Đi chợ vùng biên "săn" hàng giá rẻ

Đi chợ vùng biên "săn" hàng giá rẻ

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Lên các chợ cửa khẩu để mua hàng là thú vui của nhiều người Hà Nội. Có người còn "ăn chực nằm chờ" nhiều ngày tại các chợ vùng biên để “săn” hàng... giá rẻ.

"Hả hê" vì mua được hàng giá... gốc

Thời điểm gần Tết Nguyên đán cũng là lúc nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng lên đột biến. Trong dịp này, nhiều người dân thích lên các cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai mua sắm hàng hóa với giá gốc và có thời gian để lựa chọn nhiều sản phẩm tốt và "độc"...

Từ nhiều tháng nay, chị Minh Hằng (D4, Khu tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) đã cùng chị em trong nhà lên kế hoạch để đi chợ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Theo dự kiến, xe sẽ xuất phát từ Hà Nội chiều thứ 6 và đến chiều chủ nhật mới quay về. Dù mới lên kế hoạch nhưng nhóm "shopping vùng biên" của chị đã nhận được nhiều đăng ký xin đi kèm hay có người nhờ mua đồ... Trong ba năm trở lại đây, cứ đến cuối năm là các chị, các cô ở thành phố lại "lũ lượt" rủ nhau đi chợ vùng biên như một cách xả stress cuối năm.

Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, chị Trần Trà My (công ty Cổ phần Máy tính Minh Trang, Hà Nội) gọi điện tới các công ty du lịch để đặt chỗ xuống Móng Cái (Quảng Ninh). Chị My cho biết: "Tôi rủ thêm các bà ở cùng khu tập thể thuê một chuyến xe để đi, mấy chị em vừa đi chơi lại vừa sắm được nhiều đồ gia dụng giá rẻ. Nếu không gọi điện trước thì cuối tuần sẽ chẳng còn chỗ mà đi".

Xuất phát Hà Nội, "dân" đi "săn" hàng chợ vùng biên có thể đi tới hai địa điểm mua sắm chính là Tân Thanh (Lạng Sơn), và Móng Cái (Quảng Ninh). Các chợ tại Tân Thanh và Móng Cái là "đắt khách" với người Hà Nội hơn cả, vì vị trí địa lý không xa lắm, có thể đi về trong 2 ngày nghỉ cuối tuần. Hàng hóa trao đổi ở các chợ này rất phong phú và đa dạng. Trong khi các mặt hàng ở các chợ tại Hà Nội không có nhiều và giá cả khá đắt đỏ, thì việc "rủ" nhau lên tận cửa khẩu mua hàng đã làm nhiều người "hả hê".

Khu vực các cửa khẩu Tân Thanh và Móng Cái vốn nổi tiếng cả nước về sự phong phú đa dạng của hàng hóa, từ cái chổi quét nhà đến cái chăn con công nổi tiếng một thời, từ cái siêu đun nước đến lò vi ba đời mới... Thậm chí có nhiều mặt hàng tưởng như không còn sản xuất nữa nhưng người mua vẫn có thể tìm được ở các chợ vùng biên này. Hơn thế, đồ ở chợ cửa khẩu còn nổi tiếng "siêu rẻ".

Xã hội - Đi chợ vùng biên 'săn' hàng giá rẻ

Các bà, các cô thích mua sắm tại chợ vùng biên.

Tận "mục sở thị" khu chợ tại cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi mới thấy thiên hạ đồn quả không sai. Chỉ cần nhìn vào bãi để xe rộng vài ngàn mét vuông, mỗi ngày có hàng trăm chiếc ra vào đủ biết sự phồn thịnh của "thiên đường mua sắm". Khu này nằm ngay sát biên giới Việt - Trung. Anh Trần Văn Minh, bảo vệ bãi xe phân trần: "Vào những ngày cuối tuần, chợ cửa khẩu đông nghịt người, chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Có hôm, mới 8h sáng nhưng bãi xe đã chật kín các xe từ Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc... lên vùng cao mua sắm...".

Lạng Sơn có bốn khu chợ chính để mua sắm là Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Đông Kinh và cửa khẩu Tân Thanh. Chợ Đồng Đăng, Đông Kinh thì không có gì phải nói, vì cũng hao hao các chợ dưới xuôi. Riêng chợ Kỳ Lừa đã trở thành chợ đêm từ vài năm nay, giống như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội. Từ 19h trở đi, không khí mua bán diễn ra ở đây khá đông vui và chợ trở thành "trung tâm giải trí" ban đêm duy nhất ở Lạng Sơn.

Mỗi năm, Lạng Sơn có hội chợ Kỳ Lừa sau tết, từ 22 đến 27/1 âm lịch. Còn mỗi tháng, chợ Kỳ Lừa họp sáu phiên vào các ngày 2, 7, 12. 17, 22 và 27 âm lịch. Theo những chị em thạo mua sắm thì hàng hóa tại Đông Kinh, Đồng Đăng, Kỳ Lừa phong phú nhưng giá cả thì chẳng rẻ hơn Hà Nội là bao, thậm chí nếu không biết ngã giá thì còn bị mua đắt hơn. Thế nên, ai muốn đến Lạng Sơn để mua đồ rẻ thì đều phải cố "mò" lên tới cửa khẩu Tân Thanh.

