Thông tin ông Bùi Quốc Khánh được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc sở Ngoại vụ Bình Phước vừa được UBND tỉnh này xác nhận. Bạn đọc có trí nhớ tốt hẳn sẽ nhận ra đây chính là “chiếc ghế” mà ông Khánh từng ngồi cách đây gần 4 năm. Nhưng lần đánh nhau tại quán karaoke vào thời điểm đó đã khiến ông Khánh bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và sau đó bị giáng chức xuống làm Trưởng phòng Biên giới sở Ngoại vụ.
Một cái kết viên mãn khác xảy ra ở Đồng Nai, khi bà Bùi Kim Rết, người từng bị TAND Tối cao cách chức Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Xuân Lộc 10 năm trước hiện đang công tác ở vị trí Thẩm phán TAND tỉnh Đồng Nai.
Bị kỷ luật, hạ xuống cấp bậc thấp hơn hoặc chuyển công tác rồi lại quay trở về làm lãnh đạo – Những trường hợp thường được nhận định bằng cụm từ “được kỷ luật” có thể khiến không ít người, đặc biệt là người dân địa phương cảm thấy bức xúc.
Chuyện ông Khánh cầm ly bia hất thẳng vào mặt Phó Giám đốc sở Nội vụ rồi tiếp tục dùng ly đánh vào đầu và tai vị này hay việc bà Rết có hành vi nhận tiền của đương sự vào tháng 6/2006 (theo Thanh Niên) hệt như một vệt nhơ khó xoá và thực sự rất khó xoá trên báo chí.
Nhưng ta hãy nhìn nhận mọi sự vật và hiện tượng một cách biện chứng trong mối quan hệ vận động và phát triển, để thấy rằng khoảng cách giữa “đỉnh cao” và “vực sâu” gần hơn ta tưởng. Cũng đừng bàng quan nói rằng việc kỷ luật trở nên vô nghĩa khi người bị kỷ luật được bổ nhiệm về vị trí cũ hoặc được thăng chức cao hơn. Bởi chỉ người trong cuộc mới hiểu vết nhơ quá khứ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời họ…
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả