Rộn ràng nhạc xuân
Chúng tôi tìm tới bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) khi trời đã về trưa. Lúc này, ở trung tâm bản, tiếng nhạc xuân, tiếng eo sèo của buổi chợ đông... tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành thứ âm thanh nửa như xa lạ với những người từ xuôi lên, nửa như gần gũi níu chân những người xa quê.
Hỏi ra mới biết, đây là nơi mà người dân tộc Mông thuộc bản Sin Suối Hồ đang tổ chức lễ hội.
Ở đây chúng tôi được dân bản kể lại câu chuyện ăn tết của họ. Khác với người Kinh ăn Tết trong 3 ngày chính từ 1 - 3/1 (âm lịch), người Mông ăn trong 3 ngày từ 1 – 3/12 (âm lịch).
Tết của người Mông sẽ kéo dài trong cả tháng 12 âm lịch với nhiều sinh hoạt cộng đồng mang đậm nét văn hóa cổ truyền.
Trước đó, từ 26 - 27/11 âm lịch, người Mông tạm gác mọi công việc đi nương rẫy. Mọi người tập trung dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc… chuẩn bị đón Tết. Ngày 30/11 âm lịch, mọi dụng cụ cấy cày như cày, cuốc, xẻng… đều được gia chủ rửa sạch sẽ, dán giấy màu đỏ đem xếp gọn vào góc bàn thờ, cạnh cây đào. Buổi chiều, những gia đình người Mông ở Sin Suối Hồ chuẩn bị giết lợn, gà, đồ nếp nương giã bánh giầy.
Chúng tôi tới Sin Suối Hồ vào những ngày đầu năm khi không khí tết đã nhường lại cho những hội bản đầu năm. Đường vào Sin Suối Hồ những ngày này cũng đẹp tới nao lòng khi hai bên đường được bao phủ bởi sương trắng và những ánh nắng tinh khiết của vùng cao.
Để tới được bản Sin Suối Hồ, chúng tôi phải vượt qua hơn 30km từ thành phố Lai Châu với tay lái lụa của cánh xe ôm luôn túc trực sẵn ở cổng bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu.
Đường lên bản ngoằn ngoèo, khi chênh vênh triền đá, lúc dốc đứng xiên vào biển mây huyền ảo mênh mông, cứ úp mở như hứa hẹn về một điểm đến hoang sơ, mộc mạc nhưng ẩn chứa biết bao điều thú vị, hấp dẫn, thôi thúc bước chân người lữ khách.
Lạc bước vào không gian lễ hội của người Mông bản Sin Suối Hồ, không khó để nhận ra những đôi má ửng hồng trong tiết trời se lạnh, những nụ cười rạng rỡ nhưng đầy e ấp của các chàng trai, cô gái, những em bé... trong bộ quần áo xúng xính. Nhưng cũng có không ít những em bé vẫn nhem nhuốc trong bộ quần áo cũ kĩ. Hai đứa trẻ cõng nhau, đôi mắt chúng ngơ ngác trong tiếng nhạc xuân.
Thác Trái Tim với câu chuyện tình đầy chất thơ
Thấy có người từ dưới xuôi lên vui lễ hội cùng bản làng mình, anh Hảng A Sà – một cán bộ xã Sin Suối Hồ nhanh nhẹn bước tới rồi dẫn chúng tôi đi thăm thú khắp chợ bản. Anh còn chỉ cho chúng tôi đường lên Thác Trái Tim, Thác Tình Yêu – những địa danh nổi tiếng gắn với câu chuyện tình yêu của đôi trai gái người Mông cũng như cuộc sống dân bản Sin Suối Hồ từ nhiều năm nay.
Theo lời giới thiệu của anh Sà, hai con thác trên ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, uốn lượn giữa núi non điệp trùng, với phong cảnh hữu tình, Thác Trái Tim đẹp đến thơ mộng giữa núi rừng Tây Bắc. Ngày nay, những đôi trai gái yêu nhau thường đến đây cùng nhau uống nước ở thác với ước nguyện sẽ được bên nhau trọn đời trọn kiếp.
Để chạm tay được tới con suối đang “ẩn mình” ấy, tôi độc hành trên con đường băng qua khu rừng ẩm ướt. Thỉnh thoảng trên đường đi tôi bắt gặp vài ba người cũng đang háo hức được chạm tay vào địa danh được người dân bản Sin Suối Hồ truyền tai nhau với câu chuyện tình đầy... “chất thơ”.
Khi tiếng thác nước chảy ngày càng gần hơn, tôi vỡ òa trong cảm xúc thêm một lần mình chinh phục được những nơi không ít người “khuyến cáo” nên cân nhắc trước khi đến.
