Dệt may, mía đường, chăn nuôi sẽ gặp khó khi tham gia CPTPP

Dệt may, mía đường, chăn nuôi sẽ gặp khó khi tham gia CPTPP

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 3, 13/11/2018 19:00

Được đánh giá là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như, dệt may, nông, lâm, thuỷ sản... nhưng những ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP không phải là "thiên đường"

Ngày 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn bản liên quan, với sự nhất trí cao của 100% đại biểu có mặt .

Đánh giá về quyết định này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tham gia CPTPP ngoài những thuận lợi thì còn có thách thức rất lớn với Việt Nam: “CPTPP không phải "thiên đường" mà là một sân chơi với sự cạnh tranh cao độ”, ông nói.

Về mặt pháp lý, khi gia nhập CPTPP, chúng ta phải thành lập công đoàn độc lập với Tổng liên đoàn lao động. Ở các nước tư bản, luật này mở rất rộng trong khi nước ta rất chặt chẽ, đòi hỏi phải ta có những thay đổi về pháp luật, tổ chức công đoàn nếu muốn tiến sâu vào sân chơi này.

Về kinh tế, các mặt hàng được đánh giá là thế mạnh của Việt Nam như; dệt may, nông, lâm, thuỷ sản chiếm tỷ trọng không cao trong GDP nhưng có tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.

Tiêu dùng & Dư luận - Dệt may, mía đường, chăn nuôi sẽ gặp khó khi tham gia CPTPP

Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vẫn chịu thách thức khi gia nhập thị trường khó tính (ảnh minh hoạ).

Ông Hiếu phân tích: "Khi tham gia sân chơi lớn như CPTPP, dù là sản phẩm thế mạnh nhưng nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng những tiêu chí khắt khe của họ. Quy trình chế biến của ta vẫn bị đánh giá lạc hậu, trong khi việc đổi mới thiết bị, đổi mới quy trình sản xuất sẽ vấp phải nhiều thách thức.

Nguyên liệu từ dệt may phải nhập từ các nước thành viên CPTPP mới được miễn thuế. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn đang nhập chủ yếu từ Trung Quốc - quốc gia nằm ngoài CPTPP.

Tương tự trong chăn nuôi, hiện tại các sản phẩm thịt: thịt bò, gà... đã tràn vào Việt Nam với giá rất rẻ và chất lượng, dù chưa có CPTPP, nhưng đã làm ngành chăn nuôi bấp bênh.

Bên cạnh đó, mặt hàng như mía đường có chất lượng tốt nhưng giá thành phẩm lại cao hơn các nước do năng suất trồng thấp. Ngành này chưa có CPTPP đã điêu đứng nhiều năm nay, tương lai e rằng sẽ càng khó khăn. Vì vậy, bài toán cho người nông dân rất cần tính toán kỹ, bởi tương lai khi hội nhập có thể khó khăn hơn".

“Quốc hội và Chính phủ chắc chắn đã có những chuẩn bị tốt nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên trong cả nền kinh tế Chính phủ chủ yếu đóng vai trò quản lý, còn 90 triệu dân và 500 nghìn doanh nghiệp có sẵn sàng hay chưa thì câu trả lời lúc này tôi nghĩ là chưa”, ông Hiếu bày tỏ.

Tiêu dùng & Dư luận - Dệt may, mía đường, chăn nuôi sẽ gặp khó khi tham gia CPTPP  (Hình 2).

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với các nước phát triển là bài toán lớn cho các doanh nghiệp.

 

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết, trình độ sản xuất là rào cản lớn nhất đồng thời cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam khi gia nhập CPTPP.

Ông nói: “Tham gia vào một sân chơi lớn với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm".

Có cái nhìn lạc quan hơn TS.Nguyễn Trí Hiếu, ông Thắng nhấn mạnh: "Có nhiều khó khăn nhưng gia nhập CPTPP là cần thiết để hội nhập, để phát triển trong xu thế toàn cầu hoá sâu rộng hiện nay. Đặc biệt Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với khoa học - công nghệ hiện đại, cái mà ta còn thiếu hiện nay. Chúng ta phải khắc phục khó khăn, nắm chắc cơ hội, tự thay đổi mình vươn lên".

Trước đó thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn khi tham gia CPTPP như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển...

CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng những vấn đề mới đặt ra khi Việt Nam tham gia CPTPP, như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...

Hiệp định CPTPP gồm 7 điều, 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập CPTPP.

Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, trong đó 11 nghĩa vụ liên quan tới chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan tới mua sắm Chính phủ và 7 nghĩa vụ liên quan tới quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới; dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hoá…

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.