Bài 1: ĐH Đại Nam 'lách luật' tuyển sinh liên thông 'chui' Điều dưỡng?
Bài 2: Tuyển sinh 'chui' tại ĐH Đại Nam: Lãnh đạo nhà trường nói gì?
Liên quan đến những thông tin trường ĐH Đại Nam tuyển sinh liên thông ngành Điều dưỡng trái quy định, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội): Nếu đào tạo “chui” điều dưỡng - Hậu quả khôn lường
Trước những thông tin tuyển sinh liên thông của ĐH Đại Nam khi chưa được phép, bà đánh giá như thế nào về chất lượng sinh viên nếu được đào tạo ra trường?
Đơn vị chưa được phép đào tạo liên thông ngành y, nhưng vì các ngành y, dược, điều dưỡng đang hot nên mở ào ào, cố tình tuyển sinh không quan tâm đến chất lượng sẽ có nguy cơ rất lớn vì hệ lụy kéo dài.
Nhìn rộng ra, vấn đề sức khỏe còn liên quan đến nòi giống. Bởi vậy, bất cứ cá nhân nào khi đi học liên quan đến ngành y trước tiên phải ý thức được trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đó được trau dồi qua năm tháng, từ việc đào tạo ở trường cả về chuyên môn lẫn y đức, đến khi ra ngoài đi làm. Đó là cả một quá trình. Thực tế, nhiều môi trường rất tốt nhưng vẫn có sinh viên kém chất lượng, chưa nói đến môi trường đào tạo chưa đạt chuẩn.
Chưa được phép tuyển sinh liên thông đồng nghĩa với việc chưa có các điều kiện cần và đủ để đào tạo một nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Điều này sẽ gây nguy hại như thế nào, thưa bà?
Nếu ngành chưa được phép mà trường đã nhận tuyển sinh thì tôi thấy không còn gì để nói. Rõ ràng, chủ thể có thể biết rất rõ nếu xin phép cũng không được đào tạo vì không đủ tiêu chuẩn. Biết sẽ vi phạm, không đủ tiêu chuẩn mà vẫn tiến hành tuyển sinh thì kết quả sẽ rất tệ. Đó là việc chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng.
Tôi nghĩ, ngay cả những người đi dạy ở những ngành chưa được phép liên thông cũng cần phải xem lại.
Trân trọng cảm ơn bà!
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trách nhiệm của bộ GD&ĐT đến đâu?
Thực tế, ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin cho thấy, ĐH Đại Nam đã tuyển sinh liên thông với ngành Điều dưỡng khi chưa được sự cho phép của bộ GD&ĐT. Ông có ý kiến như thế nào về việc này?
Đào tạo nhân lực trình độ ĐH là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đào tạo phải đảm bảo đúng các quy trình, quy chuẩn nhất định. Khi vừa được cấp phép đào tạo đại học hệ chính quy đã tuyển sinh liên thông là sai.
Tôi cho rằng, nếu đúng có chuyện tuyển sinh chui như vậy là đơn vị này thiếu kỷ cương trong quản lý. Thêm nữa, đào tạo nhân lực cho ngành y có đặc thù riêng, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Việc tuyển sinh khi không đảm bảo tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định là vi phạm nặng nề hơn so với những ngành khác.
Quy định có thời gian đào tạo chính quy nhất định, rồi mới được đào tạo liên thông là bộ GD&ĐT có những lý lẽ riêng. Bởi đào tạo liên thông liên quan đến bộ máy giảng dạy, cơ sở vật chất và kinh nghiệm nhất định từ việc đào tạo chính quy. ĐH Đại Nam vừa được cấp phép đào tạo hệ chính quy tức là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo hệ ĐH ngành này. Tuyển sinh liên thông ngay là chạy theo thương mại, không tôn trọng quy trình đào tạo cũng như yêu cầu về mặt quản lý.
Trên thực tế, hiện nay, đào tạo liên thông đang là vấn đề gây bức xúc bởi nhiều nơi chạy theo số lượng, tuyển sinh ồ ạt. Theo ông, giải pháp tối ưu cho vấn đề này là gì?
Thực trạng này xuất phát từ việc chạy theo số lượng mà không coi trọng chất lượng công tác đào tạo. Việc tuyển sinh liên thông ồ ạt như vậy cũng thể hiện thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý. Mặt khác, có thể thấy nhu cầu của người học từ hệ trung cấp, CĐ muốn liên thông lên ĐH là rất lớn nên nhiều trường đào tạo tràn lan, không chú trọng đến chất lượng, thậm chí giành giật học sinh.
Để giải quyết tận gốc, theo tôi, cơ quan quản lý Nhà nước như bộ GD&ĐT hay chính quyền địa phương, nơi các trường đóng trụ sở cần kiểm tra giám sát chặt chẽ về điều kiện đào tạo. Cần chú ý chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kinh nghiệm và đặc biệt là nhu cầu của ngành đó sau khi ra trường... Trên cơ sở đó, chỉ cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cần kiểm tra xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, đình chỉ đào tạo với những ngành cố tình sai phạm, để đảm bảo kỷ cương trong quản lý đào tạo. Tuy nhiên, học liên thông cũng là nhu cầu của xã hội, nên căn cứ năng lực từng trường để cho phép các chỉ tiêu hợp lý.
Được biết, ĐH Đại Nam là một trong những trường thực hiện tự chủ tuyển sinh. Nhưng, điều đó không có nghĩa là bộ GD&ĐT hết trách nhiệm khi để xảy ra việc tuyển sinh đào tạo liên thông “chui” tại ngành Điều dưỡng của trường này, thưa ông?
Giao tự chủ tuyển sinh về cho các trường là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, để thực hiện được quyền tự chủ của các trường, nhưng cũng đảm bảo được vai trò quản lý về mặt Nhà nước thì bộ GD&ĐT phải tăng cường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ. Giao tự chủ nhưng Bộ cũng phải tăng vai trò giám sát, hậu kiểm. Nếu trước khi xảy ra tình trạng tuyển sinh liên thông chui mà đã có kiểm tra không phát hiện vi phạm thì rõ ràng là chưa làm tròn trách nhiệm của công tác quản lý.
Dù vậy, việc thanh kiểm tra có đạt kết quả tốt hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Tôi nghĩ, trách nhiệm trước hết và lỗi ở đây vẫn là trường ĐH Đại Nam. Nếu biết tuyển sinh liên thông là trái phép, mà vẫn tuyển sinh thì cần xử lý mạnh hơn nữa. Họ phải biết rõ quy chế đào tạo, phải có trách nhiệm với xã hội, với sản phẩm đào tạo của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu – Công Luân (thực hiện)