Trước mắt tôi lúc này là tảng đá hình trái tim phân tách đôi dòng nước, tạo thành cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Trên đường đi, dòng chảy của thác, tạo thành dòng suối nhỏ đổ theo vách đá, tung bọt trắng như vũ điệu của núi rừng. Theo một số người đã có mặt ở đây trước đó kể lại, mùa hè, nước trong lòng hồ dưới chân thác mát mẻ, sạch trong, du khách có thể nô đùa và ngụp lặn thoải mái.
Sau hồi mải mê đắm chìm trong vẻ đẹp của Thác Trái Tim, tôi men theo con đường dẫn trở ra nơi tổ chức lễ hội của người Mông. Anh Hảng A Sà vẫn chờ tôi ở đó để tiếp tục công việc “hướng dẫn viên”.
Và anh Sà tiếp tục dẫn chúng tôi thăm thú khu chợ, tới nơi đang diễn ra trò chơi đẩy gậy mà người dân tộc Mông tham gia trong lễ hội của mình. Phía xa xa, những em bé vẫn đang mải mê chọn cho mình món đồ chơi cổ truyền để được hò hét, được đắm chìm trong giấc mơ tuổi thơ.
“Ai cũng tham gia được trò chơi này, vui lắm, giờ mời các bạn ăn cùng chúng tôi bữa cơm của người Mông”, anh Sà hào hứng.
Mải ngắm phong cảnh và con người Sin Suối Hồ cũng như đắm mình trong những tiếng cười rộn ràng ngày đầu năm của người Mông, chúng tôi không để ý trời đã bắt đầu nhá nhem.
Khi khúc ca chào mừng năm mới vang lên ở phía sân khấu văn nghệ, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ấy. Những cô gái, chàng trai của bản Sin Suối Hồ hôm nay đẹp, đẹp tới kì lạ khi khoác lên mình những bộ váy truyền thống, cùng lắc lư theo những điệu nhạc, tiếng khèn, tiếng trống để ngân lên bài hát ca ngợi núi rừng Tây Bắc, gắn kết tình quân dân và chào đón năm mới.
“Trên nương lúa chín vàng
Đầu sàn hoa đã nở
Con ong đi tìm mật
Ta đi tìm tình yêu
Phiên chợ tình đâu xa
Đi chợ chẳng mua bán
Đi chợ để hẹn hò
Để hạnh phúc đơm hoa...”.
Đứng dưới sân khấu, chị Hảng Thị Sâu cũng nhẩm theo lời bài hát “Nhớ lắm chợ tình người”. Chị nói, chị sinh ra và lớn lên ở đây, những phiên chợ đầu năm cũng là phiên chợ tình để các đôi trai gái cùng nắm tay nhau “tìm mật, tìm tình yêu”. Chị biết ơn nhiều lắm chữ tình mà Đảng và Chính phủ đã dành cho dân bản chị. 20 năm rồi, năm nào chị cũng được đón cái Tết bình yên bên người thân và gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố Lai Châu, đây là lần đầu tiên anh Trang A Lứ đón xuân cùng đồng bào dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ. Chia sẻ về cảm nghĩ của mình, anh chỉ cười và bảo vui lắm. Nói rồi anh chỉ về phía những chậu lan rừng đang bung nở hoa khoe sắc trong chút nắng vội của buổi chiều. “Đặc sản của Tây Bắc đấy”, anh Lứ tủm tỉm.
Anh Vũ Văn Bằng, Đồn phó Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ cũng có mặt tại chương trình liên hoan văn nghệ Mừng Đảng, Mừng Xuân, Mừng Đất nước và đón tết cùng người dân.
Vừa chăm chú xem các tiết mục văn nghệ, anh vừa nhẹ nhàng thì thầm với chúng tôi: “Ở đây, người dân sống tình cảm lắm. Những ngày đầu xuân của họ năm nào cũng nhộn nhịp và vui vẻ như thế. Không pháo hoa, không tiếng nhạc ồn ào... nhưng tất cả đã làm nên 1 sắc thái rất riêng trong lễ hội của bản làng.
Tôi không nhớ mình đã có bao nhiêu năm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi nơi là mỗi bản sắc, mỗi sắc màu và mỗi tình cảm rất khó quên”.
Rời bản Sin Suối Hồ để trở lại với công việc của mình, chúng tôi không quên được cái nắm tay rất chặt của những người dân bản cũng như lời dặn dò rất đỗi thân thương “năm sau lại lên với bà con nhé”.
Đường Sin Suối Hồ vẫn uốn lượn quanh co, hai bên mây giăng kín tạo nên bức tranh thủy mặc đẹp tới nao lòng...
Nguyễn Huệ - Đỗ Huệ