Tiếc nuối loại hình độc đáo
Nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ thay vì kiên quyết bỏ café đường tàu, bộ Giao thông vận tải và Hà Nội nên tính tới việc tạo hành lang an toàn cho loại hình du lịch khá độc đáo này, như một điểm nhấn cho du lịch Hà Nội nhưng không gây nguy hiểm.
Từ góc nhìn của một người làm dịch vụ du lịch, ông Vũ Quyết Thắng, Giám đốc công ty Hoàng Việt Travel chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đã đi qua hàng chục đất nước, cũng đã được tham khảo, tiếp cận với rất nhiều loại hình du lịch khác nhau. Trong đó, có rất nhiều loại hình du lịch mạo hiểm, liên quan đến sự mạo hiểm, và đặc thù của mạo hiểm sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Mặc dù hình thức du lịch café đường tàu của chúng ta không phải là loại hình du lịch mạo hiểm nhưng có tính chất rủi ro liên quan đến giao thông. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của những quán café này không chỉ dừng lại ở khách Việt Nam mà còn thu hút đông đảo khách quốc tế, mở ra một nét văn hóa mới”.
TS. Vũ Văn Tuyến, Trưởng khoa Du lịch, trường đại học Văn hóa - Thể thao & Du lịch Thanh Hóa cũng cho rằng: “Việc xóm café đường tàu bị dẹp bỏ nhằm đảm bảo an toàn cho chính chủ hộ kinh doanh và du khách. Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, chúng ta nên nghiên cứu những giải pháp để vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì được hình thức kinh doanh này sẽ tốt hơn.
Bởi vì, với quan điểm về du lịch, đây là một hình thức rất độc đáo, đặc biệt thu hút du khách, nếu có thể phát triển được, sẽ trở thành một trong những thế mạnh du lịch ở Việt Nam”.
Theo ông, xóm café đường tàu vừa là nơi để du khách thưởng thức đồ uống, nơi để hòa mình vào không gian cuộc sống dân dã, nơi để check-in những tấm hình “sống ảo”. Đó được xem như một “điểm nhấn” níu chân du khách nước ngoài khi ghé thăm Hà Nội. Đặc biệt, khi Thủ đô Hà Nội lại đang là nơi cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế.
Tìm giải pháp duy trì sự sáng tạo trong du lịch
Vì vậy, trước sự độc đáo và hút khách của xóm cafe đường tàu, Trưởng khoa Du lịch, trường đại học Văn hóa - Thể thao & Du lịch nhấn mạnh: “Chính quyền nên đưa ra các giải pháp quản lý các dịch vụ du lịch tại đây vì nơi này có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội và có thể tạo “đòn bẩy” cho ngành du lịch phát triển”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Quyết Thắng cũng bày tỏ: “Theo tôi, nên có sự nhìn nhận, đánh giá và có hành động, biện pháp phù hợp. Theo quan điểm của tôi, để đảm bảo sức hấp dẫn, thu hút của điểm đến du lịch cũng như để đảm bảo sự an toàn cho du khách liên quan đến các quy định về pháp luật, nên tìm ra giải pháp để bảo tồn loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch này.
Có thể bằng cách, cơ quan nhà nước cung với người dân trong khu vực đó có sự phối hợp, hợp tác thiết lập những hành lang an toán, bằng một số phương pháp như lập rào chắn ngăn cách, để tạo khoảng cách an toàn giữa du khách và đường ray. Thậm chí, có thể bố trí nhân lực để hỗ trợ đảm bảo an toàn cho du khách, vì tàu chạy cũng có những khung giờ nhất định, có thể căn cứ vào đó để có thêm biện pháp”, ông nhận định.
Giám đốc công ty Hoàng Việt Travel cũng phân tích thêm: “Ở nhiều nước văn minh cũng đã chấp nhận và có biện pháp duy trì những loại hình du lịch có liên quan đến các công cụ hoặc phương tiện giao thông khác có tiềm ẩn rủi ro.
Tại một số nước, cũng có phố café đường tàu và được quản lý rất tốt. Tại con phố này, họ yêu cầu các chủ kinh doanh ký cam kết đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, bảo vệ du khách. Trước khi tàu chạy qua, chủ kinh doanh đều được thông báo để nhắc nhở, không cho du khách ra sát đường tàu mà thay vào đó họ phải đứng ở trong nhà, hoặc ban công, sân thượng ngắm tàu chạy qua.
Hiện nay, ở Việt Nam, chúng ta cấm luôn cũng không phải một giải pháp tối ưu. Khi tôi đi đến các nước tại nhiều châu lục khác nhau, tôi nhận thấy, tiềm năng tự nhiên về du lịch có thể không bằng thiên nhiên Việt Nam, nhưng họ có sự sáng tạo để phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch, hấp dẫn và thu hút du khách tại các điểm đến. Chúng ta có thể hướng đến học tập những nước có nền du lịch phát triển, “mạo hiểm” sáng tạo để phát triển”.