Đau đầu với kinh phí
Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị các bộ ngành Trung ương cho phép thực hiện cơ chế đặc biệt để rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhằm chỉnh trang đô thị. Sở dĩ, đô thị này xin cơ chế đặc biệt là để thực hiện dự án di dời khoảng 20.000 căn nhà ven kênh, rạch trong giai đoạn 2016 - 2020. Được biết, dự án này đã sắp hết hạn nhưng chưa thể triển khai.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, một lãnh đạo sở Xây dựng TP.HCM cho biết: “Việc lựa chọn, mời gọi nhà đầu tư hiện nay đang mất nhiều thời gian do các quy định của pháp luật. Chỉ riêng khâu thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư đã mất gần 2 năm. Do đó, nếu không được áp dụng cơ chế đặc biệt, khả năng TP sẽ không hoàn thành được kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ở 57 tuyến kênh rạch trong giai đoạn 2016 – 2020”.
Để thực hiện kế hoạch di dân khổng lồ này, chính quyền TP dự kiến sẽ tốn khoảng 31.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng quận 4 và quận 8 đã tốn khoảng 15.000 tỷ đồng cho công tác giải tỏa gần 6.000 căn nhà. Theo sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, vốn ngân sách phân bổ hiện còn khoảng 2.100 tỷ đồng. Do đó, không còn cách nào khác là TP phải huy động từ việc xã hội hóa. Tuy nhiên, do trình tự thủ tục hành chính nên nếu áp dụng theo quy trình thông thường sẽ không kịp tiến độ, kế hoạch.
Cụ thể, “cơ chế đặc biệt” mà TP xin là cho phép địa phương này được lựa chọn, chỉ định các nhà đầu tư đủ năng lực để làm chủ đầu tư dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, di dời và tái định cư nhà ven kênh, rạch tương tự như các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Bởi, theo quy trình, hiện nay, để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ mất rất nhiều thời gian.
Theo đó, ít nhất cần 647 ngày đối với trường hợp đấu thầu và 572 ngày đối với chỉ định thầu. Trong khi đó, nhiệm vụ chỉnh trang đô thị của TP đang bước vào giai đoạn nước rút, khi thời điểm 2020 đã cận kề.
Tuy nhiên, ngoài xin “cơ chế đặc biệt”, việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án này cũng không hề dễ dàng. Theo thông tin PV có được, đến nay, đã có 6 nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án chỉnh trang đô thị. Nếu các nhà đầu tư này cam kết thực hiện đúng lộ trình và được Chính phủ cho “cơ chế đặc biệt”, TP sẽ bước vào giai đoạn giải quyết bài toán “xóm nước đen” tồn tại nhiều năm qua, gây hệ lụy và bức xúc trong dư luận.
Tuy nhiên, trên đây mới chỉ là những lời “dạm ngõ”, còn đi vào thực hiện thì không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, tại quận Bình Thạnh, địa phương đứng thứ 2 (sau quận 8) đang có khoảng 3.400 căn nhà ven kênh, rạch. Và, đến nay, vẫn chưa có nhà đầu tư chính thức.
“Cách đây vài năm, UBND TP đã chấp thuận cho hai nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, xây dựng, chỉnh trang đô thị theo hình thức BT. Tuy nhiên, đến nay, chưa nhà đầu tư nào được công nhận do chưa có phương án đầu tư. Đại diện nhà đầu tư có vẻ không mặn mà với dự án, dù họ không nói rút lui nhưng lại thiếu quyết tâm làm”, một lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho biết.
Để thực hiện di dời tổng số 20.000 căn nhà này, TP cũng tiến hành chia làm 3 nhóm. Đối với nhóm dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách sẽ có gần 6.700 căn nhà, với tổng vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng. Còn nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP) có trên 8.000 căn nhà cũng ngốn khoảng 12.000 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhóm cuối cùng là dự án đầu tư xây dựng nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị là 331 căn.
Cái giá cho quản lý yếu kém
Theo các chuyên gia, chính quyền TP đang đau đầu tìm phương án giải quyết các căn nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị chính là hậu quả của quá trình quản lý trong thời gian qua.
