Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Văn bản số 9777/SGTVT-VTĐB ngày 20/9/2022 của Sở GTVT Tp.HCM về đề nghị phối hợp thông báo, tuyên truyền việc di dời các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh giai đoạn 2 từ Bến xe Miền Đông sang Bến xe Miền Đông mới.
Sở GTVT cũng đề nghị Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải TNHH MTV, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông tăng cường thông tin, tuyên truyền đến hành khách, đơn vị vận tải việc di dời giai đoạn 2 toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới.
Theo đó, từ ngày 11/10 di dời giai đoạn 2 toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh (trừ các tuyến có hành trình chạy xe qua Quốc lộ 13 - Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) đang hoạt động tại Bến xe Miền Đông cũ (292 đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh) sang Bến xe Miền Đông mới (501 đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, Tp.Thủ Đức).
Cụ thể, bắt đầu từ 00h ngày 11/10, các tuyến vận tải hành khách cố định hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới gồm các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Tp.Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tp.Cần Thơ, Cà Mau (có hành trình hoạt động theo Quốc lộ 1) phải di chuyển qua Bến xe Miền Đông mới.
Nhằm hỗ trợ cho việc thuận tiện di chuyển của người dân, Sở GTVT cũng bổ sung nhiều tuyến xe buýt mới đến BXMĐ mới như tuyến xe 55, 56, 76, 93 sẽ có tuyến đầu và cuối, đối với tuyến 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4 sẽ di chuyển ngang qua bến.
Với thói quen di chuyển các tỉnh bằng Bến xe Miền Đông cũ, thì việc phải di chuyển ra Bến xe Miền Đông mới cũng sẽ gây khó những khó khăn nhất định cho người dân và các doanh nghiệp vận tải vì bến xe mới nằm ngoài trung tâm Thành phố này, đối với doanh nghiệp thì đây là bài toán khó để hoạt động và thích nghi.
Đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách Cúc Tùng, anh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Với việc di chuyển qua Bến xe Miền Đông mới thì doanh nghiệp của tôi gặp khó khăn rất nhiều, vì vị trí địa lý nằm khá xa trung tâm Tp.HCM hơn Bến xe Miền Đông cũ nên việc đưa đón khách cũng không còn tiện lợi như trước, đối với hành khách và hàng hóa di chuyển ra bến xe mới cũng xa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng khách cố định sẽ bị sụt giảm”.
Đây cũng là điều khó khăn đối với doanh nghiệp vận tải hành khách Tuấn Tú, đại diện doanh nghiệp - anh Hứa Văn Duy Tiến dự tính, nếu muốn hoạt động như bình thường sẽ phải cắt giảm từ 7 xe khách xuống còn 2 hoặc 3 xe để di chuyển các tuyến liên tỉnh.
"Hiện tại, doanh nghiệp phải trao đổi với nhà xe khác để chuẩn bị xe trung chuyển nhằm đưa đón hành khách ra Bến xe miền Đông mới vì vị trí nằm xa hơn so với bến xe cũ", anh Tiến cho biết thêm.
Ông Hà Duy Lập, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Vận tải Bến Xe Miền Đông cho biết, hiện bến xe đã có nhiều văn bản tuyên truyền về việc di dời 79 tuyến xe liên khách liên tỉnh cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, từ 0h ngày 10/10 tại Bến xe Miền đông hiện hữu sẽ không tiếp nhận các phương tiện vận chuyển hành khách ra vào lưu đậu tại đây và tiến hành thanh lý các quầy bán vé của những doanh nghiệp tại nhà ga bán vé.
Hồ Duy