Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Hiện nay, trên cả nước có 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước (riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã). Đền Ngò xã Phụng Công hay gọi đền thờ Hai Bà Trưng hàng năm, được tổ chức trong ba ngày từ ngày (từ 8, 9 ,10 tháng 4 âm lịch hàng năm).
Về với Văn Giang vào những ngày nắng nóng oi ả cuối tháng 5, khi tiếng ve báo hiệu vào hè. Chúng tôi, đã có buổi tiếp xúc với đồng chí Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thuộc vùng tả ngạn sông Hồng. Có trên 20 dòng họ đã sống định cư thành một quần thể làng xã. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng xã Phụng Công có biết bao thay đổi, diễn ra bao cuộc thăng trầm để rồi có được một quê hương như ngày nay.
Theo truyền ngôn kể lại, tên làng Phụng Công có từ thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, các cụ già trong làng kể rằng: Vào năm 40 (Canh Tý) Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Tô Định. Trên đường hành binh tiến đánh thành Luy Lâu (Bắc Ninh) thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ ngày ấy, có qua vùng đất này. Hào trưởng Trần Cảnh đã cùng nhân dân trại Ngô (nay là làng Ngò) đốt đuốc trong đêm đón rước quân sĩ ở cánh Đồng Chầu, đào giếng lấy nước trong đêm (Giếng Dạ). Phục vụ việc luyện binh, mở tiệc khao quân ở Bãi Yến. Trai tráng trong làng đua nhau theo Hai Bà ra trận (hiện nay ba địa danh trên vẫn tồn tại đến ngày nay). Cảm kích trước công lao và tấm lòng trung nghĩa của người dân, Hai Bà đã đặt tên “Phụng Công’’ cho vùng đất chúng ta (Phụng Công có nghĩa là có công phụng sự, sự nghiệp của Hai Bà).
Đến nay, xã có 9 điểm tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có ba khu di tích lịch sử được công nhận. Di tích lịch sử cấp quốc gia: Đền Ngò và Đình Đầu thờ Hai Bà Trưng. Di tích lịch sử cấp tỉnh: Đình Bến thờ sứ quân Lã Tá Đường (Một trong mười hai sứ quân trấn giữ vùng Tế Giang tức huyện Văn Giang- Hưng Yên ngày nay. Là người đã giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi ngài hóa đã được nhân dân tứ thôn trong xã lập Đền thờ).
Trong buổi trò chuyện, ông Dũng còn cho biết thêm, xã Phụng Công còn có nghề truyền thống sản xuất bánh tẻ (bánh răng bừa), là một đặc sản ẩm thực mang nét đặc trưng của địa phương. Sản phẩm đã được đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu Trí tuệ và nhiều lần đoạt giải thưởng tại các cuộc thi ẩm thực trong nước. Sản phẩm được đưa đến các địa phương trong cả nước và nước ngoài.
Ngoài ra xã còn có nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh lâu đời được nhân dân gìn giữ và phát triển. Đặc biệt chủ lực là giống hoa Trà, Hải Đường, Hoa Hồng, Hoa Trạng Nguyên…sản phẩm của làng nghề được thị trường trong và ngoài nước yêu chuộng, góp phần phát triển kinh tế và ổn định đời sống của nhân dân địa phương.
Năm 2015, Phụng Công đã về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Phụng Công đã đoàn kết, nỗ lực để xây dựng đời sống văn hóa, quan tâm phát triển kinh tế bền vững, xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công và sự nghiệp giáo dục để xây dựng một Phụng Công theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã Phụng Công khóa XXIII đó là “Phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tăng cường đoàn kết, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương”.
Xuân Khiển