Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM cho biết: "Bảng giá học phí dự kiến nhà trường mới đưa ra chưa được UBND TP.HCM phê duyệt. Tuy nhiên, nếu phê duyệt, có thể đó là mức học phí sinh viên phải nộp mỗi năm".
Cũng theo vị Hiệu trưởng, nhà trường thay đổi phương thức tuyển sinh nên có sự biến đổi về mức học phí. Các năm trước, trường chỉ tuyển sinh viên có hộ khẩu TP.HCM và nguồn kinh phí đào tạo được hỗ trợ từ ngân sách TP.
Năm nay, trường đã tuyển sinh cả nước và sẽ phải tự chủ về ngân sách nên phải tính toán cụ thể để các em biết rõ học phí trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Nhà trường công bố thời điểm này là rất phù hợp, trùng với lịch điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.
Nếu thí sinh không có điều kiện nên làm đơn thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng lên trang web của bộ GD&ĐT.
"Hiện nay, nhiều trường đại học tự chủ về tài chính đã điều chỉnh học phí phù hợp với quy định của bộ GD&ĐT. Tôi cho rằng, tăng học phí là cần thiết. Ban Giám hiệu nhà trường đã họp nhiều lần trước khi đưa ra mức học phí dự kiến. Để được phê duyệt, nhà trường phải trình UBND TP.HCM, sở Tài chính để được thông qua", ông Xuân nhấn mạnh.
Ông Xuân cũng cho rằng, thực tế, sinh viên học ngành y tốn kém về cả vật chất và thời gian (sinh viên học bác sĩ phải mất 6 năm, trong đó có cả thực hành). Việc thực hành hiện nay cũng khó khăn hơn trước. Bởi các bệnh viện trên địa bàn TP đã tự chủ tài chính nên sinh viên thực hành, nhà trường sẽ trả chi phí.
"Bên cạnh đáp ứng nhu cầu thực tế dạy và học, việc tăng học phí còn giúp nhà trường nâng cao cơ sở vật chất như thay đổi máy móc, thiết bị dạy học hiện đại hơn. Với đặc thù ngành y, tôi cho rằng, mức học phí dự kiến mới đưa ra là không cao. Nhiều trường đại học tự chủ tài chính khác trên địa bàn TP.HCM còn có mức học phí cao hơn nhiều lần trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch", ông Xuân khẳng định.
Qua nhìn nhận của vị Hiệu trưởng, một số thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng vì sự thay đổi học phí mới. Nhà trường cũng đã cân nhắc kỹ mới có quyết định này. Công bố thay đổi học phí công khai, minh bạch để thí sinh có nhiều sự lựa chọn hơn.
Nhà trường tuyển sinh trên cả nước để thu hút thí sinh có năng lực, đào tạo đội ngũ sinh viên chất lượng cao hơn. Vì thế, nhà trường phải đổi mới trong tuyển sinh và đào tạo.
Năm đầu tiên trường tuyển sinh trên cả nước, số lượng thí sinh tăng gấp nhiều lần nhưng chỉ tiêu vẫn giữ như cũ. "Do đó, dự kiến điểm chuẩn các khoa sẽ tăng hơn so với năm ngoái. Chỉ tiêu ngành Y đa khoa 850, Răng hàm mặt 50, Dược 50, trường lấy ngưỡng xét tuyển là 21 điểm; các ngành còn lại lấy ngưỡng xét tuyển 17 điểm. Trước đó năm 2016, điểm chuẩn ngành Răng hàm mặt là 23,2 điểm, Y đa khoa là 22,8 điểm và Xét nghiệm Y học 22,5 điểm", ông Ngô Minh Xuân thông tin.
Lành Nguyễn