Bà Phạm Thu Thủy - Hiệu phó và ông Bùi Đức Hùng - Trưởng phòng Công tác chính trị, công tác sinh viên, đại diện cho Đại học Bách khoa Hà Nội làm việc với Báo Lao Động.
"Người được ủy quyền" có nguồn gốc?
Tại buổi làm việc, bà Phạm Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa - cho biết, trường "rất không bằng lòng" với việc báo chí đưa cái tít.
Về bài báo, bà Thủy cho rằng: "Tại sao khi có thông tin như thế, báo không làm việc với trường, xem người bí ẩn ấy hợp pháp hay không hợp pháp, có tư cách pháp nhân hay không có tư cách pháp nhân, mà giật một cái tít rất là... buồn cười như vậy. Mà để đến nỗi thường trực Ban Bí thư là đồng chí Lê Hồng Anh phải có ý kiến... Ở đây, nguồn gốc tại sao lại có anh Cường (Phan Anh Cường - PV) tham gia trong Ban Công chính của nhà trường thì nó có nguồn gốc của nó và nó có tính pháp lý của nó...".
Tuy nhiên, khi đại diện của báo đề nghị bà Thủy cung cấp rõ thông tin về "người được ủy quyền" Phan Anh Cường thì bà Thủy cho biết: "Việc mời anh Cường là Hiệu trưởng mời. Bởi vì có ý kiến của đồng chí Lê Hồng Anh thì Tổng cục 2 (Bộ Công an) đã phải thành lập một đoàn thanh tra xuống làm việc với Trường Đại học Bách khoa. Và tất cả các thủ tục mời anh Cường là hết sức hợp lý và hợp pháp. Còn nếu như báo thấy thực sự muốn tìm hiểu thông tin chính xác về anh Phan Anh Cường thì mời các anh sang Tổng cục 2".
Bà Phạm Thu Thủy cũng khẳng định: "Chưa bao giờ anh Cường và tôi cùng làm việc với chính quyền". Về cuộc họp ngày 12.4.2010 do Thanh tra Sở TNMT TP.Hà Nội chủ trì, với sự có mặt của bà Phạm Thu Thủy - đại diện Trường Đại học Bách khoa - ông Phan Anh Cường đã tuyên bố: "Tôi là Phan Anh Cường, công tác tại Bộ Công an. Vừa qua được sự ủy quyền của đồng chí Lê Hồng Anh sang giúp cho Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng về trợ lý đất đai... Nhà trường kiến nghị với đoàn là đập nhà ông Tiến...".
Bà Thủy cho biết bà có mặt tại buổi làm việc này, nhưng "không công nhận ông Phan Anh Cường tham gia đoàn của Đại học Bách khoa". Bà Thủy nêu quan điểm: "Đang họp, có một người bước chân vào phòng, nói vài câu nào đấy. Các anh ghi âm được, các anh bảo người ấy đại diện cho chúng tôi sao?".
Đại học Bách khoa tiếp tục gửi CV "không số"
Cũng tại buổi làm việc, ông Bùi Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn, trưởng phòng Công tác chính trị, công tác sinh viên - khẳng định: "Trường quản lý theo hệ thống ISO, không thể nào có văn bản "không số" mà nhà trường không quản lý. Vậy thì cơn cớ gì trên Báo Lao Động lại có thông tin như vậy?".
Thông tin về việc ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa ký CV "không số" ngày 24/3/2011 có nội dung "tố cáo" chính quyền quận Hai Bà Trưng được báo chí đăng tải. Về nội dung này, đại diện báo đã khẳng định phóng viên đã kiểm chứng thông tin từ phía UBND quận Hai Bà Trưng.
Trước đó, ngày 8/3/2013 hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Trọng Giảng cũng đã gửi một công văn tới báo khẳng định: "Tất cả các công văn gửi đi của trường đều được đóng dấu, vào số và lưu trữ theo quy định". Tuy nhiên, công văn này của ông Giảng cũng lại... không được điền số.
CV "không số" của ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa. |
Về việc chuyển khu Trạm xá Bách Khoa được xây dựng bằng tiền ngân sách cho Cty TNHH Bách Khoa "biến" thành nhà nghỉ (Trung tâm dịch vụ Bách Khoa), bà Phạm Thu Thủy bức xúc: "Tại sao báo chí lại trích lục một loạt các điều luật mà chúng tôi không được phép làm. Thế mà bây giờ chúng tôi đang làm, mà không phải một Cty, trường chúng tôi có hệ thống Cty mà Bộ trưởng (Bộ GDĐT) ký thành lập".
Bà Thủy cũng cung cấp thêm thông tin là Cty TNHH Bách Khoa hiện nay đã được chuyển cho một Cty khác. Điều này cho thấy phát hiện của báo chí về: "Quy trình biến hóa tài sản công của Trường Đại học Bách khoa" là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Lao động