Đắng cay và uất hận
Thoạt nghe, ai cũng có thể thắc mắc, vì sao người còn sống lại có giấy chứng tử. Thực sự, họ đã bị "khai tử" chỉ vì lòng tham của một đại bộ phận con cháu bất hiếu hay những người họ hàng tham lam thuộc tầng lớp trên của các nạn nhân.
Thực trạng này xảy ra tại bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Giới chức địa phương đã nhận hối lộ một cách trắng trợn và thẳng tay khai tử một người nào đó để thỏa mãn mục đích chiếm dụng tài sản của nạn nhân.
Hàng nghìn người Ấn Độ hiền lành, chất phác đã bất ngờ bị chết trong khi còn sống. Không thể sống trong tình trạng bị coi là đã chết, họ đã cùng thành lập một hiệp hội của người chết để chứng minh họ còn sống.
Hàng trăm người đã giành được quyền sống nhờ hiệp hội người chết sống.
Nhiều mảnh đời bất hạnh phải sống không bằng chết bởi tờ giấy chứng tử "rơi thẳng xuống cuộc sống" của mình. Như trường hợp của ông Ansar Ahmed (61 tuổi) và vợ đã phải sống khổ sở sau khi ông bị tuyên bố đã chết. Vợ của Ahmed gặp vấn đề về thính giác nhưng gia đình lại khó khăn, không có tiền đưa bà đi chữa bệnh.
Hơn nữa, Ahmed lại cần tiền để đấu tranh đòi lại "quyền sống". Sau một cuộc chiến kéo dài tại tòa án, ông được tuyên bố còn sống, tuy nhiên, ông Ahmed không bao giờ lấy lại được mảnh đất mà anh trai của ông lấy mất sau khi người này hối lộ giới chức địa phương để có được giấy khai tử của ông.
Còn trường hợp của ông Paltan Yadav đã mất sạch đất đai và nhà cửa, nay phải sống vạ vật khắp nơi sau khi bị tuyên bố đã chết. Yadav nói, ông không có tiền để chiến đấu với tòa án nhằm lấy lại thân thế. Trong khi đó, ông Paras Nath Gupta (65 tuổi) sống trong một ngôi nhà đi thuê ở thành phố Varanasi, nơi ông đang làm nhân viên kế toán. Gupta cũng mất nhà và đất đai sau khi bị anh trai tuyên bố đã chết. Nhưng đau đớn thay, ông không thể trở về nhà vì nhận được những lời dọa giết của người thân nhằm làm ông chết thật.
Có những người đã đến tuổi gần đất xa trời, muốn được sống nốt phần đời còn lại nhưng cũng không yên. Chỉ vì những đứa con tham lam, bất hiếu mà họ phải chết sớm. Ví dụ như cụ bà Dhiraji Devi (78 tuổi), nạn nhân bị khai tử khi còn sống hiện đang đấu tranh với tòa án để chứng minh mình vẫn tồn tại. Cụ Devi bị chính con cháu mình làm giấy chứng tử để được hưởng số tài sản ít ỏi của ông. Cụ hết sức đau khổ khi những người thân yêu nhất của mình hành động như vậy.
Từ sau khi người thân của cụ "chôn sống" mình bằng giấy chứng tử, cụ không còn biết tin vào ai và chỉ trông chờ vào phép nhiệm màu giúp ông "sống lại". Hay như ông Bhagwan Das (73 tuổi) bị tuyên bố đã chết 9 năm trước. Ông thường chầu chực đợi quan chức tại một văn phòng chính phủ địa phương để trình báo trường hợp của mình.
Cụ bà Dhiraji Devi dù đã gần bát tuần nhưng vẫn cố gắng đấu tranh cho quyền sống của mình.
Bị “khai tử” gần 10 năm mới biết
Cách đây một năm, một đầu bếp 33 tuổi tên Santosh Kumar Singh bất ngờ đăng ký trở thành một trong 12 ứng viên tổng thống. Nhưng khi kiểm tra lại hồ sơ thì Singh đã chết cách đó 9 năm. Điều tra kỹ lại trường hợp của Singh, hóa ra anh bị họ hàng khai tử. Những người họ hàng thuộc tầng lớp trên tuyên bố anh đã chết sau khi hai bên bất đồng về việc anh cưới vợ người Dalit. Đây là một tộc người bị xem là tiện dân, thuộc đẳng cấp thấp nhất trong Hindu giáo.
