Việc tới cửa hàng mới mở ủng hộ người quen là điều thường thấy, cho thấy mối quan hệ bền chặt, thể hiện thiện ý giữa bạn bè, người thân. Tuy nhiên, việc bữa ăn bị tính tới 7.472 nhân dân tệ (khoảng 24 triệu đồng) đã khiến người phụ nữ này choáng váng tột độ.
Cụ thể, sự việc xảy ra với người phụ nữ họ Chen, đến từ thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Chen có kế hoạch ăn tối với một nhóm bạn, một trong số đó là chủ một quán ăn, vì vậy cô đã chọn nhà hàng của anh ta để ăn ủng hộ.
Theo thực đơn nhà hàng đăng trên mạng, giá trung bình ở đây là 420 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu đồng)/người. Đây là mức giá mà Chen cho là chấp nhận được.
Khi đến nơi, cô được phục vụ bữa ăn đầy đủ gồm 11 món, một chai rượu vang đỏ, đồ ăn nhẹ và trái cây. Đây dường như là một sự chuẩn bị hết sức "chu đáo" mà người bạn là chủ nhà hàng đã chuẩn bị.
Tuy nhiên, Chen vô cùng bất ngờ khi vào cuối bữa ăn, cô được đưa cho một hóa đơn thanh toán 7.472 tệ, bao gồm phí dịch vụ 700 tệ (2,3 triệu đồng).
Hóa đơn cho thấy rằng trong số các món ăn được đặt trước, ốc xà cừ và hải sâm là đắt nhất, có giá lần lượt là 1.760 tệ (5,8 triệu đồng) và 2.112 tệ (gần 7 triệu đồng). Các món ăn thông thường khác cũng có giá cao ngất ngưởng như khoai mỡ 98 tệ (330 nghìn đồng), cà tím luộc 128 tệ (421 nghìn đồng) và bánh thịt chiên Chiu Chow 238 tệ (780 nghìn đồng).
Bên cạnh giá cả đắt đỏ, Chen cũng không hài lòng với việc phục vụ ở nhà hàng, cô nói: "Chúng tôi phải tự rót rượu vang".
Người phụ nữ tiếp tục tỏ ra bất bình: "Người bạn này đã lừa tôi. Tôi muốn ủng hộ nhà hàng mới mở của anh ta, nhưng anh ta không ngần ngại lấy hàng đống tiền của tôi".
Sau khi được đăng tải, câu chuyện của Chen đã nhận được sự đồng cảm từ nhiều thực khách khác của nhà hàng.
Mặc dù người bạn ở nhà hàng đã hoàn lại 3.000 nhân dân tệ (gần 10 triệu đồng) cho cô qua WeChat, phản ứng của cộng đồng mạng vẫn rất gay gắt.
Trên Dianping, một trong những nền tảng nổi bật nhất của Trung Quốc dành cho các bài đánh giá về dịch vụ ăn uống, các bài đánh giá tiêu cực tràn ngập: "Nếu đây là cách đối xử với bạn bè, hãy thử tưởng tượng cách anh ta sẽ đối xử với những khách hàng bình thường sẽ ra sao", "Sáu người phụ nữ mà đặt trước hơn 10 món ăn. Ngay cả khi bỏ qua việc anh ta cố tình gọi những món đắt tiền, thì riêng số món nhiều như vậy cho thấy anh ta không phải là người tử tế", "Cô ấy coi anh ta như một người bạn, nhưng anh ta coi cô ấy như một món hàng", “Bạn bè gì mà lừa đảo, “chặt chém” nhau như vậy”,….
Thực tế, đây không phải quán ăn bị chỉ trích duy nhất trong thời gian gần đây. Mới đây tấm áp phích "Hãy uống say đi để cho anh ta một cơ hội tiếp cận" khiến một nhà hàng Trung Quốc phải hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề.
Bức ảnh chụp bên trong nhà hàng thịt nướng ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) cho thấy một tấm áp phích được treo trên tường, in hình tấm lưng của người phụ nữ mặc đồ lót gợi cảm và đi tất lưới.
Bên dưới tấm áp phích là một khẩu hiệu mang thông điệp kỳ thị nữ giới, có nội dung: “Hãy uống say đi để cho anh ta một cơ hội tiếp cận”.
Nói với hãng truyền thông địa phương Gongfu Caijing, ngày 29/5, một nhân viên làm việc tại nhà hàng cho biết tấm áp phích đã được treo nhiều năm và chưa bao giờ bị chỉ trích. Cô cũng cho biết khẩu hiệu chỉ là “một trò đùa” của nhà hàng.
“Vui hay không còn phụ thuộc vào cách bạn nghĩ. Bạn không cần phải nhìn nhận tấm áp phích một cách nghiêm túc”, nhân viên nói.
Tấm áp phích gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc về nạn phân biệt giới tính, vốn là một vấn đề nhức nhối từ lâu trong xã hội nước này. Cuộc tranh cãi được thúc đẩy chủ yếu bởi phái nữ.
Nhiều bình luận cho rằng nhà hàng này “không chỉ gây ảnh hưởng xấu, mà còn xúi giục mọi người phạm tội”.
Theo luật hình sự Trung Quốc, hành vi quan hệ tình dục với phụ nữ say rượu mà không có sự đồng thuận của họ có thể cấu thành tội hiếp dâm. Thủ phạm có thể bị phạt tù 3-10 năm.
Ngày 30/5, sau khi sự việc lan truyền trên mạng xã hội, Qihuan Video đưa tin rằng cơ quan quản lý thực phẩm địa phương đã vào cuộc và nhà hàng quyết định gỡ bỏ tấm áp phích quảng cáo.
Minh Hoa (t/h)