Đi chợ đầu mối “săn” thực phẩm bẩn

Đi chợ đầu mối “săn” thực phẩm bẩn

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Trong vai người mua hàng, PV Người Đưa Tin đã thâm nhập các chợ đầu mối nông sản và lần theo con đường của thực phẩm chưa qua kiểm dịch đến với thực khách tại Hà Nội.

Theo ước tính, mỗi ngày Thủ đô Hà Nội tiêu thụ khoảng 600 tấn thực phẩm các loại. Tuy nhiên, chưa có thống kê nào chỉ ra được có bao nhiêu phần trăm trong số thực phẩm đó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xã hội - Đi chợ đầu mối “săn” thực phẩm bẩn

Ai dám đảm bảo thực phẩm này sạch?. Ảnh: Tuệ Minh

Bán lẻ rẻ như... chợ đầu mối

5h sáng, chúng tôi có mặt ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở. Trời chuyển thu nên vẫn còn tối đặc, nhưng chợ đã tấp nập người mua, kẻ bán. Với đặc trưng giá rẻ, không chỉ các nhà hàng, quán ăn mà nhiều người cũng chịu khó dậy sớm để đi chợ đầu mối mua thức ăn cho gia đình. Càng về sáng, người mua đổ về đây càng đông. Chợ họp rộng ra toàn khu vực, từ phía công trình xây dựng Royal City đến tận khu vực đường Láng. Chợ không chỉ họp ở đường lớn mà còn họp sâu vào phố Cầu Mới, bên bờ sông Tô Lịch. Cả một khu vực chật ních người mua hàng. Giao thông rất khó khăn.

Mặt hàng buôn bán ở đây đa dạng về sản phẩm, nhưng chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm tươi như rau quả và thịt gia súc, gia cầm. Theo nhận xét của một khách hàng, những người bán rau đều ở các huyện ngoại thành hay ở các tỉnh lân cận. Rau quả được bày bán chủ yếu ở mặt đường lớn, xung quanh cầu vượt Ngã Tư Sở.

Còn thịt gia súc, gia cầm, trước đây được bày bán tập trung tại một địa điểm nhất định, nhưng hiện nay, các hộ kinh doanh tản ra khắp nơi. Tình hình này không chỉ riêng chợ Ngã Tư Sở, mà hầu hết các chợ đầu mối lớn khác của Thủ đô như chợ Phùng Khoang, chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Long Biên, chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)... đều như vậy.

So với các chợ cóc và trong siêu thị, giá cả ở các chợ đầu mối rẻ hơn rất nhiều. Người dân, thay vì đi chợ cóc như trước đây đã chịu khó bỏ chút thời gian, dậy sớm đi chợ đầu mối mua cho rẻ. Bạn Phạm Thị Loan - sinh viên Trường Đại học Công Đoàn cho biết: "Sáng nào, tôi cũng dậy sớm, đi tập thể dục rồi qua đây mua thức ăn cho cả ngày. Ở đây, thức ăn rất tươi ngon mà giá lại rẻ, chỉ bằng khoảng 2/3 ở các chợ họp ban ngày".

Bác Nguyễn Minh Thi (phường Thanh Xuân Trung - Hà Nội) cho biết, hàng ngày bác đều đi bộ, tập thể dục nên tiện đường mua thức ăn cho cả nhà. Trước đây, các tiểu thương rất ít bán lẻ, nhưng hiện nay do cạnh tranh cao nên họ không chỉ bán buôn mà còn phải bán lẻ để thu hút khách hàng. Bác Thi cũng cho biết, so với các chợ cóc quanh nhà, giá rau quả cũng như thịt gia súc, gia cầm đều chênh lệch khá lớn. "Một cân cải ngọt ở đây bán 3.000 đồng nhưng ở chợ cóc lên tới 7.000 đồng. Thịt gà giá 40.000 đồng/kg, trong khi ở chợ gần nhà là 70.000 đồng/kg" - bác Thi nói.

Chất lượng "thả nổi"

Chị Đỗ Thị Dịu (quê Nam Trực, Nam Định) cho biết, có lần chị mua loại trứng giá rẻ chỉ 2.000 đồng/quả ở chợ Ngã Tư Sở nhưng khi sử dụng mới biết toàn trứng hỏng, không dùng được. Lần khác, chị mua thịt bò cũng tại chợ này nhưng khi chế biến, chị mới phát hiện thịt bò này được làm từ... thịt lợn sề!. Dù nguy cơ mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng là rất cao nhưng nếu so với chợ cóc gần nhà, chị vẫn muốn đến đây mua, vì giá quá rẻ.

Một tiểu thương bán thịt gia cầm cho biết, đa phần thịt cũng xuất phát từ các tỉnh lân cận, được chuyển qua thương lái đến các cơ sở giết mổ hoặc bán trực tiếp cho tiểu thương. Vì tiết kiệm được khá nhiều khâu nên giá cả mới rẻ. Tiểu thương này cũng cho biết, họ không chỉ bán lẻ cho người dân mà còn xuất buôn cho các quán cơm bình dân trong khu vực, cũng như các chợ cóc quanh Hà Nội.

Thậm chí, theo tiết lộ của chị Hoàng Diệp - nhân viên của một siêu thị online trên mạng - nguồn hàng của siêu thị thường được lấy từ chợ Phùng Khoang, sau đó mang về tái chế lại và phân phối cho các đơn vị hay cá nhân đặt hàng.

Thế nhưng, theo quan sát của PV, rất nhiều gia súc, gia cầm đã được chế biến bày bán ở chợ này không có dấu kiểm dịch của các cơ quan chức năng. Trong vai người mua hàng, khi hỏi các chủ cửa hàng kinh doanh ở đây về chất lượng, cũng như độ an toàn của thực phẩm, PV chỉ nhận được những ánh mắt nghi ngờ hoặc những câu trả lời né tránh. "Không có gì đảm bảo cho những lời hứa suông của những người bán hàng nơi đây" - một khách mua than thở với PV.

Hiện nay, số lượng các mặt hàng thực phẩm đổ về các chợ đầu mối ngày càng nhiều. Công việc kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng cũng như chất lượng hàng hóa rất khó khăn. Những kênh phân phối hàng tới người dân đều qua các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các quán ăn bình dân, các gánh hàng rong... Mặc dù trong thời gian qua, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh đã được chú ý nhưng thực phẩm từ Trung Quốc vẫn đổ về Việt Nam với lượng lớn mà chủ yếu lại qua đường tiểu ngạch, không qua kiểm soát. Các chợ đầu mối trở thành kênh phân phối lí tưởng cho những mặt hàng trên.

Người dân... tự chịu trách nhiệm!?

Thêm một điều đáng lo nữa là việc buông lỏng quản lí ở các chợ đầu mối. Ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó trưởng ban quản lí chợ Đống Đa (Hà Nội) cho biết, hiện nay chợ thực phẩm họp vào mỗi sáng sớm ở khu vực Ngã Tư Sở không thuộc sự quản lí của Ban. Theo ông Mạnh, chợ đầu mối này là chợ tự phát, do bà con ở các nơi khác đổ về lập nên. Trong phạm vi quản lí của chợ chỉ có 1 cửa hàng kinh doanh thực phẩm, còn tất cả là các cửa hàng bán đồ may mặc. Nói như vậy nghĩa là, toàn bộ số lượng hàng hóa trao đổi ở chợ Ngã Tư Sở đều không có sự quản lí của cơ quan chức năng. Nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm ở đây đều do người dân tự… chịu trách nhiệm!

Phạm Thiệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.