Đèn kéo quân - món đồ chơi giản dị và gần gũi với tuổi thơ của nhiều thế hệ mỗi dịp rằm Trung thu tháng Tám. Bên cạnh những thức đồ hiện đại, sự hiện diện của những giá trị thủ công có một sức hút đặc biệt không thể thay thế.
Tìm về thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai – Hà Nội, chúng tôi có dịp được gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của nghệ nhân Vũ Văn Sinh - người làm nên chiếc đèn kéo quân kỉ lục lớn nhất Việt Nam năm 2006 được người dân cả nước biết đến.
Đèn kéo quân 2018 – sự giao thoa kim cổ
Đèn kéo quân hay còn được gọi là đèn cù có xuất xứ từ Trung Quốc (Tẩu mã đăng) thường xuất hiện vào những dịp lễ tết đặc biệt là Tết Trung thu.
Đèn kéo quân được làm bằng khung tre và giấy dó. Trục đèn được làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Khung bằng tre sẽ được quấn quanh bằng giấy poluya. Người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ để chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn.
Đèn hoạt động dựa trên nguyên lý khí động học, khi thắp nến thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại.
Gọi là đèn kéo quân là bởi nó gắn với hình ảnh đoàn quân lính xung trận. Mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước.
Bên cạnh những mẫu đèn kéo quân truyền thống với các thao tác phức tạp, sự xuất hiện của những đèn kéo quân hiện đại tạo sức hút mới lạ trong thị trường đồ chơi Trung thu năm 2018.
Đèn kéo quân hiện đại chạy bằng motor điện với cấu trúc mô phỏng truyền thống.
Cấu trúc của đèn kéo quân hiện đại gồm: Bóng đèn, bộ truyền quay, tán chụp, thớt đèn, khung đèn được cố định bằng keo và khung nhập khẩu.
Đèn được sử dụng nguyên liệu công nghiệp, duy chỉ có trụ đèn vẫn được gia đình sử dụng bằng tre và vót nhọn thủ công. Phương thức thực hiện giống với đèn thủ công nhưng thời gian được rút ngắn và số lượng đèn sản xuất lớn hơn rất nhiều.
Ngoài việc sử dụng làm vật phẩm cho dịp Trung thu, đèn kéo quân hiện đại còn được trưng dụng làm đèn ngủ hoặc đèn trang trí.
Đèn kéo quân hiện đại được đón nhận bởi những ưu điểm vượt trội so với đèn thủ công. Nó khắc phục được những hạn chế của đèn truyền thống nhưng không vì thế mà làm mất đi dấu ấn đặc trưng.
Suy tư của người nghệ sĩ lắm chiêu
Là người gắn bó lâu dài với chế tác thủ công, nhận ra sự thay đổi trong cơ chế thị trường, nghệ nhân Vũ Văn Sinh đã khéo léo sáng tạo ra mẫu đèn kéo quân hiện đại. Ông cho biết, cũng như bao mặt hàng đồ chơi dân gian khác, đèn kéo quân truyền thống đang dần mai một đi theo thời gian, do giá trị kinh tế đem lại không cao. Nhận ra được vấn đề thị trường, nghệ nhân Vũ Văn Sinh đã mạnh tay chi gần 400 triệu đồng để "cải tiến" đèn kéo quân với tên gọi "Siêu đèn kéo quân".
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, nghệ nhân tâm sự: "Đèn kéo quân truyền thống mang đậm những nét văn hoá của dân tộc Việt Nam. Trách nhiệm của chúng ta cần phải bảo tồn và giữ gìn. Tôi vẫn làm những chiếc đèn kéo quân thủ công theo yêu cầu. Thông thường tỉ mỉ, tôi mất khoảng một ngày để làm ra hai sản phẩm. Song với cơ chế hiện đại, chúng ta cần phải cách tân. Với đèn kéo quân hiện đại, tôi nhận ra tính đa dụng, giá thành rẻ, có độ bền theo thời gian và cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự đến từ Trung Quốc. Hơn nữa nó vẫn mang tính giáo dục cao đối với lớp trẻ về hoài niệm truyền thống".
Theo nghệ nhân Sinh, làm những chiếc đèn cải tiến này là điều ông rất trăn trở, một phần ông lo lắng những chiếc đèn cải tiến sẽ làm lu mờ những chiếc đèn truyền thống, nhưng một phần ông hi vọng sẽ mang những chiếc đèn kéo quân trở nên phổ biến hơn trong nhịp sống hiện đại.
Thị trường đồ chơi Trung thu nói chung đèn kéo quân nói riêng trong nước vấp phải sự cạnh tranh từ Trung Quốc, Thái Lan. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, giá thành rẻ là điểm thu hút người tiêu dùng.
Vào dịp Trung thu, những người biết thưởng đèn kéo quân lại tụ tập tại phố Hàng Mã.
Điều họ tìm kiếm không phải những vật thức được bày bán mà là những hoài niệm, kí ức về một miền Trung thu cổ xưa, đáng quý.
Minh Anh - Hữu Thắng