Chỉ vì đi đòi nợ hộ 12 triệu đồng cho người em con chú ruột, con nợ không trả lại còn lăng mạ nên đã xảy ra một cuộc ẩu đả. Hậu quả là vợ chồng chủ nợ bị tổn hại 40% sức khỏe, Tú bị truy tố vì tội giết người. Kể lại câu chuyện này với PV, trung tá - quản giáo Tạ Huy Bằng luôn trăn trở day dứt.
Đâm con nợ vì bị lăng mạ
Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời quản giáo của mình, trung tá - quản giáo Tạ Huy Bằng ở trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Thực ra có rất nhiều những kỷ niệm vì mỗi tội phạm lại có hoàn cảnh phạm tội khác nhau. Nhiều trường hợp tôi thấy thực sự rất đáng thương, nhất là những phạm nhân có nhân thân tốt, có trình độ, sinh trưởng trong gia đình cơ bản. Nhưng phạm nhân này phạm tội trong hoàn cảnh rất trớ trêu, dẫn đến trọng tội, thời gian thụ án rất dài.
Ngược dòng thời gian, quản giáo Tạ Huy Bằng nhớ lại chuyện xảy ra cách đây 6 năm đối với phạm nhân Tú: "Nguyễn Anh Tú tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp III năm 1998 tại Thái Nguyên, là cán bộ của cơ quan cấp tỉnh, có vợ là giáo viên cấp III, hiện đang dạy học trên Cao Bằng. Năm 2006, Nguyễn Văn Hà là em (con chú ruột của Tú) có cho vợ chồng bà Nguyễn Văn Lâm ở Thái Nguyên vay 12 triệu đồng.
Hà đòi nợ nhiều lần, vợ chồng ông bà Lâm vẫn không trả. Bức xúc, Hà mang câu chuyện bị "bùng nợ" nói với Tú và nhờ Tú can thiệp giúp. Bất bình trước cách xử sự của ông bà Lâm, Tú đã tìm đến nhà ông bà này để nói chuyện cho ra ngô ra khoai.
Trái với cách cư xử lịch sự của Tú, ông bà Lâm đã không trả tiền, cũng không khất nợ đến khi nào mới trả (vì ông bà Lâm đánh bạc nên không có khả năng chi trả) mà còn có những lời nói khó nghe. Bà Lâm nổi khủng chửi rủa, lăng mạ cha mẹ của Tú, chồng bà Lâm thì cầm ấm nước nóng ném vào người Tú. Quá tức giận, Tú xông vào đánh trả thì chồng bà Lâm cầm dao đâm Tú.
Vì đang tuổi sung sức, khỏe mạnh Tú cướp được dao đâm lại cả hai vợ chồng ông Lâm, hậu quả là bà Lâm tổn hại 20% sức khỏe, ông Lâm tổn hại hơn 40%. Tú bị truy tố vì tội giết người, với mức án là 20 năm tù". Từ một cán bộ Nhà nước, có gia đình đề huề, êm ấm, chỉ vì muốn đòi nợ giúp em, Tú đã phải vướng phải vòng lao lý. Tiếc rằng, một phần lỗi là do Tú nóng nảy, không biết kiềm chế bản thân khiến sự việc bị đẩy đi quá xa.
Quản giáo Tạ Huy Bằng và phạm nhân Nguyễn Anh Tú tại trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trung tá Bằng nhớ lại: "Khi vào trại giam, Tú rất sốc, tóc bạc nhiều, người sụt cân, gầy hốc hác. Tú không ngờ rằng bao dự định vun đắp cho gia đình hạnh phúc nhỏ bé đành phải gác lại. Vợ chồng Tú đã có một cậu con trai 2 tuổi rất hóm hỉnh, đáng yêu. Tú đang dự định xin cho vợ về dạy học tại Thái Nguyên để vợ chồng được gần gũi, chăm sóc nhau. Nhưng mọi việc chưa thực hiện được thì Tú đã phải khoác lên mình "bộ quần áo sọc". Tú vừa nhớ vợ, thương con, vừa sốc vừa mặc cảm, bất mãn nên đã dẫn đến bị stress”.
Thức tỉnh lương tri bằng tình phụ tử
Từng làm chồng, làm cha nên quản giáo Bằng rất hiểu tâm trạng của Tú. Trong những buổi sinh hoạt ngoài giờ, anh đã tiếp cận Tú, rồi kể cho Tú nghe những lần mình đi bắt phạm nhân trốn trại, nguy hiểm phức tạp như thế nào?
Bằng trách nhiệm, trái tim, tấm lòng của mình, có một số phạm nhân, ông chỉ viết thư để lại cho gia đình thì vài hôm sau đã thấy phạm nhân đó tự khắc quay lại trại. Vào trong trại ông hỏi lại phạm nhân: Vì sao lại quay lại đây?
Do nhận thấy mình sai hay do sợ bị truy nã tội tăng nặng hơn? Phạm nhân này trả lời: Thấy cha vừa khóc, vừa lo lắng cho mình nên vì quá thương cha mà tôi quay lại. Cũng có những phạm nhân cố tình ngoan cố, lì lợm, manh động nhưng bằng những biện pháp nghiệp vu, trung tá Bằng đã đưa được họ quay trở lại trại giam, tiếp tục cải tạo.
