Bản kết luận thanh tra “tiền hậu bất nhất”
Trong công văn gửi báo Nguoiduatin.vn, thông báo toàn bộ quá trình xem xét, xác minh một số vấn đề của Bộ môn Giải phẫu – Mô của trường Đại học Điều dưỡng Nam Định có kết luận như sau:
Sáng ngày 27/9/2013 Ban Giám hiệu đã họp, đồng chí Hiệu trưởng chủ trì, trực tiếp nghe các đồng chí Phó Hiệu trưởng báo cáo tình hình và quyết định thành lập 02 tổ công tác: Tổ thanh tra công tác giảng dạy năm học 2013 – 2014; Tổ kiểm tra công tác quản lý, điều hành nhân lực của các đơn vị trong Nhà trường. Đồng thời Hiệu trưởng Nhà trường đã yêu cầu Ban Giám hiệu Nhà trường trực tiếp trao đổi với tất cả sinh viên khối ĐHCQ khoá 8 và CĐCQ khoá 14 (là những khối sinh viên đã có ý kiến phản ánh theo thông tin của phóng viên) để nắm bắt những ý kiến từ phía sinh viên để có căn cứ làm rõ nội dung, tính chất sự việc.
Từ ngày 30/9 các tổ công tác nêu trên phối hợp với cơ quan công an tỉnh Nam Định đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác giảng dạy, công tác quản lý điều hành nhân lực của Bộ môn Giải phẫu – Mô.
Các cán bộ, giáo viên có tên trong bài báo đều đã viết bản giải trình về vấn đề có liên quan theo thông tin trên báo chí và đồng chí Trần Thị Kim Thục - Trưởng Bộ môn đã viết báo cáo giải trình về công tác quản lý, giảng dạy của Bộ môn cũng như các vấn đề báo chí đã nêu.
19h30 ngày 2/10/2013 Ban Giám hiệu Nhà trường đã có buổi đối thoại trực tiếp với toàn bộ sinh viên ĐHCQ khoá 8 và CĐCQ khoá 14. Tại buổi đối thoại, tất cả các sinh viên đều khẳng định:
Không viết đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Báo Người đưa tin, không gặp gỡ và cung cấp thông tin gì với phóng viên.
Không có tình trạng các thầy cô Bộ môn Giải phẫu – Mô bỏ giờ, ra đề thi, kiểm tra nằm ngoài kiến thức giảng dạy và thu tiền ngoài quy định như thông tin trên báo.
Nhiều sinh viên đã phát biểu các thầy cô Bộ môn Giải phẫu – Mô giảng dạy rất nhiệt tình, thậm chí hết giờ học vẫn ở lại giảng giải thêm và tạo điều kiện cho sinh viên học tập tốt.
Ngày 8 tháng 10 năm 2014, 02 tổ công tác “Thanh tra công tác giảng dạy năm học 2013 – 2014” và “Kiểm tra công tác quản lý, điều hành nhân lực” đã báo cáo trước Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường kết quả thanh, kiểm tra đối với Bộ môn Giải phẫu - Mô.
Ngày 14/10/2013 Hiệu trưởng Nhà trường đã tổ chức họp kiểm điểm đối với Bộ môn Giải phẫu - Mô. Tại cuộc họp, Hiệu trưởng nhà trường chỉ rõ:
Bộ môn đã mạnh dạn đưa phương pháp giảng dạy mới nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, nhưng cách thức triển khai chưa được tốt, chưa cụ thể với từng lớp và từng đối tượng làm cho sinh viên chưa hiểu, dẫn đến thắc mắc là giảng không đủ giờ.
Trong công tác quản lý của Bộ môn chưa chặt chẽ, một số Kỹ thuật viên dạy thực hành đôi khi chưa tốt, không thông báo lịch nghỉ giải lao hoặc lịch tự học cho sinh viên.
Tình trạng “dạy một đằng, thi một nẻo” là không có. Tuy nhiên trong Bộ môn chưa có sự thống nhất về một số thuật ngữ chuyên môn làm cho sinh viên hiểu lầm và thắc mắc.
Không có sai phạm về thu tiền ngoài quy định, thông tin đi học muộn phải nộp tiền là không đúng. Việc một số sinh viên đi học muộn các buổi thực hành sẽ không đủ điều kiện làm bài kiểm tra, bài thi nên phải học lại để kiểm tra lại, thi lại và phải nộp lệ phí theo quy định. Tuy nhiên, Bộ môn cần phải rút kinh nghiệm, phổ biến rõ ràng nội quy, quy chế cho sinh viên khi phải nộp lệ phí theo quy định của Nhà trường là để học lại, kiểm tra và thi lại chứ không phải nộp tiền vì đi học muộn.
Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính Phủ quy định về việc xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Hiệu trưởng Nhà trường đã ra Thông báo số 1258/TB-ĐDN ngày 17/10/2013 gửi tới các đơn vị toàn trường. Trong đó đã đưa ra hình thức phê bình đối với tập thể Bộ môn và 04 cá nhân do những thiếu sót trong công tác.
