Gọi là chợ nhưng kỳ lạ là chợ chẳng buôn bán hàng hóa gì ngoài những chú trâu, bò lừng lững. Không biết có từ khi nào nhưng chợ trâu bò xã Hùng Lợi vẫn còn đó sau bao nhiêu thăng trầm, giống như một nét văn hóa đặc sắc của một xã thuần nông được lưu giữ đến tận ngày nay.
Làng nhiều trâu
Ngày trước, những cánh đồng lúa ở Hùng Lợi luôn đạt năng suất cao nhờ có sức kéo của những chú trâu, bò "cày sâu, bừa kỹ" khiến đất tơi xốp nên cây lúa phát triển nhanh. Ông Phạm Văn Hùng, một cao niên Hùng Lợi cho biết: Từ quan niệm xa xưa, nhà nào nghèo thì cũng phải cố gắng tậu cho bằng được một con trâu. Khi mua trâu phải chọn được con trâu có sức cày khỏe thì mới đảm bảo hoạt động sản xuất của gia đình. Có nhà không may nuôi trâu bị chết, thiếu đi sức kéo cày, khiến họ dễ bị mất mùa. Nhà nào có nhiều trâu là nhà đó thường có kinh tế vững nhất làng, đi đâu cũng có thể tự hào. Việc chọn lựa mua một con trâu thường là phải tìm hiểu kỹ thông qua đặc điểm của nó chẳng hạn như: Lông rậm, sừng đinh, đuôi chai, thấp quản...".
Thời kỳ trước, Hùng Lợi vốn nổi tiếng là mảnh đất trù phú bởi số lượng trâu bò của xã nhiều nhất nhì huyện, đàn trâu có lúc lên đến 3.000 con. Trâu Hùng Lợi nổi tiếng có sức kéo khỏe và đẹp mã. Chính vì thế nhu cầu mua, bán trao đổi trâu bò đã hình thành nên chợ trâu Hùng Lợi. Các cụ già trong làng bảo rằng, chợ trâu đã có cách đây khoảng 15 đến 20 năm rồi.
Chợ trâu ngày ấy theo lời kể lại thì cũng chỉ là một bãi đất rộng gần dòng sông Phó Đáy hiền hòa, nước quanh năm trong vắt. Chợ họp cứ mỗi sáng thứ 7, bắt đầu từ lúc trời tang tảng sáng đến tận trưa. Trâu, bò của những hộ dân trong xã, hay những xã lân cận đem đến bán rất nhiều, có bữa đến cả trăm con... Người đến chợ mua trâu thường là người miền xuôi của các xã vùng thấp của tỉnh Tuyên Quang như Sơn Dương hay các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Chợ trâu, bò Hùng Lợi thời đó nổi tiếng lắm, nay chợ vẫn còn nhưng sự tấp nập đã giảm rất nhiều so với ngày xưa.
Khách hàng xem trâu tại chợ trâu, bò Hùng Lợi
Ngày nay, lao động thủ công dần được giải phóng nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng ruộng thấy xuất hiện những "con trâu sắt" (máy cày bừa). Tuy nhiên những thửa ruộng ở cao, ở sâu máy móc chưa với tới được thì những con trâu, bò kéo vẫn phát huy tác dụng. Dù đã có thay đổi trong quá trình sản xuất nhưng con trâu vẫn mãi là một biểu tượng cho sự hưng thịnh, phát triển của nghề trồng lúa nước ở Hùng Lợi. Con trâu bây giờ không chỉ có giá trị trong sản xuất nông nghiệp mà nó còn góp phần nâng cao giá trị tinh thần khi tham gia lễ hội. Tuyên Quang có 2 huyện đã khôi phục lại hội chọi trâu là Hàm Yên và Chiêm Hóa, trong những con trâu chọi ấy hẳn cũng có con mang gốc gác từ trâu Hùng Lợi.
Nơi gặp mặt của dân chơi "trâu chọi"
Theo nhiều lái buôn khi đến chợ trâu, bò Hùng Lợi kể lại, họ đến chợ trâu Hùng Lợi mua trâu, bò về xuôi phục vụ cày bừa nhưng nhiều lần để ý thấy những con trâu có nhiều khả năng trở thành trâu chọi nên đã huấn luyện, bán chúng lại cho những tay chơi chọi trâu chuyên nghiệp, có con mua từ chợ trâu Hùng Lợi đã trở thành trâu vô định. Từ đó chợ trâu Hùng Lợi trở thành điểm hay lui tới của những tay buôn trâu, mua trâu chọi. Địa điểm họp vẫn là bãi đất trống ở thôn Làng Cốc gần dòng sông Phó Đáy, trùng với ngày họp chợ phiên thứ 7 hàng tuần của xã.
Những chú trâu bò được đưa đến từ khắp các thôn, bản xa trong xã như thôn Chương, thôn Nhùng, thôn Khuổi Tấu Lìn, thôn Khuổi Ma, thôn Kẹn, thôn Coóc... có những lúc người dân các xã khác cần bán trâu, bò cũng dắt đến đây tìm cọc buộc, đợi khách trả giá. Trong vai những người cần mua trâu, bò về cày kéo chúng tôi gặp anh Lý Văn Dình, dân tộc Tày ở thôn Quân đem đến bán một con trâu đực to. Cuộc ngã giá bất thành khi chủ nhân kiên quyết giữ mức giá 30 triệu đồng trong khi khách mua chỉ trả có 20 triệu đồng. Anh Dình bảo: "Trâu này nhà em nuôi đã hơn 4 năm rồi đấy, nó được vực cày kéo tốt lắm, nó có đến 2 cái khoáy ở u nên rất khỏe. Em không nói thách đâu vì cần tiền nên mới bán". Hỏi chuyện mới biết nhà anh Dình có đến 4 con trâu, anh đem đến chợ bán bớt 1 con để lấy tiền sắm tết.