Nói xong ông cười và tiếp: "Nhưng câu chuyện này cách đây mấy chục năm rôi, nghe thì khó tin nhưng có thật. Từ những câu chuyện chia sẻ gần gũi, đời thường ấy, tôi đã có tác động rất lớn đến sự thay đổi của Tú. Tú thấy tự tin, đối diện với thực tại hơn, không còn co cụm, xa lánh những người xung quanh nữa.
Không những thế, tôi còn chỉ cho Tú biết việc giáo dục con cái trong gia đình, người cha đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng tôi cùng chia sẻ với cách nuôi dạy và định hướng cho con".
Theo trung tá Bằng thì trong cuộc sống, có rất nhiều người lầm tưởng về cái mà mình biết. Nhưng biết chưa chắc đã là hiểu, giữa hiểu và biết rất khác nhau. Điều đó dần dần giúp Tú nhận ra một điều: Do mình nóng nảy, thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết về pháp luật nên khiến mọi việc mới trở nên nghiêm trọng...
Bằng cái tâm xuất phát từ tình cảm chân thật, trung tá Bằng sẻ chia với Tú: "Ở đời không ai học được chữ ngờ, chỉ vì phút nóng giận không kiềm chế được nhiều người đã tự hại bản thân mình. Dù thế nào, mình cũng là người có lỗi nên phải nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo. Nhưng đã vào đây (trại giam), mình phải sống tốt, suy nghĩ tích cực hơn. Bởi phía trước còn cả quãng đường dài, còn có cha mẹ, vợ con đang trông đợi mình từng ngày".
Nghe cán bộ quản giáo cảm thông, chia sẻ, Tú cởi mở hơn về chuyện riêng của mình. Có lúc, Tú nhớ con đến bần thần. Tú bảo: “Thằng bé luông miệng hỏi mẹ: "Mẹ ơi sao bố đi làm lâu thế, khi nào bố về?". Cứ mỗi lần như vậy, vợ Tú lại ứa nước mắt. Mỗi khi lên thăm chồng, vợ Tú lại nhắc nhở "Anh cải tạo cho tốt, hãy sống và luôn nghĩ về con".
Nghe Tú tâm sự như vậy, quản giáo Bằng thấy việc cảm hóa đã có hiệu quả thiết thực nên tiếp tục lấy hình ảnh làm cha, làm chồng khuyên phạm nhân Tú cố gắng cải tạo tốt, để mau chóng trở về với gia đình. Mỗi lần nghe người quản giáo này khuyên bảo, Tú lại rưng rưng nước mắt, nhìn vào khoảng không bất tận.
Quản giáo Bằng xót xa kể: "Bản chất Tú là người tốt, có hiểu biết, nhưng lại rất nóng tính. Và chính sự nóng nảy ấy đã khiến cậu ấy phải trả giá bằng 20 năm trong tù. Tôi nhớ một câu nói: "Tính cách tạo thành bản năng, bản năng tạo thành số phận". Vì vậy, việc giáo dục, cảm hóa phạm nhân này không chỉ bằng sự mềm dẻo, chân thành mà còn phải hiểu biết mới thuyết phục được".
Những lời nói chân thành xuất phát từ cái tâm của quản giáo Bằng đã làm phạm nhân Tú nhận ra điều giản dị nhất của cuộc sống: Mỗi người trong từng gia đình, đều có ảnh hưởng tương tác tới những người thân của họ. Điều đó luôn nhắc nhở họ hãy luôn nghĩ vì về những người thân yêu của mình trước khi làm việc gì đó. Mọi chuyện trong cuộc sống đều phải bình tĩnh mới giải quyết tốt đẹp được.
Chia tay phóng viên, quản giáo Bằng nói: "Ai cũng sinh ra một lần và mất đi một lần. Ai cũng muốn sống trọn vẹn, sống làm sao để khi mất đi, xã hội và gia đình không trách mình điều gì. Nhưng đôi khi cuộc đời có nhiều ngã rẽ. Tôi chỉ vài năm nữa là nghỉ hưu thôi, xét thấy giúp được ai điều gì thì sẽ cố gắng làm trong khả năng có thể. Nhiều phạm nhân ra tù vẫn gọi điện hỏi thăm tôi, vẫn gọi tôi là thầy, Đó là điều tôi thấy hạnh phúc vô cùng".
Trung tá Bằng cũng kể, ông từng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi bị một phạm nhân nữ phạm trọng tội ôm chân khóc ròng… "Là một con người, làm sao tôi lại không rung động, hay cảm thương trước một cơ thể mềm yếu với ánh mắt đẫm lệ nhìn tôi một cách cầu khẩn, van xin? Nhưng đứng trước nhiệm vụ, trọng trách của đơn vị giao phó, trách nhiệm của người cha, người chồng, tôi đã vượt qua những giây phút như vậy đấy". trung tá Bằng tâm sự. |
Lương Liễu