Đến gặp nhà khoa học thế giới' của Việt Nam

Đến gặp nhà khoa học thế giới' của Việt Nam

Thứ 6, 08/03/2013 14:06

Hơn 40 năm làm việc, nhà khoa học Lê Văn Tuấn - người được thế giới vinh danh - luôn cho rằng, có một thế giới vô hình, cao siêu hiện hữu. Ông không chỉ là nhà khoa học mà còn là nhà thơ, nhà văn luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp, cho niềm đam mê vô hạn.

Ông đã viết vô số tác phẩm trong cùng một thời điểm. Ở con người ấy luôn có một sức lực tiềm tàng mà ngay cả ông cũng không giải thích nổi. Mỗi ngày đêm, ông chỉ cần hai tiếng rưỡi để ngủ. Và vì thế, ông chẳng khác nào một "siêu nhân" trong mắt mọi người.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên mang tên rắn

Chuyện về nhà khoa học của Việt Nam được thế giới vinh danh trong lĩnh vực soạn nhạc từ lâu đã được nhiều người biết tới. Thể loại nhạc CROR của ông là sự kết hợp của bốn dòng nhạc thế giới: Classic, Romantic, Opera và Rock. Đó là dòng nhạc của cái ta thế sự. Tò mò về con người nổi tiếng này, tôi có cuộc gặp gỡ tại nhà riêng của ông ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Buổi trưa ở thành phố, tiết trời oi bức, tôi đã được biết về sự bận rộn của ông nên cố tình hẹn vào giờ nghỉ trưa. Nhưng khi tới nhà ông, tôi bắt gặp ông vẫn còn chăm chú bên chiếc bàn làm việc bề bộn giấy tờ. Nhà khoa học đon đả mời tôi ngồi rồi dẹp ngay những tờ giấy còn vương vãi, ông nói: "Chuyện gì ra chuyện nấy, tôi có thói quen là làm việc theo nguyên tắc riêng của mình. Đã hẹn với anh nên tôi cố gắng làm xong phần việc của mình trước đó".

Ông Tuấn tiết lộ, năm nay ông rất vui vì có nhiều điều bất ngờ thú vị. Ông kể lại bằng chất giọng trong, thanh: "Tôi sinh năm 1952 năm Thìn, nhưng trong giấy khai sinh lại ghi là năm 1953 là năm Tỵ. Người ta hay nói là hồn rồng mang xác rắn đấy. Thế nên mới phải bôn ba khắp nơi, vì hồn rồng mà. Tôi sinh ra ở Hà Tĩnh, lúc mẹ hạ sinh tôi là khi bà đi chợ về giữa trời trưa nắng đổ. Lúc đó, chỉ có mình mẹ tôi, sau này tôi nghe mẹ kể là khi vừa sinh ra, tôi bị lăn từ trên bờ đê xuống cổng một nhà thờ đạo, hai bà sơ của nhà thờ chính là người cắt rốn, cha đạo lấy tấm áo choàng lấy tôi. Năm sáu tuổi, tôi theo cha mẹ ra Vinh, bảy tuổi tôi học ở Hà Nội đến hết lớp 10. Trong đợt thi tuyển học sinh xuất sắc gửi ra nước ngoài đào tạo do Nhà nước tổ chức, tôi đã đậu và được đi học ở Belarus. Năm 1989, tức là năm Tỵ, tự dưng tôi cảm thấy bất an. Vì thế, tôi xin về nước, đúng hai năm sau bên Đông Âu xảy ra biến động".

Nhân vật - Đến gặp nhà khoa học thế giới' của Việt Nam

Ông Tuấn bên am “rắn thần”

Chuyện về những năm rắn đối với ông Tuấn vẫn chưa phải là điều ông cảm thấy ly kỳ nhất. Điều ông cho rằng lạ nhất đó là vào ngày mùng 4 tết năm 2005, khi một chú rắn hổ mang bò vào nhà ông. Chậm rãi, nhỏ nhẹ như để nhớ lại một sự kiện trọng đại, ông Tuấn nói: "Hôm đó, tôi còn mải mê đi chúc tết bạn bè thì nhận được một cuộc điện thoại của bố tôi. Trong điện thoại, ông hớt hải nói là có một con rắn hổ rất lớn bò vào nhà đuổi không chịu đi. Thấy có điềm lạ, lập tức tôi từ giã bạn bè, đón taxi về nhà. Chỉ trễ có 15 phút, bố tôi đã dùng gạch đập vào đầu nó. Nếu nó không phải là một con rắn thần thì đã cắn chết bố tôi rồi. Nhưng nó đã không cắn và cam chịu chết. Khi tôi về tới nhà, nó đang nằm bất động giữa nền nhà thì bỗng dưng xoay người lại như chào tôi. Tôi mang nó ra vòi nước, xả nước cho nó khỏi đau. Đến sáng hôm sau, mẹ tôi mang nó ra chôn phía góc sân.

Sáng tiếp theo, mọi người tỉnh dậy sửng sốt vì đột nhiên có một nấm mồ nhỏ mọc lên. Đến sáng tiếp theo nữa, đột nhiên những phiến đá nhỏ lại phủ đầy bề mặt nấm mồ ấy. Mà nhà tôi thì cao cửa kín tường, lấy ai vào mà làm nên như vậy?. Thấy điềm lạ, tôi liền lập một cái am chôn con rắn vào đấy và đặt tên là rắn thần. Ngay hôm sau, không hiểu tại sao cây mai ở cạnh am đã chết cách đây hai năm tự dưng lại đơm đầy bông. Tôi không mê tín nhưng chuyện này đúng là quá lạ. Từ đó, gia đình tôi càng ngày càng phát triển hơn về mọi mặt”.

Bước sang năm Quý Tỵ 2013, những điều diễn ra với ông khiến niềm tin của ông vào việc có một cái duyên với rắn càng được củng cố. Ông Tuấn cho biết, ngay đầu năm mới, tự dưng có người mang đến tặng cho ông một hủ rượu rắn hổ với con rắn dài đến bốn mét. Một hủ rượu quý như thế, ngâm đã gần hai mươi năm lại có thể tặng cho ông làm ông vô cùng cảm kích. Nhưng có lẽ điều làm ông mãn nguyện nhất chính là những tác phẩm về rắn của ông lại hoàn thành ngay trong năm Tỵ. Đó là bài thơ Rắn thần và tác phẩm Anh em rắn và chú bé Tan.

Ông Tuấn cho hay: "Tôi sáng tác những cuốn này đã lâu. Nhưng tự nhiên năm nay lại có nhà xuất bản cho in. Một người bạn tôi làm giám đốc hãng tem chống hàng giả còn thân tình tặng cho tôi một ngàn cái tem để dán vào những cuốn sách ấy. Có thể nói, tôi rất có duyên với năm Tỵ, có duyên với rắn, nó mang lại cho tôi những thành công bất ngờ".

"Siêu nhân" giữa đời thường

"Nhà thơ Lê Tuấn, nhà văn Mark Lê Twain, nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn, kỹ sư năng lượng, kỷ lục gia Việt Nam, người được WFUCA - UNESCO vinh danh nhà khoa học, người nhận kỷ lục châu Á về sáng tạo âm nhạc CROR. Bảy người trên chỉ là một". Đó là những lời được viết từ bìa cuốn Lời cầu hôn của quỷ của Nhà văn Mark Lê Twain (Lê Văn Tuấn). Ngoài những công việc ấy, ông còn là giám đốc của trung tâm Kỷ lục gia… Ngần ấy công việc đối với người bình thường là không thể làm nổi, vì thế đã không ít người cho rằng ông là một "siêu nhân". Nhưng đối với ông Tuấn, để làm được điều ấy, ông đã có một quá trình truân chuyên, trắc trở.

