Có những cơn bão không bắt nguồn từ thiên nhiên, từ biển cả mà được hình thành từ đất liền do con người tạo ra gọi là “bão đêm”. Sao lại xuất hiện cụm từ “bão đêm” bởi đơn giản vào ban đêm việc “bão” mới hình thành, lúc đó “đi bão” mới đông, mới vui, mới nhiều màu sắc, âm thanh. Tôi đã tự hỏi mình rất nhiều lần, “đi bão” xuất hiện từ bao giờ. Tại sao gần đây, “đi bão” lại trở nên quen thuộc đến như vậy?
Có lẽ, nó quen thuộc từ sau trận Việt Nam – Qatar tại giải U23 châu Á trên sân Thường Châu, Trung Quốc hồi tháng 1 vừa qua. Sau tiếng còi kết thúc trận đấu, mọi người đổ xuống đường, ai nấy đều nở nụ cười tươi rói hô vang: “Việt Nam vô địch”.
Cả con đường nhuộm một màu đỏ sắc cờ, sắc áo rồi tiếng trống, tiếng kèn và tù và hay tiếng xoong nồi, mâm đem ra đập, gõ, hú hét trong sự vui sướng không gì diễn tả. Người với người nhìn vào nhau rồi hô vang “Việt Nam vô địch” rồi cười vang. Đã có những câu chuyện kể rằng, hai anh chàng thanh niên chẳng may va phải nhau nhưng thay bằng phân xử ai đúng ai sai, họ nhìn nhau hô “Việt Nam vô địch” cười xòa rồi cùng nhau hòa vào dòng người “đi bão”. Và dòng người cứ đi như thế, đến 2, 3 giờ sáng cơn “bão đêm” mới tan.
Ông chú tôi cho rằng cụm từ "đi bão" có từ năm 1995, sau khi Việt Nam vượt qua Myanmar với tỷ số 2-1 trận bán kết SEA Games. Nhưng có người lại bảo, “đi bão” có từ trước đó rồi, nhưng hoàn cảnh ra đời cũng vì lâu quá mà... quên rồi. Bỏ qua chuyện nguồn gốc, điều khiến chúng ta quan tâm đó là tần suất “đi bão” ngày càng tăng, cùng với đó là những hệ lụy.
Trước, “đi bão” chỉ đơn thuần là cảm xúc dâng trào, mọi người nghĩ đến việc làm cái gì đó để thể hiện sự phấn khích, cùng nhau chia sẻ niềm vui bằng cách xuống đường, tập trung về trung tâm ca hát, hô hào, khua xoong nồi… Thế nhưng, trong tối 6/12 vừa qua, tôi đã tận mắt chứng kiến một trận “bão” mang sức mạnh “hủy diệt” trên đường phố Hà Nội sau trận Việt Nam thắng Phillipines bước vào chung kết AFF Cup 2018.
“Bão đêm” hôm đó đã biến phía ngoài sân vận động Mỹ Đình ngập ngụa trong đống túi nilon, hộp xôi còn ăn dang dở, những cốc nước văng tung tóe… “Bão đêm” hôm đó cũng khiến bao chàng thanh niên đối mặt với tử thần vì tai nạn giao thông, ẩu đả… Một hậu quả ngổn ngang từ việc “đi bão” thật sự như một cơn bão thực. Đúng là “bão” do con người mà ra thật đáng sợ.
Nhìn hậu quả để lại sau những trận "bão", chúng ta mới nhận ra, “đi bão” không còn thể hiện cảm xúc vỡ òa, thể hiện niềm vui vinh quang trong chiến thắng mà “đi bão” trở thành một phong trào cùng nhau la hét, đập phá; lợi dụng niềm vui chiến thắng để tổ chức đua xe, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách…
Chẳng ai cấm việc thể hiện niềm vui chiến thắng nhưng mừng vui có lý trí, có tổ chức, có văn hóa và tôn trọng người khác mới thật là niềm vui.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!