“Đây là cái giá mà chính quyền TP phải trả cho công tác quản lý yếu kém. Tôi rất ghét phải dùng chữ nếu nhưng phải chi họ quyết liệt ngay từ đầu thì bây giờ đã không phải tốn khoản tiền quá lớn như vậy. Một bài học xương máu nhưng có nguy cơ lặp lại ở các quận, huyện vùng ven, khi tình trạng xây dựng tự phát đang mọc lên khắp nơi”, TS. Nguyễn Văn Hiếu, trường đại học Tôn Đức Thắng phân tích.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận: “Phải di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch nói trên là do công tác quản lý Nhà nước yếu kém. Dù số căn nhà nói trên phần lớn là do người dân lấn chiếm trái phép nhưng không vì thế mà TP không hỗ trợ cho họ di dời, tái định cư. Tuy nhiên, để làm việc đó thì cần có nguồn kinh phí rất lớn. Đây là cái giá phải trả cho công tác quản lý lỏng lẻo trong thời gian qua”.
Nhiệm vụ trong những năm tới của TP là rất nặng nề khi phải giải quyết các tuyến kênh, rạch: Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, công viên hồ Khánh Hội, cù lao Nguyễn Kiệu... rồi toàn tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ... Với mức đầu tư trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng/căn (và 2,6 tỷ đồng/căn đối với dự án Nam kênh Đôi) nhưng thời gian thu hồi vốn lâu sẽ khó thu hút nhà đầu tư.
“Để thực hiện các dự án này cần vốn đầu tư lớn, thời gian kéo dài. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng chiếm chủ yếu trong tổng mức đầu tư... nên không hấp dẫn các nhà đầu tư”, lãnh đạo sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm.
Đó là chưa kể tới câu chuyện hậu di dời, khi người dân không thể kiếm được kế sinh nhai. Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, hiện nay, dọc hai bên các con kênh, rạch ở các quận, huyện như quận 4, 7, 8, Bình Thạnh... đầy rẫy các căn nhà lụp xụp, tạm bợ, nhô ra mặt kênh, rạch. Đây chủ yếu là các hộ dân sống tạm bợ đã lâu năm.
Tại các “xóm nước đen”, trên thì nhếch nhác, còn dưới kênh, rạch nước đen, ô nhiễm, chuột, muỗi... ngang nhiên sinh sống cùng con người. Thậm chí, nhiều hộ dân không làm được nhà vệ sinh nên sử dụng cầu tõm trông hết sức dơ bẩn.
Ông Nguyễn Hùng Cường, sống tại bờ kênh Đôi (quận 8) đã mấy chục năm nay cho biết: “Do cuộc sống khó khăn nên phải chấp nhận, chứ không còn cách nào khác. Dù vẫn biết là mất vệ sinh, gây ô nhiễm và chúng tôi cũng muốn sống cuộc sống tốt đẹp nhưng giờ biết đi đâu”.
Về thông tin TP sẽ di dời đến nơi ở mới và hỗ trợ tái định cư, ông Cường cũng như nhiều người dân khu vực này tỏ ra mừng rỡ nhưng cũng không ít băn khoăn: “TP di dời để làm bộ mặt đẹp hơn, chúng tôi đồng ý. Tuy nhiên, phải bố trí chỗ ở cho phù hợp, đồng thời hỗ trợ chúng tôi có công ăn, việc làm, nếu không thì cũng không giải quyết được vấn đề”.
Những lo ngại như ông Cường không phải là thiếu cơ sở. Thực tế cho thấy, trước đây khi di dời người dân rạch Ụ Cây (quận 8), nhiều người được bố trí thuê nhà giá rẻ tại chung cư An Sương (quận 12). Tuy nhiên, đến nay có gần 90 hộ đã bỏ đi nơi khác vì họ không thể tìm được kế sinh nhai.
“Rõ ràng, bên cạnh chú ý tới lợi ích của nhà đầu tư, giải quyết được chương trình trọng điểm của TP, chính quyền cũng cần phải quan tâm đến cuộc sống của người dân. Không thể làm cho xong theo kiểu đánh trống bỏ dùi được”, chuyên gia xã hội học, TS. Nguyễn Nam phân tích.
Nâng cao chất lượng cuộc sống hơn là khai thác quỹ đất Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: “Việc di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị là chương trình trọng điểm của TP. Ngoài việc xóa đi sự nhếch nhác, ô nhiễm môi trường và cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập dai dẳng tại TP. Chương trình còn chăm lo đời sống cho người dân sống ven kênh, rạch. Do đó, việc triển khai thực hiện sẽ chú ý, quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống chứ không chỉ hướng đến giải toả nhà dân hay khai thác quỹ đất”. |