Chiều 21/10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội về “Tình hình thực hiện ngân sách năm 2019”.
Sau đó, đánh giá về báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ TCNS trong năm 2019 đã đề ra.
Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, qua giám sát thực tế, khảo sát cung cấp thông tin, sự tham gia phối hợp thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ông Hải cho rằng, sự bền vững của thu NSNN là chưa chắc chắn, mặc dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán.
“Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và HĐND giao. Một số địa phương là trọng điểm thu NSNN lại có tiến độ thu chậm, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác hành thu NSNN từ nay đến cuối năm”, ông Hải nói.
Về thu từ thuế và thu từ các khu vực kinh tế: Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2%GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21%GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.
Đối với công tác quản lý thuế, tính đến thời điểm 31/8/2019, tổng số tiền nợ thuế là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với 31/12/2018, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 70/2018/QH14 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2019 là giảm nợ đọng thuế. Đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn.
Về chi thường xuyên, Ủy ban TCNS nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Về bội chi và cân đối NSNN năm 2019, Ủy ban TCNS tán thành với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bội chi, cân đối NSNN năm 2019. Theo đó, bội chi NSNN năm 2019 ước bằng 3,4% GDP; nợ công bằng 56,1% GDP, nợ chính phủ bằng 49,2 %GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,8% GDP, đều giảm so với dự toán; bội chi NSĐP giảm so với dự toán Quốc hội quyết định (giảm 12.500 tỷ đồng). Trong thời kỳ ổn định ngân sách, 16 tỉnh, thành phố đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về NSTW đều có bước phát triển ổn định, một số địa phương khác cũng có số thu tăng cao, có thể phấn đấu cân đối được ngân sách trong thời kỳ ổn định tiếp theo.
Về chi ĐTPT: Chính phủ dự kiến chi ĐTPT tăng 41,3 nghìn tỷ đồng (tăng 9,6%) so với dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi NSNN, là mức tăng hợp lý do nguồn lực có hạn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mức tăng 9,6% là thấp so với yêu cầu về nguồn vốn đầu tư khá lớn để hoàn thành các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 còn dở dang.
Phần trăm tổng chi NSNN, giảm dần qua các năm. Ủy ban TCNS đồng ý với đề xuất. Tuy nhiên, đề nghị đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ để giảm chi thường xuyên, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán. Đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính trong quản lý chi tiêu.
Chi cải cách tiền lương: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi ĐTPT khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của NSĐP và 40% tăng thu của NSTW cho cải cách tiền lương.
Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Về bội chi NSNN và nợ công, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS đồng ý với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi NSNN 3,44% GDP. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc dự toán bội chi NSĐP là 0,24% GDP sau khi đã tính đến yêu cầu của các địa phương trọng điểm, để dành dư địa cho NSTW phát huy vai trò chủ đạo.
Về nợ công, UBTCNS nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của NSNN như: nợ đọng XDCB, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của NSNN; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Công Luân - Hoa Liên