Tờ Zing đưa tin, những ngày gần đây, nông dân Bình Thuận và nhiều vùng khác trên cả nước đang điêu đứng vì thanh long rớt giá thê thảm xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg.
Thanh long chín đỏ tại vườn, nông dân phải tạm thời neo lại trên cây mong thêm thời gian nhưng vẫn không có thương lái đến xem. Không thể chờ đợi, nhiều hộ đã thu hoạch và ngậm ngùi đổ đống bỏ luôn tại vườn.
Để giúp nông dân, một số siêu thị lớn đã bắt đầu chiến dịch “giải cứu”, lên tiếng mua lại thanh long và phân phối trong hệ thống của mình.
Đại diện Lotte Mart cho hay từ hôm nay đến hết ngày 14/10, hệ thống này sẽ hỗ trợ mua 5-7 tấn thanh long của nông dân tại Bình Thuận. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tăng cường thu mua thêm thanh long nếu sức tiêu thụ của người dùng tăng tại các siêu thị trong hệ thống.
Doanh nghiệp này cũng đứng ra kêu gọi người tiêu dùng, nhân viên và các đối tác kinh doanh cùng ủng hộ thanh long được thu hoạch trong mùa vụ này nhằm đẩy nhanh sản lượng tiêu thụ, giúp đỡ bà con nông dân sớm lấy lại vốn, ổn định canh tác.
Tương tự, liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng có kế hoạch sẽ “giải cứu” thanh long đang bị ứ hàng tại Bình Thuận và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Ngoài các siêu thị lớn, nhiều doanh nghiệp tư nhân, các nhóm bạn trẻ cũng xắn tay vào chiến dịch "giải cứu" thanh long.
Ngay khi biết được thông tin thanh long tại Bình Thuận rớt giá, Hoàng Châu (quận 1, TP.HCM) và nhóm bạn gần chục người đã bắt xe lên đây tìm hiểu thông tin và quyết định “giải cứu”.
“Sau hai đợt đến tại vườn của nông dân Bình Thuận, nhóm chúng tôi đã mang về thành phố và giải cứu thành công 3 tấn thanh long. Con số này rất ít so với tổng sản lượng thanh long của toàn tỉnh nhưng chúng tôi hy vọng sẽ giúp được cho họ phần nào”, Châu nói.
Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận có hơn 27.000 ha thanh long, trong đó, tập trung nhiều nhất tại hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Thanh long rớt giá, sản lượng cung cấp vượt nhu cầu thị trường xuất khẩu khiến loại trái cây này không tìm được đầu ra.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ thanh long tươi lớn nhất Việt Nam. Nguyên nhân thanh long thời điểm này bị “dội chợ” là do sản lượng cung cấp đã vượt quá nhu cầu thị trường.
Không chỉ ở Bình Thuận, hành trình “giải cứu thanh long” ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang rầm rộ, khi người người, nhà nhà, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân. Tờ VOV thông tin.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích thanh long. Tuy nhiên, do là cây dễ trồng và cho thu nhập cao nên người dân đã bất chấp cảnh báo phát triển ồ ạt với hơn 300 ha. Hiện nay do không có đầu ra ổn định, giá giảm sâu đột ngột đã khiến hàng trăm hộ dân đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Được biết, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có hơn 300 ha đất trồng cây thanh long, tập trung ở 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). Hơn 10 ngày qua, người dân nơi đây khóc ròng khi lần đầu tiên chứng kiến cảnh hàng tấn thanh long không có người thu mua và hư trái ngay trên cây.
Gần 1 tháng trước, giá thanh long vẫn ở mức cao vào khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, rồi bất ngờ giảm mạnh, xuống chỉ còn vài nghìn/kg. Đến thời điểm này, người dân chỉ bán được với giá 1.500 – 2.000 đồng/kg.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện vẫn chưa có hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong vấn đề bao tiêu thanh long.
Thậm chí vào các năm 2016 - 2017, chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã đứng ra mời gọi doanh nghiệp về địa phương để xúc tiến ký hợp đồng bao tiêu cho nông dân nhưng không thành bởi người dân vẫn canh tác thanh long theo phương pháp truyền thống, trong khi đó doanh nghiệp cần tuân thủ theo quy trình nhất quán để đảm bảo nguồn hàng đúng tiêu chuẩn họ đặt ra.
Thanh long rớt giá, người nông dân miền Tây năm nay lỗ nặng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Tờ VnExpress thông tin thêm, nhiều hộ trồng thanh long được thương lái đến tận vườn đặt cọc mua thanh long với giá 18.000 – 20.000 đồng/kg từ đầu vụ nhưng đến khi gần thu hoạch thì họ bỏ cọc hoặc là ép giá xuống 3.000 – 4.000 đồng/kg. Do thời tiết năm nay thuận lợi, nông dân mở rộng diện tích trồng cây quá nhiều, sản lượng lớn nên thu hoạch quá nhiều, mặc dù không có lãi cũng vẫn phải bán, còn lại đành đem bỏ.
H.Yến (tổng hợp)