Nói về khả năng trong công việc, ông Tuấn cũng không thể hiểu nổi tại sao ông lại có sức lực phi thường đến thế. Dáng ông thấp bé nhưng nội lực lại hết sức phi phàm. Ông nói: "Tôi không định được cái gì trên đường đi của tôi, không định được kết quả, không biết là làm công việc nghiên cứu sẽ đưa mình lên núi hay xuống biển. Tôi chỉ biết mình yêu thích và dấn thân với niềm đam mê mãnh liệt. Con đường mình dấn thân thì cứ nghĩ là được bề trên, thần thánh, các bậc tiền nhân chỉ bảo làm. Có thời gian là tôi lao vào làm. Chủ yếu là tôi làm ban đêm, vì ban ngày thì còn nhiều sự vụ, bạn bè, đối tác. Ban đêm, tôi thức dậy lúc 2h30’ làm cho tới 23h khuya. Ban ngày có những lúc mệt quá tôi ngủ gà ngủ gật. Có thể nói, tôi nằm ngủ, ngồi cũng ngủ và tôi đang luyện cho tới lúc đi cũng ngủ. Đối với tôi giấc ngủ không cứ vào việc dài mà là sâu, giống như ngồi thiền vậy, thoát khỏi tất cả mọi thứ đời thường. Tôi có niềm tin vào đấng tạo hóa mãnh liệt. Cho nên mỗi khi làm đúng thì tôi thấy như được nạp năng lượng, thấy rất thoải mái khỏe khoắn".

Tuy thế, có những khoảng thời gian, nhà khoa học Lê Văn Tuấn nghĩ rằng chuyên ngành mới là thứ ông đam mê. Ông chia sẻ: "Khi học bên nước ngoài, tôi luôn nghĩ là phải đi về con đường khoa học nghiên cứu vật lý, vì tôi yêu thích nó. Khi tốt nghiệp trở về nước, tôi lại nhận được công việc không phù hợp. Có những thời điểm, tôi thất nghiệp. Chính những năm tháng ấy, tôi miệt mài với nghiên cứu, quan sát mặt đất, cuộc sống nhân gian, nghe những dòng nhạc dân tộc của các nước.

Và từ đó, tôi đã có cái nhìn mới về vũ trụ, con người. Tôi đã trải qua các công việc từ nơi thấp nhất là hầm mỏ, cho đến nơi cao nhất là nhà máy luyện kim. Đã làm những việc ấy thì thơ, nhạc, văn tự nhiên sinh ra. Những năm sau này, tôi mới bắt đầu con đường khoa học. Nền khoa học tôi nghiên cứu là một nền khoa học âm phần, khoa học không nhìn thấy. Bởi tôi nghĩ, quả đất sinh ra phải trọn vẹn phần nhìn thấy được và không nhìn thấy được, như thế mới hợp quy luật, như thế mới cân bằng, đó là những quy luật bất biến của tạo hóa. Những công việc nghiên cứu và sáng tác tôi thực hiện đồng thời bằng tất cả sinh lực và tâm huyết trời ban cho tôi".

Theo khoa học nghiên cứu, con người cần phải ngủ ít nhất 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nhưng ông Tuấn chỉ cần hai tiếng rưỡi. Tất cả những người thân của ông, bạn bè của ông đều không thể hiểu nổi vì sao cùng một lúc ông có thể cho ra nhiều sản phẩm đến vậy. Ông giải thích: "Tôi thai nghén các công việc ấy thì mấy chục năm, nhưng sáng tác thì rất nhanh, chỉ trong vòng một năm. Thật ra, niềm tin vào đấng bề trên chỉ củng cố cho ý chí của mình, chứ cái chính phải là đam mê, nhiệt huyết với công việc. Khi đã có tâm huyết với những điều mình thích thì có thể đảo lộn đồng hồ sinh học của cơ thể. Đó chính là cái phần năng lực tiềm tàng của con người".                                

Tự nhận mình là "người của mọi người"?

Nhà khoa học Lê Văn Tuấn sắp cho ra đời một sản phẩm mới, ông đã thực hiện xong nhưng dường như ông vẫn chưa hài lòng. Ông cho biết: "Tôi đang thực hiện pho Thiên Địa Kinh. Tôi đã làm được bảy cuốn, nhưng bề trên muốn tôi viết thêm bảy cuốn nữa và đặt nó lên đầu. Bản thân tôi cũng nghĩ, nghiên cứu sáng tác cũng như người nấu một nồi cơm vậy, nấu làm sao cho người già, trẻ, trai, gái, khỏe, yếu… đều ăn được. Nghiên cứu sáng tác là phải để mọi người đọc và hiểu được. Vì thế, tôi luôn trăn trở từng ngày, từng giờ để cho ra những tác phẩm chất lượng nhất, chứ không chạy theo số lượng. Vì về cơ bản, tôi là người của nhân loại, người của mọi người".   

Hoàng Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.