Thông tin trên được ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nêu tại toạ đàm “Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển năng lượng tái tạo” sáng 22/12.
Hạn chế truyền tải liên miền
Theo ông Tuấn Anh, Quy hoạch điện VIII đến thời điểm này vẫn đang được Bộ Công Thương tiến hành cập nhật, hiệu chỉnh trên cơ sở đánh giá lại tình hình tăng trưởng phụ tải, đánh giá lại phát triển nguồn điện khi có những bất cập thời gian qua.
Qua đánh giá, thời gian qua việc phát triển nguồn điện chưa phù hợp với sự phân bổ và phát triển của phụ tải, đặc biệt theo vùng miền.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Tuấn Anh cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, phụ tải miền Bắc có tốc độ tăng 9%/năm nhưng nguồn điện lại chỉ tăng 4,7%/năm. Trong khi miền Trung, miền Nam tăng trưởng nguồn điện từ 16 - 21%, khiến cho chênh lệch công suất đỉnh tăng lên tới hơn 230% tại miền Trung và 87% tại miền Nam.
Với nhu cầu phụ tải thời gian vừa qua, nhất là do dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu khi tăng trưởng phụ tải giảm và việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời tại khu vực miền Trung, miền Nam.
“Điều này dẫn tới việc khu vực miền Bắc tại một số thời điểm thiếu nguồn, dẫn tới công suất nguồn năng lượng tái tạo truyền tải từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc ở một số thời điểm gây nghẽn mạch đường dây 500kV Bắc Nam”, ông nói và nhấn mạnh, đây là vấn đề đáng lưu tâm để xây dựng cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII làm sao cho phù hợp.
Cùng với việc đánh giá lại nguồn tải khu vực vùng miền, thời gian qua, sau hội nghị COP26, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh lại chương trình phát triển nguồn điện theo một số hướng chính.
Trong đó, tính toán lại tính khả thi giảm nhiệt than, phát triển mạnh điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng cường khả năng hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo, tiếp tục phát triển mạnh mẽ nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện gió trong thời gian tới.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Bộ Công Thương, một quan điểm được nhấn mạnh trong Quy hoạch điện VIII là cân đối vùng miền, bố trí nguồn điện để tránh truyền tải điện liên miền.
“Đến năm 2030, sẽ nhất quyết không xây dựng thêm các đường dây truyền tải liên miền; đến giai đoạn 2031 - 2045 hạn chế truyền tải liên miền, đảm bảo dự phòng hợp lý, đặc biệt miền Bắc”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn Anh, với nhu cầu phụ tải hiện đã thay đổi, tính toán nhu cầu phụ tải tới năm 2030 trong Quy hoạch Điện VIII so với Quy hoạch Điện VII thì đã giảm hơn 11 tỷ kWh.
Phát triển năng lượng tái tạo phải có các ràng buộc
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, quy hoạch nguồn điện xoay quanh 3 vấn đề chính là làm sao chi phí cho hệ thốngđạt cực tiểu, phù hợp với kinh tế, xã hội Việt Nam; đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, tức là xác định số giờ xác xuất mất điện là bao nhiêu giờ; đảm bảo môi trường, đặt mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 năm 2050, phải cân bằng 3 lĩnh vực để thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dự thảo cơ cấu nguồn dự phòng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Về cơ cấu nguồn điện năm 2030, thuỷ điện 19%, nhiệt điện than 25%, nhiệt điện khí 25%; năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối 25%. Đến năm 2045 cơ cấu thuỷ điện chiếm 14%; nhiệt điện than chiếm 11%; nhiệt điện khí 25%; nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45%; nhập khẩu điện 3,3%.
Theo ông Tuấn Anh, với mục tiêu phát triển, muốn tăng mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo thì tính toán phải đưa các ràng buộc vào trong mô hình tính toán nguồn, đưa ràng buộc an ninh, an toàn hệ thống, giá nhiên liệu hay ràng buộc về mức đầu tư, chi phí đầu tư, ràng buộc về khả năng truyền tải liên miền, phát thải. Trên các ràng buộc đó thì mô hình tính toán cơ cấu nguồn điện sẽ phù hợp theo các giai đoạn.
Ông Tuấn Anh cho hay, riêng về phát triển năng lượng tái tạo, dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã phát triển mạnh nguồn tái tạo với công suất nguồn điện gió đến năm 2030 đạt 21GW và điện mặt trời ở mức 16,5GW. Đến 2045 sẽ phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời với tổng quy mô công suất là 156 GW, trong đó điện mặt trời tăng đáng kể 70GW (chiếm 20% cơ cấu nguồn điện), điện gió 82GW chiếm 23% công suất nguồn điện.
Với tính toán đẩy mạnh phát triển nguồn điện tái tạo, các ràng buộc được đưa ra liên quan đến việc không tăng lớn về chi phí đầu tư cũng như ảnh hưởng đế giá điện.
“Đến 2030 tổng vốn đầu tư đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với phương án mà Bộ Công Thương trình vào tháng 3/2021. Còn đến năm 2045, tổng vốn sẽ giảm 42 tỷ USD”, ông nói.
Chống độc quyền, hình thành thị trường điện cạnh tranh
Tại toạ đàm, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài - nhấn mạnh chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh là một yêu cầu tất yếu khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Ông cho rằng, trên thực tế, nước ta đang xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh nhưng chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên vẫn chưa hình thành được một thị trường điện cạnh tranh đích thực.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, việc chống độc quyền tự nhiên, nhanh chóng hình thành thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ đối với chính sách và quy hoạch phát triển, quản lý giám sát, sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia.
Nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành một nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.