Những người đóng vai trò trung gian chỉ từ sáng đến chiều đã "ẵm" cả 50% lợi nhuận còn người nông dân vất vả một nắng hai sương 4-6 tháng mới thu được 50% lợi nhuận-tính theo giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đi chợ đêm chống "bão giá"
Bà Nguyễn Thị Kim (Thanh Xuân- Hà Nội) từ lâu đã có thói quen đi chợ đầu mối. Một buổi chợ bà mua thực phẩm cho cả tuần, những chợ gà La Khê, chợ cá Bến xe nước Ngầm, chợ rau củ quả Long Biên... bà đều quen thuộc hết.
Một góc chợ đêm ở Hà Nội.
Hẹn hò mãi, cuối cùng tôi cũng có vài buổi đi chợ đầu mối cùng bà Kim. Mới 3h sáng, mọi ngả đường đều vắng hoe, tôi đã lần mò lên chợ Long Biên. Rau xanh bày bán dọc đường, ngay dưới đường tầu. Chợ chỉ họp chợ chớp nhoáng và tan trước 5h30 phút để người quét rác dọn dẹp.
Mọi thứ rau ở đây thật rẻ, rau cải xanh 6-8 ngàn đồng/kg, bí xanh 4.000 đồng/kg, rau muống, bắp cải, rau ngót, mùng tơi... tất cả được bó thành những bó to để bán cân cho những người mua buôn. Chính vì thế, những người mua về ăn cũng phải mua với số lượng lớn, và tất nhiên giá cũng rẻ bằng người đi buôn.
Dạo qua chợ quả Long Biên khi trời đã sáng tỏ, một cân cam xanh loại 1 ở đây chỉ có giá 23-25 ngàn đồng, nho xanh giá một thùng 5kg 125 ngàn đồng, thanh long, quýt, táo, chuối, mít... thứ gì cũng rất rẻ. Còn những mặt hàng hơi dập nát, thối một góc khách mua quen thì cho không, còn người lạ thì bán với giá tượng trưng 3.000-5.000 đồng/kg.
Cũng từ chuyến đi này, tôi được biết thêm có những người chỉ mua những loại hoa quả kém chất lượng này giao cho các cửa hàng quen. Chị Phí Thị Thoa (Thạch Thất-Hà Nội) cho biết: "Ngoài làm nghề gánh thuê tại chợ, sáng tôi lại gánh quả dập đi giao cho các cửa hàng bán giải khát. Mua quả loại này họ mới có lãi nhiều".
Đến chợ gà ở La Khê mới thấy xót xa khi người tiêu dùng phải bỏ tiền mua gà ở chợ gần nhà với giá cao. Gà ta ở chợ này giá 75 ngàn đồng/kg, cũng loại gà ấy khi về đến các chợ cóc giá được đẩy lên 120-130 ngàn đồng/kg. Như vậy, cứ một con gà 2 kg thương lái đã bỏ túi trên 100 ngàn đồng.
Tuy nhiên, những người mua gà quen đều khẳng định, nói là gà ta, nhưng loại gà này chủ yếu là gà từ Bắc Giang mang về. Còn chợ cá tại Bến xe Nước Ngầm giá cũng chỉ bằng một nửa giá bán cho người tiêu dùng. Chẳng hạn cá rô-phi to giá 30 ngàn đồng/kg thay vì 60 ngàn đồng/kg bán đến tay người tiêu dùng, cá quả 45 ngàn đồng/kg, cá trắm 35 ngàn đồng/kg...
Trung gian thao túng
Giá cả bán đến tay người tiêu dùng cứ cao, nhưng thực tế đời sống của người nông dân vẫn lam lũ, không được cải thiện
Do có nguồn cung hàng dồi dào ở khắp các tỉnh lân cận nên những chợ đầu mối giá nông sản, thực phẩm rẻ chỉ bằng một nửa giá bán đến tay người tiêu dùng. Rất ít nông dân mang trực tiếp hàng của mình đến bán, đa phần người bán là những thương lái thu gom hàng của nông dân đến bán buôn cho thương lái cấp hai.
Chỉ tính qua các khâu trung gian như vậy, giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng đã bị đội lên gấp đôi. Số tiền này nằm trọn trong tay những thương lái cấp hai, người nông dân sau 4-6 tháng làm ra sản phẩm vất vả thu nhập cũng không bằng người có chỗ bán rau, cá, thịt tại các chợ cóc.
Có đi chợ đầu mối mới biết vòng quay của một trái cam, con cá, con gà, cái bắp cải... từ ruộng đồng, trang trại đến được với tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian. Mỗi khâu lại đẩy giá bán lên gấp rưỡi, gấp đôi. Và thực tế, một cây bắp cải người nông dân bán tại ruộng chỉ là 4.000 đồng thì đến tay người tiêu dùng người tiêu dùng nó đã là 10-12 ngàn đồng.
Lấy ví dụ của một cây bắp cải, sau khi trừ các chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc 1kg bắp cải người trồng may mắn lắm thu lời 500 đồng, hay một kg gà thu lãi 10-15 ngàn đồng, đấy là chưa kể đến dịch bệnh thì người nông dân chịu trắng tay. Vậy nhưng, những khâu trung gian lại hưởng lợi nhuận quá nhiều mà không chịu bất cứ một loại rủi ro nào. Giá cả bán đến tay người tiêu dùng cứ cao, nhưng thực tế đời sống của người nông dân vẫn lam lũ, không được cải thiện.
Đó đây, trên các diễn đàn người ta có nói chuyện phân phối sản phẩm của nông dân qua một kênh chuyên nghiệp đến thẳng tay người tiêu dùng, để lợi nhuận chia đều giữa nhà phân phối và người nông dân. Nhưng đó chỉ là trên lý thuyết, hoặc có chăng một số công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nông dân có ký hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị mới không phải qua nhiều khâu trung gian.
Tuy nhiên, chỉ không quá 10% dân số Việt Nam có thói quen mua hàng trong siêu thị, còn lại đa phần người dân vẫn mua thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc và hàng ngày vẫn phải trả một giá chênh cao ngất ngưởng cho những thương lái, những chân rết chằng chịt trong khâu phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Lam Hạ