Những ngôi đền vắng linh thiêng
Chúng tôi đến Ăngkor trong một ngày mưa mùa hạ. Mới nắng đó mà thoắt cái đã mưa xối xả. Ăngkor như chìm trong một nỗi buồn từ hàng trăm năm trước, nơi đây được xem là miền thánh địa của Campuchia. Trải qua chiến tranh, hàng trăm công trình kiến trúc đã bị phá hoại tiêu điều nhưng với Ăngkor thì gần như không bị ảnh hưởng.
"Trong chiến tranh, Ăngkor trở thành một ốc đảo tách biệt với bên ngoài, nó đã từng bị lãng quên hàng trăm năm để rồi khi tìm thấy thì như một sự ngỡ ngàng vậy. Không biết có phải sự linh thiêng đã che chở cho vùng đất này khỏi chiến tranh và chết chóc hay không?"- người lái xe tuk-tuk của tôi không tránh khỏi tự hào khi nói về Ăngkor.
Vào bên trong khu quần thể di tích, tôi được giới thiệu Ăngkor rất rộng, nếu muốn đi trong một ngày chỉ có thể "cưỡi ngựa xem hoa" chứ không thể dừng chân ở một nơi nào lâu. Theo những người có kinh nghiệm thì nên đi Ăngkor Thom vào buổi sáng sớm để chiêm ngưỡng ban mai trước rồi vòng trở lại Ăngkor Wat vào buổi chiều, khi nắng đã xuống mới có thể thấy vẻ rực rỡ của khu đền thiêng này lúc hoàng hôn. Không chỉ Ăngkor Wat và Ăngkor Thom, khu quần thể di tích Ăngkor còn có hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ khác, các ngôi đền đều được làm từ hàng vạn phiến đá tảng chạm khắc rất tinh vi trên tường, mái, hiên, đường đi nhưng mỗi đền đều có những nét riêng của mình. Nhìn vào khó có thể tưởng tượng được những công trình ấy lại do bàn tay con người làm nên. Màu thời gian vẫn còn phảng phất tạo cảm giác như hàng trăm năm trước Ăngkor cũng vẫn như vậy.
Thời gian chỉ làm dày thêm sự trầm mặc trên những phiến đá, trên những cột kèo, hành lang,… khiến cho khu quần thể di tích lại càng thêm vẻ hoang sơ. Đăng - người hướng dẫn của tôi cho biết, ở những khu đền lớn thì hàng ngày khách du lịch đến rất đông nên nhu cầu ở đó chỉ là để tham quan, chiêm ngưỡng. Với những ngôi đền nhỏ và xa, nhiều người cho dù đến vài ba lần cũng chưa từng biết lại là những khu đền rất hay. Hay ở đây là việc du khách có thể "một mình một cõi" giữa không gian trong lành, yên tĩnh và màu xanh mát lạnh của những tán cây. Những người có tuổi thường lựa chọn những chỗ này để tĩnh tâm, thiền tự.
Một góc Ăngkor Wat
Người bạn làm lái xe tuk-tuk của tôi ở đây cũng đã hai năm. Anh có nhiều khách quen, nhiều người đã trở thành "thuộc". Là người gốc Việt nên vốn tiếng Việt của anh khá tốt, có thể "luyên thuyên" đủ điều với khách. Mọi người cho nhau địa chỉ, số điện thoại để khi sang đến Xiêm Riệp có thể gọi đặt xe trước. Anh thông thuộc Ăngkor như chính nhà mình vậy. Bất kể ngày nắng, ngày mưa, mùa đông hay mùa hạ thì vẫn có khách tìm đến. Thậm chí nhiều khi phải từ chối hoặc giới thiệu người khác vì đã nhận lời người khác. Anh cho tôi xem một bức ảnh chụp chung với một người khách năm ngoái.
Ông khách chừng 60-70 tuổi, vẻ mặt điềm đạm, xem chừng cách ăn mặc cũng là người có "của để dành". Mỗi năm, ông sang Xiêm Riệp 4-5 lần, lần nào cũng lưu lại 1-2 tuần cho đến cả tháng. Ông khách người ở TP. Hồ Chí Minh, là doanh nhân nhưng đã "gác kiếm", chuyển giao công việc cho con cái nên có khá nhiều thời gian. Mỗi lần ông sang đây, từ sáng sớm Đăng đã phải đến đón ông tại khách sạn, đưa đi ăn sáng rồi vòng xe về Ăngkor, chiều tối lại đến đón về. Ông khách cũng chỉ có nhu cầu đến một địa điểm nhất định trong Ăngkor nên việc đưa đón khá đơn giản.
Để kiểm chứng những thông tin mình có được, tôi len lỏi vào sâu trong một vài ngôi đền sâu phía sau Ăngkor Wat, giật mình khi gặp một người mặc áo nâu vàng đang ngồi trầm mặc. Người lái xe tuk-tuk ra hiệu im lặng rồi chúng tôi vòng sang đường khác để đi, tránh làm phiền. Những năm gần đây, nhu cầu du khách Việt sang Ăngkor để ngồi thiền có chiều hướng tăng, Đăng kể, có tháng anh nhận 3-4 người khách có chung một nhu cầu như vậy.
Không tiếc tiền để có một "cõi riêng"
Những người đến Ăngkor để thiền thường đi lẻ, ít khi đi đông người. Mỗi người khi đến đều mang trong mình những tâm sự riêng, người thì buồn phiền chuyện con cái, chuyện nhân tình thế thái, người thì mệt mỏi chuyện làm ăn,…nhiều khi là tâm trạng bất lực. Tuy nhiên, nếu chỉ tính mức chi phí cho mỗi đợt "thiền" như vậy thì không nhỏ chút nào. Ít nhất cũng phải một tuần, tính tiền thuê khách sạn, thuê xe, tiền vé vào cửa cũng đủ chóng mặt. Người không nhiều tiền chỉ có thể tham quan một, hai ngày rồi về.
Vé vào khu di tích là 20 đô la Mỹ cho một người/ ngày. Nếu đi liên tục trong 3 ngày thì sẽ chỉ phải mua vé bằng 2 ngày (40 đô), người dân bản địa thì được miễn phí vào cửa. Để vào được những ngôi đền vắng, khách đi lẻ phải đi bộ từ đường chính vào khá xa. Thông thường, với những khách kiểu này, họ sẽ đến thật sớm và về thật muộn nên lái xe có thể tranh thủ kiếm khách khác trong thời gian chờ đợi, khi nào đến giờ hẹn thì về đón là được. Địa điểm được lựa chọn là những phiến đá bằng phẳng ngoài trời, bên trên có bóng cây hoặc bên trong những ngôi tháp cổ. Ở đó, người ngồi thiền có thể ngồi từ sáng đến tối để tĩnh tâm. Hành lý mang theo cũng chỉ là một chai nước nhỏ mà nhiều khi cũng không cần dùng đến. “Nhiều lần tôi cùng khách vào ngồi thiền nhưng mình là thanh niên nên không nhẫn nại lâu được, các cụ thì cứ ngồi như người thoát tục vậy, chịu, không theo nổi", Đăng phân trần.
Hón Thỵ