Trao đổi về vấn đề này với PV báo Người Đưa Tin, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Cần có những người cán bộ dám nghĩ, dám làm!".
PV: Thời gian qua, chuyện dẹp vỉa hè trở thành đề tài "nóng" được dư luận quan tâm, ông nghĩ sao khi những người lãnh đạo dám đương đầu?
Ông Đặng Thuần Phong: Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM làm việc đơn thuần là muốn lấy lại vỉa hè cho dân. Quyết tâm của ông và xuất phát từ tấm lòng, sự mẫn cán trong công việc - đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu nên không ngại đụng chạm với thế lực nào. Mặc dù vị Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM thừa biết đằng sau đó là sinh kế của nhiều người, nguồn lợi của một số phường, lợi ích của một số nhóm.
Còn ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội dám nhìn thẳng vào thực tế và đưa ra hiện tượng “bảo kê, chống lưng” vỉa hè - không phải ai cũng dám nói thẳng như vậy.
Tôi xin nói thẳng, nạn “bảo kê” ở Việt Nam xảy ra khá phổ biến. Không chỉ riêng chuyện vỉa hè, những nhóm lợi lích, “chống lưng” tồn tại ở nhiều lĩnh vực.
PV: Nạn "bảo kê", "chống lưng" phổ biến vậy tại sao ít người dám lên tiếng, thưa ông?
Ông Đặng Thuần Phong: Sở dĩ, giai đoạn này, tại sao lại có ít người dám lên tiếng, hành động trước những việc đáng lẽ trách nhiệm của họ phải làm? Bởi lợi ích nhóm lớn, sự chi phối, sự can thiệp ghê gớm làm ảnh hưởng đến những người có thành tâm, chí khí, muốn xã hội tốt đẹp hơn và nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Những người mạnh dạn, dám làm dám chịu thì họ không sợ những “bước cản” đó. Tuy nhiên, nó ít nhiều ảnh hưởng đến việc phát ngôn cũng như hành động của họ mà theo như Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói là “ngôi sao cô đơn”.
Khi có những cán bộ dám đương đầu, chịu trách nhiệm mà chúng ta không phát động thành phong trào để giành lại những vấn đề gắn liền “quyền và lợi ích” của nhân dân, để họ trở thành “ngôi sao cô đơn” thì thật đau đớn.
PV: Vậy theo ông, làm thế nào để có thêm những người lãnh đạo dám đương đầu trước vấn đề "nóng", bảo vệ lợi ích của dân?
ông Đặng Thuần Phong: Cần lắm sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp trên, phải giao cho các địa phương theo thẩm quyền của mình làm sâu rộng trên toàn quốc thì chuyện vỉa hè mới thực sự “nhỏ mà không hề nhỏ” và hy vọng sẽ dẹp bỏ được nạn “chống lưng”, hóa giải những bức xúc của người dân.
Ở các lĩnh vực khác cũng vậy! Cần quyết liệt làm và làm tổng thể, đừng để một vài người đứng ra đương đầu, làm rốt ráo vài ba tháng xong đâu lại vào đấy.
Tôi tin rằng, sự quyết liệt từ hai đồng chí trên sẽ có sức lan tỏa đến nhiều địa phương hơn nữa. Chúng ta không nên xem đó là chuyện nhỏ, chuyện đời thường ở cơ sở mà đây là chuyện lớn gắn với sự thượng tôn pháp luật.
PV: Theo ông, sau chiến dịch dẹp vỉa hè, ở các lĩnh vực khác có sự chuyển biến tích cực, không còn nhóm lợi ích?
Ông Đặng Thuần Phong: Người dân đang đặt niềm tin và hy vọng có “bước ngoặt” sau sự kiện dẹp vỉa hè vừa qua. Tôi rất trân trọng những người dám phát biểu, thẳng thắn nhận diện, chỉ ra vấn đề và điều quan trọng nhất là dám quyết tâm làm đến cùng. Đụng chạm đến lợi ích của người khác bao giờ cũng vướng “rào cản”. Tuy nhiên, sự đương đầu này để mang lại lợi ích toàn cục cho nhân dân thì đáng làm, cần được ủng hộ và làm quyết liệt.
Thực tế vừa qua, có những sai phạm mà người đứng đầu chối bỏ trách nhiệm khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra, nêu rõ mức độ, phải truy trách nhiệm, thậm chí kỷ luật. Tôi nói thẳng những người đó là thiếu bản lĩnh, né trách nhiệm. Nguy hiểm nhất là lỗi “trốn” vào tập thể, trách nhiệm chung mà không truy được đến cùng. Những người thiếu bản lĩnh, né trách nhiệm thì không thể so sánh với người nhận diện được vấn đề, dám đấu tranh cho nó.
PV: Như ông vừa nói, chỉ khi lãnh đạo dám đương đầu và dám nhận trách nhiệm thì nạn "bảo kê" mới hết đất sống?
Ông Đặng Thuần Phong: Tôi xin nói thẳng “né” trách nhiệm là căn bệnh của quan chức hiện nay. Vì thế, để dẹp được nạn này thì việc phân cấp phân quyền, quy trách nhiệm phải rõ ràng. Trách nhiệm anh tới đâu phải chịu tới đó.
Giao quyền thì đi theo đó là trách nhiệm. Việc quy trách nhiệm không được cá thể hóa, phân cấp phân quyền không đến nơi đến chốn sẽ là điều kiện để hiện tượng “né” tránh nhiệm, “chống lưng”, “bảo kê” có đất sống.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hương Lan (Thực hiện)