Cách đây 52 năm, năm 1960, ngành học Ngoại Thương ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của đất nước về đội ngủ cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu để phục vụ và phát triển kinh tế của đất nước. Sau hơn nữa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, ĐH Ngoại Thương đã có những bước phát triển đáng tự hào, đạt được nhiều thành tích to lơn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
GS. TS Hoàng Văn Châu, hiệu trưởng nhà trường đọc báo cáo (Ảnh: Phan Chính)
Phát biểu tại buổi lễ ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ chính trị nhấn mạnh: “Cương lĩnh Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó có đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng GD-ĐT, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. GD-ĐT có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng vào xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn không chỉ đặt ra cho ngành GD-ĐT mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi kinh tế đất nước phát triển đến trình độ cao hơn, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc hơn thì những thách thức đặt ra trong giai đoạn tới đối với giáo dục ĐH cả nước nói chung và trường ĐH Ngoại thương nói riêng ngày càng gay gắt, trong đó có việc giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng sinh viên trong đào tạo; giữa nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với nguồn tài chính có hạn của đất nước; giữa chất lượng giáo dục Việt Nam với giáo dục của các nước trong khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học mới (Ảnh: Phan Chính)
Phó Thủ tướng yêu cầu nhà trường cần chú trọng huy động các nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện dạy học hiện đại, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong giảng dạy, quản lý; chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên. Nhà trường cũng cần triển khai tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, hướng dẫn của Đảng ủy cấp trên về kiểm điểm tự phê bình và phê bình, góp phần thiết thực xây dựng bộ máy lãnh đạo nhà trường ngày càng đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh...
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cần đi sâu, đi sát với hoạt động của các trường, cần lắng nghe, giúp đỡ, tháo gỡ các khó khăn, tạo cơ chế thuận lợi theo quy định để các trường hoạt động. Trong đó, chú ý đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế tài chính giáo dục theo định hướng, chính sách của Đảng và quy định hiện hành của Nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục theo hướng đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng cơ chế kiểm định chất lượng; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các trường có thể huy động các nguồn lực vào phát triển giáo dục ĐH. Đồng thời, Bộ cũng phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về GD-ĐT, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý và chất lượng đào tạo của các trường ĐH, các cơ sở đào tạo.
Phó Thủ tướng trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: Phan Chính)
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh trống khai giảng năm học mới; trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho nhà trường và Huân chương Lao động hạng Ba cho 3 cán bộ trường ĐH Ngoại thương.
Phan Chính