Công văn trên phần đầu khẳng định “không có tình trạng các thầy cô Bộ môn Giải phẫu – Mô bỏ giờ, ra đề thi, kiểm tra nằm ngoài kiến thức giảng dạy”, và còn nhấn mạnh “Nhiều sinh viên đã phát biểu: các thầy cô Bộ môn Giải phẫu – Mô giảng dạy rất nhiệt tình, thậm chí hết giờ học vẫn ở lại giảng giải thêm và tạo điều kiện cho sinh viên học tập tốt”, nhưng phần khẳng định của hiệu trưởng lại chỉ rõ: “Bộ môn đã mạnh dạn đưa phương pháp giảng dạy mới nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, nhưng cách thức triển khai chưa được tốt, chưa cụ thể với từng lớp và từng đối tượng làm cho sinh viên chưa hiểu, dẫn đến thắc mắc là giảng không đủ giờ”.
Chính trong văn bản kết luận thanh tra đã có nhiều điểm “tiền hậu bất nhất”, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Liệu có hay không trường ĐH Điều dưỡng Nam Định đang cố tình bao che cho sai phạm?
Mặt khác, việc một môn học có nhiều thuật ngữ chuyên môn, cần phải được giảng viên chỉ dạy tận tình, kỹ thuật viên hướng dẫn chặt chẽ như môn Giải phẫu- Mô mà lại được “giảng dạy theo phương pháp mới, nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên” có phải là một cách học sáng tạo?.
Không những thế, công văn của trường này còn khẳng định rằng: "SV của trường không viết đơn thư khiếu nại, tố cáo; không gặp gỡ và cung cấp thông tin cho PV báo chí".
Chẳng nhẽ 13 bản kê rất chi tiết ngày, giờ bỏ tiết của hội sinh viên ĐHCQ khóa 8 và CĐCQ khóa 14 là do báo chí đặt điều?
Sinh viên trường ĐH Điều dưỡng Nam Định: “Chúng em sợ bị trù dập”
Trong đơn kêu cứu của Hội sinh viên khối ĐHCQ khóa 8 và CĐCQ khóa 14 có đoạn viết:
“Chúng em 3 lần gửi đơn kiến nghị cho thầy hiệu trưởng Lê Thanh Tùng, và thầy hiệu phó Ngô Huy Hoàng 3 lá đơn, nói rõ việc cô Trần Thị Kim Thục, Trưởng bộ môn Giải Phẫu và thầy Phạm Văn Tỉnh, Giáo vụ bộ môn bỏ giờ không dạy, dẫn đến việc học tập sinh viên bị nhiều điểm kém phải mua điểm, sinh viên đi học muộn phải nộp tiền quá nhiều. Chúng em nghĩ các thầy cô giáo trong nhà trường có biết nhưng bao che cho nhau những việc làm sai qui chế, thiếu lương tâm trách nhiệm người thầy.
Tối 20 tháng 3 năm 2013 nhà trường tổ chức giao lưu các thầy cô giáo cùng với học sinh, sinh viên, nhưng trước hôm nhà trường tổ chức giao lưu thì các thầy cô giáo bộ môn Giải phẫu đã gặp các bạn lớp trưởng, lớp phó ở các lớp nói rằng về bảo các bạn sinh viên tối 20 tháng 3 năm 2013 khi giao lưu không được nói cho các thầy cô giáo nào biết việc cô Trần Thị Kim Thục và thầy Phạm Văn Tỉnh bỏ giờ dạy, sinh viên đi học muộn phải nộp nhiều tiền. Nếu bạn nào nói ra thì cô Thục và thầy Tỉnh sẽ cho thi lại , học lại môn Giải phẫu. Vậy nên tối hôm 20 tháng 3 năm 2013 nhà trường tổ chức giao lưu sinh viên chúng em không bạn nào dám nói gì phải im lặng…”.
Ngày 26/9, trước khi vào làm việc với đại diện trường ĐH Điều dưỡng Nam Định, PV đã có buổi tiếp xúc trực tiếp với hai SV đại diện khối CĐCQ khoa 8 và CĐCQ khóa 14, hai em này cũng rụt rè cho PV biết: “Trước khi gặp các anh chị, tụi em rất lo sợ vì nếu nhà trường, thầy cô phát hiện tụi em là người phản ánh sự việc lên báo chí, việc học tập của tụi em tại trường sẽ gặp khó khăn. Vì vậy mong quý báo giữ kín danh tính của tụi em để chúng em yên ổn học hết những năm còn lại…”.
Ông cha ta có câu “Không có lửa làm sao có khói”, nếu giáo viên trường ĐH Điều dưỡng Nam Định không làm sai, thử hỏi có SV nào “to gan” và dại dột đến nỗi “vu oan” cho thầy cô để suốt ngày sống trong tâm trạng lo sợ mình bị trù dập?
Liệu có gì khuất tất trong việc giảng dạy của một bộ phận cán bộ trường ĐH Điều dưỡng Nam Định và liệu nhà trường có đang cố tình lấp liếm, bao che cho những sai phạm đó? Để có được câu trả lời thỏa đáng, rất mong Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc, làm rõ về những nội dung mà SV trường Đại học Điều dưỡng Nam Định đã phản ánh.
Ngọc Phạm