CEO từng đi hốt phân để mưu sinh
Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 7 có sự xuất hiện của startup Hồ Đức Hoàn, Co-founder kiêm CEO của Edu2Review. Rất tự tin, CEO này cho biết đã có 5 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Ngay từ đầu chương trình, Hồ Đức Hoàn gây ấn tượng bởi ý chí và nghị lực phi thường của mình. Theo lời vị CEO này, ngay từ những ngày còn là du học sinh Phần Lan, anh đã từng phải đi hốt phân chó, đạp xe hàng chục km giao từng tờ báo trong cái lạnh -35 độ để mưu sinh. Xe cũng không phải xe anh mua mà là chiếc xe cũ nhặt được ở suối đem về sửa lại.
“Để có thể đứng đây ngày hôm nay với các Shark, 7 năm về trước, bàn tay này đã phải hốt phân chó kiếm sống. Tôi phải đạp xe hàng chục km, giao từng tờ báo giữa mùa đông tê tái -35 độ ở Phần Lan để mưu sinh”, Hồ Đức Hoàn kể về quãng thời gian còn là du học sinh.
Trải qua nhiều khó khăn, Hồ Đức Hoàn nhận thấy chỉ có giáo dục mới giúp anh thoát nghèo. Vì vậy, anh đã cho ra đời Edu2Review.
Tuy nhiên, CEO Hồ Đức Hoàn thừa nhận trước khi xây dựng nên nền tảng này, anh đã từng thất bại với sản phẩm đánh giá tín nhiệm. Edu2Review được xây dựng từ đống tro tàn của 2 thất bại đầu tiên. Theo giới thiệu đây là nền tảng đánh giá các đơn vị giáo dục và khóa học đầu tiên tại Đông Nam Á. Nền tảng này có thể giúp người dùng tìm kiếm, đánh giá các khóa học chính xác, nhanh chóng.
"Khát vọng của Edu2Review là mong muốn sử dụng công nghệ để nâng tầm nền giáo dục Việt Nam. Chúng tôi mong muốn phấn đấu trở thành một Edtech Unicorn vào năm 2024", CEO Hồ Đức Hoàn bày tỏ tham vọng.
Muốn trở thành giám khảo Shark Tank trong 10 năm tới
CEO cho biết doanh thu của Edu2Review trong tháng gần nhất đạt 20.000 USD. Do đó ông tự tin nền tảng đánh giá các đơn vị giáo dục sẽ tăng trưởng mạnh khi quy mô thị trường giáo dục tư nhân tại Việt Nam là 5 tỷ USD.
Sau phần trình bày, các nhà đầu tư liên tục đặt câu hỏi về chiến lược kinh doanh, số liệu tài chính. Shark Hưng quan tâm đến điểm hòa vốn của dự án, CEO Hồ Đức Hoàn khẳng định đến nay đã hòa vốn và đang kêu gọi để đầu tư cho các phân khúc ngôn ngữ khác.
Shark Liên nêu giả thiết: "Nếu tôi đăng ký và bạn đánh giá trung tâm này tốt nhưng tôi đến cảm thấy không phù hợp với cách học của tôi thì có trả tôi tiền không?".
CEO Hồ Đức Hoàn tự tin khẳng định không chỉ phối hợp với trung tâm để trả lại tiền cho học viên mà nền tảng này còn giới thiệu với học viên đơn vị giáo dục khác.
Để thuyết phục các Shark, CEO Hồ Đức Hoàn cho biết thêm hiện quy mô thị trường giáo dục tư nhân tại Việt Nam là 5 tỷ USD. Ở Việt Nam, Edu2review có lượng booking tăng lên hàng năm, GMV (Gross Merchandise Value – tổng giá trị giao dịch) đã tăng trưởng kép 3,5 lần/năm.
Theo lời CEO này thì Edu2review từng có 2 lần gọi vốn thành công với tổng số vốn lên 750.000 USD. Tháng 12/2018, doanh nghiệp cũng được một quỹ đầu tư Hong Kong và Singapore rót vốn. Khi ấy, định giá của Edu2Review đã đạt 4,5 triệu USD.
Từ tháng 12/2108 tới nay, CEO Hồ Đức Hoàn cũng tự tin khẳng định Edu2Review đã đạt tốc độ tăng trưởng tới 2,5 lần.
Nhận thấy các Shark còn nghi ngờ, CEO này tự tin đáp lại rằng việc bị loại là một dấu hiệu rất tốt cho thấy mình làm chưa đủ tốt.
"Đối với bản thân tôi, thất bại là một dấu chỉ đường. Nếu nó chỉ mình sai thì quy lại đi chỗ khác và ngày nay dẫn tôi tới đây gặp các shark. Một trong những mục tiêu của tôi là trở thành giám khảo Shark Tank trong 10 năm tới. Vậy nếu các shark nhìn tôi như một shark con để hỗ trợ thì tại sao chúng ta không bắt tay với nhau?", CEO Hồ Đức Hoàn hỏi ngược lại các Shark.
Được 2 Shark đầu tư dù biết trước 99% là thất bại
Còn nhớ trong tập 6 Shark Tank mùa 3, tuy lần đầu tiên xuất hiện nhưng shark Nguyễn Hòa Bình đã gây ấn tượng bởi những lời nhận xét khá gay gắt, thẳng thắn dành cho các startup. Điều đáng ngạc nhiên là đối với Edu2Review, shark Bình lại dành nhiều lời có cánh cho startup.
"Anh rất ấn tượng phong thái về con người, đội ngũ, câu chuyện của em. Anh nghĩ cũng là một startup tốt mặc dù cũng chưa tìm được long mạch lắm đâu”, Shark Bình dành lời khen cho startup và đưa ra đề nghị 100.000USD để đổi lấy 5%, có quyền put option.
Trong khi đó, Shark Dũng nhận xét: “Anh thấy em là người dám thay đổi. Chính vì thế, dự án này cho dù anh biết 99% xác suất thất bại, 1% cơ hội thành công đi chăng nữa, anh vẫn đầu tư với mục đích ủng hộ để xây dựng nên một giấc mơ lớn”.
Shark Dũng đưa ra lời đề nghị 100.000 USD cho 10% cổ phần.
Mong muốn lôi kéo startup về mình, Shark Bình thông tin 80% các nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ (mô hình Shark Dũng đang quản lý) không mang lại giá trị tích cực cho start up.
"Nhưng anh là 20% trong số còn lại", Shark Dũng đáp trả.
"Và anh là 5% trong số giúp em tìm được long mạch", Shark Bình nói.
CEO Hồ Đức Hoàn sau đó trao đổi với co-founder kiêm Giám đốc tài chính Austin Carter và đề nghị với Shark Bình 100.000 USD cho 5% cổ phần. Trong đó 2,5% cổ phần dạng ESOP, kèm quyền mua ở vòng sau lên tới 1 triệu USD với chiết khấu 20%. Shark Bình gật đầu đồng ý.
Sau khi thương lượng, Shark Dũng cũng quyết định đầu tư 100.000 USD dưới dạng khoản vay chuyển đổi với 20% lãi suất. Trong vòng 1 năm đánh giá lại, nếu Shark thích đầu tư sẽ chuyển đổi thành 5% cổ phần và có quyền đầu tư vòng tiếp theo lên tới 1 triệu USD với điều kiện chiết khấu 20%.
Như vậy, thương vụ gọi vốn của CEO Hồ Đức Hoàn đã thành công với sự tham gia của 2 Shark Bình và Dũng, với tổng giá trị đầu tư là 200.000 USD.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)