Hàng hóa ở chợ Móng Cái cũng như ở chợ cửa khẩu Lạng Sơn. Ai muốn mua đồ xịn hơn một tí, có thể đi cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), vì ở đây có cả hàng Thái Lan chất lượng cao.

Chợ vùng biên nhộn nhịp các đấng nam nhi

Một điều đặc biệt là ở chợ vùng biên, đàn ông đi chợ nhiều không kém gì phụ nữ. Gặp anh Nguyễn Đức Thiện đang lúi húi chọn... nồi kho cá ở gian hàng gia dụng trong chợ Móng Cái, anh phân trần: "Tôi làm việc trong một công ty xây dựng tại Hà Nội. Nhân dịp cuối năm, anh em có tổ chức đi chợ cửa khẩu để mua sắm hàng cho gia đình và đi chơi luôn. Trong công ty chủ yếu là con trai nên đi chợ vẫn còn lóng ngóng lắm, thỉnh thoảng có anh rủ được vợ đi, nhưng vợ chồng người ta đi mua sắm với nhau nên ít khi nhờ mua sắm được...".

Do không rủ được bà xã đi chợ vùng biên cùng được nên nhiều ông chồng tỏ ra khá đảm đang khi mua sắm nhiều đồ gia dụng. Có ông chồng không ngại mua cả "tá" đồ lót, quần áo về cho vợ và con gái. Vì thế, cứ thời điểm cuối năm là không khí tại các chợ vùng biên nhộn nhịp không kém gì cả phiên chợ dưới miền xuôi những ngày gần Tết. Nhiều người đi mua hàng tại chợ vùng biên "bật mí": "Mua hàng ở đây nếu muốn mua rẻ thì phải tỏ ra mình là người dân bản địa. Chứ nếu mình mà tỏ ra lơ ngơ là chắc chắn sẽ bị "chém đẹp". Hơn thế, cần phải nắm rất chắc giá cả thị trường và biết kỳ kèo. Nếu có thể, nên lên chợ cửa khẩu vào các ngày giữa tuần, giá cả sẽ "mềm mại" hơn, lại không phải chen vai thích cánh toát mồ hôi hột mới mua được một món hàng".

Anh Bạch Ngọc Hùng (ngõ 298, đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Gia đình anh và gia đình một người bạn đã cùng nhau thuê một chuyến xe 16 chỗ cho mọi người đi lễ ở đền Mẫu và mua sắm cuối năm ở Lạng Sơn, coi như một món "quà tất niên" cho những người phụ nữ trong nhà. Lên chợ vùng biên mới thấy nhiều thứ đều muốn mua. Lúc đi, xe 16 chỗ, 10 người ngồi còn rộng thênh thang, nhưng lúc về hàng hóa đã chất đầy trên xe chỗ ngồi trở nên chật ních. Nhưng ai cũng hả hê vì mua được nhiều đồ trong chợ cửa khẩu".

Điều đặc biệt, trong các chợ cửa khẩu gần biên giới có rất nhiều người Trung Quốc sang bán hàng, tạo nên sự đa dạng và đặc biệt cho các chợ vùng biên. Chúng tôi tuy không biết tiếng Trung, song cứ vào chọn thoải mái, rồi trả giá bằng ngón tay. Những người bán hàng ở đây nhận cả tiền Trung lẫn tiền Việt. Tuy nhiên, vì là chợ giá rẻ nên nhiều người cho rằng, chất lượng hàng hóa ở các chợ vùng biên vẫn còn thấp, đúng theo kiểu "tiền nào của nấy". Nhiều bà nội trợ từng hoan hỷ với những thứ như nồi cơm điện, chảo chống dính, bàn là, quạt, máy sấy, máy xay sinh tố, hút bụi... tại các chợ biên giới này cũng lần lượt rơi vào "bẫy" hàng rởm.

Chị Mai Anh (đường Trần Quang Khải, Hà Nội) cho biết: "Vừa rồi, tôi mua cái nồi cơm điện hẹn giờ với giá 230.000 đồng. Với chiếc nồi như vậy, ở Hà Nội phải mua với giá 400.000 đồng thậm chí còn đắt hơn. Nhưng không ngờ, mới dùng được vài ngày, điện không vào, lò xo vẫn có điện nhưng không có nhiệt. Gia đình đành phải mua chiếc nồi khác ở siêu thị Hà Nội. Nhiều người khuyên rằng, lên chợ cửa khẩu chỉ nên mua quần áo, chăn đệm thôi, không nên mua đồ điện tử, nếu không lại tiền mất tật mang".

Lạc Thành


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.