Theo Vietnamnet, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, không đau bụng, không sốt. Ngay khi tiếp nhận, người bệnh được hỏi kỹ bệnh sử và thời gian nuốt dị vật. Bác sĩ tại Khoa Cấp cứu nhanh chóng thăm dò dị vật đã gây biến chứng hay chưa. Sau đó, người bệnh được thực hiện các xét nghiệm cần thiết để dự phòng tình huống có thể phẫu thuật lấy dị vật và chụp CT-Scan vùng bụng để xác định vị trí. Kết quả ghi nhận dị vật kim loại nằm trong dạ dày. Người bệnh được chỉ định soi dạ dày khẩn.
Ê-kíp Khoa Nội soi thực hiện nội soi cấp cứu lần 1 để gắp dị vật, song dạ dày còn nhiều thức ăn khiến việc tìm kiếm bị hạn chế, bác sĩ chuyển sang thực hiện nội soi gây mê. Các bác sĩ nội soi phát hiện mũi kim nằm sâu dưới khối thức ăn. Dị vật là cây kim nha khoa có đầu sắc nhọn như kim tiêm, dài khoảng 4cm. Rất may, dị vật chưa đâm thủng thành dạ dày.
ThS.BS Phạm Công Khánh, Phó trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ với Zing, nhờ cấp cứu kịp thời nên dị vật chưa gây ra các tổn thương nặng và chưa di chuyển xuống ruột non.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo dị vật đường tiêu hóa là tình trạng tương đối phổ biến. Hầu hết trường hợp dị vật sẽ đi ra ngoài qua ngả hậu môn mà không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh bệnh nuốt dị vật sắc nhọn như xương cá, xương động vật khác (gà, vịt, heo), vỉ thuốc… thì cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Phong Linh (tổng hợp)