Di chuyển bằng xe của người quen
Khi chủ điều khiển phương tiện mượn xe của người yêu hoặc vợ/chồng di chuyển sẽ không bị xử phạt, bởi đó là quan hệ mượn tài sản nằm trong phạm vi Luật Dân sự.
Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ không được tự ý dừng xe đang đi trên đường để kiểm tra xe chính chủ. Theo quy định CSGT chỉ đường dừng phương tiện tham gia giao thông và xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ khi có hành vi vi phạm luật quy định về giao thông đường bộ.
Cũng theo Điểm b khoản 1 Điều 30 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, hoặc 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô có hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Có phải chứng minh quan hệ mượn tài sản dân sự?
Quyền sở hữu phương tiện giao thông có thể được điều chỉnh bởi Luật Dân sự và Luật Hành chính.
Theo Luật Dân sự, khi cho mượn tài sản nói chung và mượn phương tiện giao thông nói riêng sẽ không bắt buộc phải lập văn bản, ngoại trừ một số tài sản có quy định. Đây là mối quan hệ xã hội, trao đổi dưới dạng hợp đồng miệng được pháp luật thừa nhận.
Cũng theo Luật Dân sự, việc cho mượn phương tiện giao thông không bị giới hạn trong gia đình hay cùng hộ khẩu, miễn là không vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa, nó phụ thuộc vào sự tự nguyện của mỗi cá nhân và đảm bảo không giao phương tiện cho người không có giấy phép lái xe phù hợp.
Như vậy, dưới góc độ dân sự, nghĩa vụ chứng minh tài sản thuộc về đương sự và sự kiện pháp lý xuất hiện khi chủ tài sản được yêu cầu chứng minh nếu có tranh chấp pháp lý xảy ra. Việc bắt công dân chứng minh là xe đang đi mượn hay mua nhưng chưa làm thủ tục vào thời điểm vi phạm giao thông để phạt hành chính là không đúng pháp luật.
Linh Nhi