ra sức mạnh của lòng tha thứ thì sẽ biết phải bỏ lại cái gì ở phía sau để tiến lên phía trước".
Nick không giấu diếm: “Tôi thất bại nhiều nhưng tôi không phải là một sự thất bại. Quốc gia nào cũng đã từng thất bại. Chúng ta sống trong thế giới của những người đã từng thất bại, trong thế giới người nọ ghét người kia. Nhưng tôi muốn là người biết tha thứ, biết yêu thương. Tôi không muốn là người chỉ nhận mà là một người trao ban”.
Cuộc giao lưu trở nên xúc động và gần gũi hơn khi Nick Vujicic giao lưu với những người đồng cảm Việt Nam. Với mong muốn được Nick truyền cảm hứng, được chia sẻ kinh nghiệm, một người mẹ trẻ từ Yên Bái đã lặn lội về Hà Nội để đưa cô con gái Linh Chi (8 tuổi) đến gặp Nick. Cũng thiếu đi đôi bàn tay nhưng cô bé thông minh, xinh đẹp vẫn học giỏi, vẽ tranh rất đẹp. "Nhìn thấy chú Nick, Linh Chi cười và nhảy nhót theo. Tôi đã bật khóc khi trông con bé và Nick đi giống nhau. Linh Chi mong được gặp Nick và còn vẽ một bức tranh về chú ấy. Bức tranh vẽ một người đàn ông chỉ có mặt, thân hình mà không tay, chân. Vợ chồng tôi chỉ mong con được gặp chú ấy để có thêm nghị lực, sức mạnh vươn lên trong cuộc sống", mẹ em kể.
Còn Nick ao ước: Linh Chi sẽ hạnh phúc, sau này có thể sẽ trở thành một người diễn thuyết như anh.
Một người khuyết tật khác, chị Nguyễn Thị Hồng (30 tuổi, ở Tam Dương, Vĩnh Phúc), dù không thể tự đi lại nhưng chị đã tự học để dùng miệng vẽ tranh, làm thơ. Những bức tranh với gam màu tươi sáng, hy vọng, cỏ cây, hoa lá và hơn 400 bài thơ sâu lắng:
Có những nỗi buồn sầu
Không thể nói thành câu
Cuộc đời là thế đó
Buồn mãi cũng thành vui.
Hồng chi sẻ, không đến trường nhưng giống như Nick, chị có thể viết, đọc sách nhờ vào lòng yêu thương của mọi người, nhất là ba mẹ, một phụ nữ nông dân thuần phác. Và cũng với tấm lòng vị tha trong sáng, không bao giờ chị than thân trách phận. Vì chị khuyết tật về hình thể nên những người khác biết để thương được còn những người chất chứa nỗi khổ trong tâm thì không phải ai cũng biết để chia sẻ.
Kết thúc buổi giao lưu, phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng Nick Vujicic Huy hiệu Bác Hồ và bức chân dung Bác vì niềm cảm hứng đã truyền cho những người trẻ, đặc biệt là những người khuyết tật sự tự tin và hy vọng vượt lên, làm chủ số phận mình. Và trời như thử lòng và anh cũng đã thêm một lần chứng tỏ bản thân: Trong khi khán giả nhốn nháo tìm nơi trú mưa thì Nick vẫn điềm tĩnh trên sân khấu.
Tường Bách