Trâu bò không chỉ là đầu cơ nghiệp mà còn báo trước gia chủ gặp phúc hay họa. Người nông dân nào đi chợ cũng đều thuộc nằm lòng câu "Đầu tang, xoáy tóc, hàm sà. Trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi", đó là tiêu chí cần tránh hàng đầu. Ngoài ra, họ rất kị loại "trâu cười" (đêm đến khi dùng đèn soi vào mặt thì nó nhe răng), hay trâu "tam trinh" (ba mắt - có một cục lồi giữa trán giống như mắt thứ ba), bò "bạch thiệt" (trắng lưỡi) hay bò "đốm đuôi" (đuôi bị trắng)... Loại trâu bò được ưa chuộng nhất là "mồm gấu dai, tai lá mít, đít lồng bàn", đó là giống tạp ăn, dễ nuôi.
Tại chợ trâu, bò người ta bán từ những chú nghé nhỏ đến cả những con trâu mộng to hay những con bò sinh sản. Nghé con hoặc bê con có giá từ 4 đến 10 triệu, còn trâu lớn, bò sinh sản thì tùy mức từ trên mười triệu đến cả 30 đến 40 triệu đồng..., nếu khách xem ưng ý việc mua bán diễn ra nhanh chóng "tiền trao cháo múc". Chị Lầu Thị Dí ở thôn Nà Tang đang đếm tiền vừa bán chú bò của gia đình mình niềm nở cho biết: "Tôi bán được 10 triệu đồng chú ạ, giờ tranh thủ vào chợ phiên mua sắm ít đồ rồi về đây không thì trưa mất".
Vào những hôm chợ họp đông có thể đến cả 60 đến 70 chú trâu, bò. Giả sử lúc ấy mà chúng cùng giống, cùng kêu một lúc thì chẳng khác nào tiếng nổ của một dàn đại pháo. Những con trâu, bò từ khắp các thôn được đem đến chợ, có con lạ lẫm, có con tỏ ra hiền lành nhưng cũng có con mang cặp mắt đỏ ngầu sẵn sàng húc bất cứ "đối thủ" đi ngang qua. Khách đi chợ xem trâu, xem bò cũng phải lựa, người bán thì luôn phải căng mắt canh chừng đảm bảo an toàn cho khách đến mua và tránh cho chúng húc nhau.
Anh Hoàng Văn Đình ở thôn Làng Chương người có "kỷ lục" đã bán được trên 20 con trâu ở chợ cho biết: "Tôi hay mua lại trâu của một số người dân nuôi vỗ béo rồi đem đến chợ bán, mỗi lần lãi được 1 đến 2 triệu đồng. Giờ lái buôn hay đến chợ nhiều, đa phần là những người ở huyện khác trong tỉnh đến nhưng cũng có khi cả các tỉnh xa cũng có. Ngày trước lúc còn nhỏ, tôi hay theo bố đến đây bán trâu. Nghe bố kể lại chợ có từ lâu lắm rồi". Người bán thì vất vả vì phải giữ trâu cả buổi còn người mua được cũng chẳng sung sướng gì, một tay cầm thừng cố kéo 2 con bò và 1 con trâu mới mua được ở chợ. Anh Nguyễn Văn Hải, lái buôn ở huyện Sơn Dương cho biết: "Buổi chợ hôm nay tôi mua được 3 con, đang đợi gom khoảng chục con thì cho xe chở về...".
Nghe tiếng chợ trâu bò Hùng Lợi nhiều lái buôn từ ngoại tỉnh cũng tìm về, nhiều người là những tay buôn trâu "cự phách", nhiều người là những tay chơi trâu chọi "máu mặt", một phiên chưa tìm được thì họ đợi phiên sau, phiên nữa... Đến chợ, họ còn được gặp gỡ trò chuyện về kinh nghiệm chọn trâu, về cách nuôi trâu cho béo, khỏe và những câu chuyện khác xoay quanh con vật được xưng là "đầu cơ nghiệp".
Chợ tan lúc giữa trưa, những quán ăn bên đường lại nhộn nhịp với tiếng cười nói của các lái buôn, người bán sau một phiên bội thu. Còn trong tâm thức của đồng bào người Dao, Mông, Tày nơi đây thì đến chợ không phải chỉ để bán mua mà còn là để rộn ràng áo váy vui chơi, gặp bạn tâm tình sau một tuần lao động vất vả.
Nét văn hóa lâu đời Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi chia sẻ: "Chợ phiên đã đáp ứng tốt nhu cầu giao thương thúc đẩy kinh tế của xã phát triển và là nơi giao lưu văn hóa của nhân dân các dân tộc vùng lân cận. Chợ trâu bò góp phần tạo thêm thu nhập cho nhân dân trên địa bàn xã, nhất là những dịp nông nhàn, nhiều người dân đi buôn. Xã đã có chủ trương quy hoạch để đưa chợ vào hoạt động quy củ mà vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời". |
Cao Tuân