Tại đại hội đồng cổ đông được tổ chức sáng ngày 25/4 của Ngân hàng Thương mại cổ phần TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, MCK: MSB) một nhà đầu tư đã đưa ra câu hỏi: Thời gian qua, vụ việc ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến Tập đoàn FLC đã tác động tiêu cực đến một số ngân hàng và tổ chức tín dụng. Trên thị trường, có một vài thông tin cho rằng MSB hiện có khoản dư nợ trị giá 10.000 tỷ đồng liên quan đến Tập đoàn FLC. Vậy liệu MSB có thực sự liên quan gì tới hệ sinh thái của Tập đoàn này không?
Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB khẳng định ở thời điểm hiện tại, ngân hàng không có bất kỳ một khoản cho vay nào liên quan đến tổ chức của FLC hay doanh nghiệp Tân Hoàng Minh.
“MSB không có khoản dư nợ nào liên quan đến Tập đoàn FLC tính đến thời điểm hiện nay. Một số các tên tuổi khác nổi cộm trên thị trường hiện nay như Tân Hoàng Minh, MSB cũng xin khẳng định không có bất kỳ dư nợ nào với công ty này", ông Linh nhấn mạnh.
Một nội dung khác được cổ đông quan tâm là vấn đề thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM). Đây là công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của MSB.
MSB cho biết ngân hàng dự kiến tìm đối tác chiến lược để chuyển nhượng một phần vốn tại FCCOM để cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% số vốn góp tại FCCOM để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Trước đó, đại diện MSB chia sẻ đã tìm được một số đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc để hợp tác nhưng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 khiến các thương vụ M&A đều bị bỏ dở.
Bên cạnh đó, đại hội đồng cổ đông đã tiến hành thông qua kết quả kinh doanh năm 2021 và kế hoạch hoạt động năm cho năm 2022.
Hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2021
Đại diện MSB chia sẻ tại đại hội, mặc dù môi trường kinh doanh gặp nhiều thách thức, bấp bênh và biến động do đại dịch Covid-19, nhưng bức tranh lợi nhuận của MSB trong năm 2021 vẫn mang màu sắc tương đối tích cực.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ghi nhận đạt 5.088 tỷ đồng theo số liệu hợp nhất, vượt 55% so với mục tiêu 3.280 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông thông qua từ đầu năm.
Tổng tài sản của Ngân hàng ghi nhận đạt trên 203.000 tỷ đồng, tăng hơn 15,3% so với cuối năm 2020 và vượt hơn 107% so với kế hoạch đề ra.
Năm qua, thu thuần ngoài lãi thể hiện sự bứt phát rõ rệt với mức đóng góp 4.372 tỷ đồng, tăng hơn 85%, chiếm tỷ trọng hơn 40% trong tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng. Sự tăng trưởng này đến từ hai mảng chính là thu phí và kinh doanh ngoại hối với tốc độ tăng trưởng thu nhập so với năm ngoái lần lượt là 250% và 41,8%.
Ở mảng thu phí, MSB ghi nhận khoản thu lớn từ hợp đồng Banca với Prudential. Doanh số bán bảo hiểm cũng tăng trưởng tốt, luôn nằm trong top 10 của thị trường, dự kiến doanh thu phí Banca năm 2022 tăng 50-51%.
Doanh số Ngoại hối cũng ghi nhận kỷ lục mới khi đạt 7,209 triệu USD, tăng gần 40% so với năm 2020. Do ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ, sản phẩm mới với nền tảng số hóa nên kỳ vọng tăng trưởng doanh thu phí lõi vẫn khoảng 30% cho năm 2022.
Ở mảng thu nhập từ lãi, năm 2021 MSB tăng trưởng thu nhập lãi thuần xấp xỉ 29%. Nhờ cơ cấu nguồn vốn hiệu quả và chi phí vốn giảm mạnh từ 3,6% năm 2020 xuống còn 2,33% nên NIM được cải thiện tích cực từ 3,35% lên 3,63% năm 2021. MSB kỳ vọng trong năm 2022 MSB sẽ được Ngân hàng nhà nước cấp room tín dụng ở mức trên 20%. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất của MSB năm 2021 cũng thuộc top 3 trên thị trường.
Tổng tiền huy động từ khách hàng ghi nhận hơn 107.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó Casa của ngân hàng đạt 35,84% tổng tiền gửi, thuộc Top 3 thị trường.
MSB hiện có tỉ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 95%, tỉ lệ nợ cơ cấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 3% ở thời điểm 31/12/2021, tỉ lệ nợ xấu đạt 1,15%. Dự kiến trong quý I/2022, MSB sẽ giảm tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 1% khi thu hồi được các khoản nợ xấu của năm 2021.
Thù lao ngân hàng chi trả cho các thành viên HĐQT và BKS trong năm 2021 là 23 tỷ đồng, thấp hơn so với mức cam kết 25 tỷ đồng đề ra đầu năm.
Dự lãi 6.800 tỷ đồng năm 2022
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2022, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và SME, ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh Casa, giảm chi phí vốn và giảm CIR.
Hai dự án chiến lược là thay mới Core-banking và “Nhà máy số” được kích hoạt trong năm 2021 sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong năm 2022 với mục tiêu nâng tỉ lệ số hóa các dịch vụ của ngân hàng lên khoảng 60% trong 3 năm tới.
Bên cạnh đó, trong sự thích ứng linh hoạt với xu thế mới hậu Covid-19, ngân hàng hiện cũng đang phối hợp với đối tác chiến lược BCG để triển khai dự án làm việc linh hoạt cho cán bộ nhân viên, đưa tinh thần số hóa vào phương thức làm việc để nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc trên toàn hệ thống.
Các kế hoạch liên quan tăng vốn, ngân hàng cho biết đang hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số bên để có kế hoạch cụ thể.
Với sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, MSB thông qua đề xuất mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 30%. Quy mô tài sản sẽ đạt 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 20-25% tùy vào phê duyệt của Ngân hàng nhà nước, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 3%.
Đáng chú ý, năm 2022, MSB dự kiến sẽ phát hành hơn 458,25 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng với tỉ lệ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông là 30%. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 4.582,5 tỷ đồng lên 19.857,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, MSB cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) năm 2022 với số lượng tối đa 14,25 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ sẽ tăng thêm 142,5 tỷ đồng sau khi hoàn tất phát hành ESOP.
Trên thị trường chứng khoán, số lượng cổ đông của ngân hàng tại 31/12/2021 là 36.939 cổ đông, tăng hơn 3 lần so với 11.627 cổ đông vào cuối năm 2020 và sở hữu nước ngoài luôn chạm ngưỡng giới hạn 30% đối với ngành ngân hàng.
Chốt phiên sáng ngày 25/4, cổ phiếu MSB đang giao dịch quanh vùng giá 23.100 đồng/cổ phiếu.