Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Dệt may là 1 trong 5 ngành xuất khẩu có giá trị cao của xuất khẩu Việt Nam kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đứng sau điện tử, máy móc, điện thoại và linh kiện phụ tùng.
Năm 2020, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dệt may (chỉ sau Trung Quốc) và Bangladesh ở vị trí thứ 3.
Tuy nhiên, quốc gia này đã vươn lên vị trí thứ 2 thế giới kể từ năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt 49 tỷ USD tăng tới 64% so với năm 2020. Năm 2023, Bangladesh công bố đã xuất khẩu 40 tỷ USD hàng dệt may, tăng gần 70% so với năm 2020.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ tăng từ 35,3 tỷ USD trong năm 2020 lên 44,6 tỷ USD trong năm 2022 và giảm hơn 10% trong năm 2023 về mức 39,6 tỷ USD (tương đương mức tăng 12% so với năm 2020).
Sự kiện mới đây tại Bangladesh đã tạo không ít khó khăn cho ngành dệt may của quốc gia này. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Nhà máy Dệt Bangladesh đã thông báo đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong 3 ngày, theo quyết định của chính phủ về ba ngày nghỉ chung. Tất cả các ngân hàng và các cơ quan công cộng đã bị đóng cửa.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Bangladesh đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25 - 40%.
Tình hình ngân sách eo hẹp được cho đã buộc chính phủ Bangladesh phải cắt giảm trợ cấp khí đốt. Đơn hàng vốn đã eo hẹp hơn trước, nhưng khi có đơn hàng thì nhiều doanh nghiệp cũng đã phải quyết định bỏ đơn. Dệt may vốn là ngành thâm dụng khí đốt. Trong nhiều trường hợp chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Bangladesh nay còn cao hơn giá có thể xuất khẩu trên thị trường.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã phải cảnh báo việc quá phụ thuộc vào ngành dệt may đã và đang gây ra nguy cơ lớn và lâu dài đối với nền kinh tế Bangladesh.
Nghiên cứu của ADB cũng chỉ ra, không chỉ quá phụ thuộc vào xuất khẩu dệt may, các thị trường của dệt may Bangladesh cũng đang thiếu đi sự đa dạng cần thiết. 4/5 tổng lượng xuất khẩu của nước này hiện nay là bị bó hẹp ở các thị trường ở Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu.
Là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam, với tình hình trên, theo VITAS thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam khi ngành dệt may Bangladesh sẽ gặp khó khăn.
Trước hết, năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh tạm thời sẽ bị giảm sút. Nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt.
Bên cạnh đó, niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút.
Đặc biệt, tình hình nãy sẽ dẫn đến sức ép tăng lương cho lao động dệt may Bangladesh. Như vậy, lợi thế về cho phí nhân công của Bangladesh sẽ bị giảm sút.
Thanh Loan