Theo tờ Telegraph, Singh rời làng năm 2000 để đến Mumbai kiếm sống. Anh yêu và kết hôn với một phụ nữ Dalit tại đây. Khi đưa cô dâu về giới thiệu với những người họ hàng thượng lưu ba năm sau đó, họ cho rằng đây là một sự ô nhục và đuổi hai người đi. "Họ ra thông báo tìm người mất tích và sau đó nói rằng tôi đã chết. Người làng thậm chí còn tổ chức cả các nghi lễ hậu tang và bố thí cho người nghèo để chứng minh tôi đã chết", anh kể.
"Một số người họ hàng của tôi với sự hậu thuẫn của cảnh sát, đã giành được mảnh đất rộng 5 hecta của tôi. Tôi đến cảnh sát để yêu cầu họ giúp đỡ nhưng họ lại tấn công tôi. Họ bảo rằng hiện tôi chỉ mới chết trên giấy tờ, nếu tôi không rời khỏi làng, tôi sẽ chết thật".
Anh mất 9 năm để chứng minh với các nhà chức trách rằng anh còn sống. Thậm chí, Singh đã viết thư cho Thủ tướng Ấn Độ nhưng không thành công. Cuộc chiến pháp lý nhằm lật lại giấy chứng tử của Singh bị hủy bỏ vào năm 2011. Mẹ vợ của anh thì bị chế giễu vì để con gái kết hôn với một người đã chết.
Khi Singh đến trụ sở cảnh sát ở Delhi để trình đơn yêu cầu thay đổi thông tin về cái chết, anh được các nhân viên ở đó tư vấn rằng anh phải phạm tội để thiết lập hồ sơ vụ việc. Bởi vậy anh mới mong muốn trở thành ứng cử viên tổng thống với hy vọng những thủ tục giấy tờ sẽ chứng minh sự tồn tại của mình.
Trong hồ sơ tranh cử, anh cam kết chỉ tham gia cuộc đua để được công nhận còn sống và không hề có khao khát trở thành tổng thống. "Khi đó tôi có nói, nếu chính phủ không thể tuyên bố tôi còn sống thì tôi sẽ yêu cầu họ giết tôi và cung cấp giấy chứng tử có tên tôi", anh nói.
Các cuộc biểu tình "xương người chết" thường diễn ra để đòi lại quyền được sống.
Hiệp hội "người chết sống"
Ông Lal Bihari Yadav (61 tuổi), một nạn nhân khác đang điều hành Hiệp hội người chết tại quận Azamgarh, bang Uttar Pradesh. Ông là người bất hạnh nhất trong hiệp hội bởi ông bị tuyên bố đã chết từ năm 1976, khi đó ông mới 15 tuổi và một người họ hàng đã chiếm đất của ông (phần ông được hưởng trong di chúc của cha ông để lại). Ông đi khắp nơi để "kêu oan" nhưng không ai đồng ý giúp ông được "sống".
Theo chính quyền địa phương, hầu hết những người bị tuyên bố đã chết, vốn được người dân địa phương gọi là mritak. Điều đáng chú ý là đa số họ đều bị mù chữ. Họ dùng những ngón tay cái được quệt mực và điểm chỉ thay cho chữ ký vào các lá đơn xin… được sống. Mỗi tháng một lần, các mritak lại tập trung tại văn phòng tiếp dân của địa phương để gặp gỡ các quan chức cấp quận. Các quan chức này sẵn lòng tìm hiểu những khó khăn và lắng nghe các vấn đề liên quan tới tranh chấp đất đai và tìm cách giải quyết việc bị khai tử một cách oan ức của người dân, sự việc vốn xảy ra thường xuyên tại Uttar Pradesh. |
Không còn cách nào khác, ông đã tự tổ chức một đám tang giả cho chính mình và "sống dậy" khi đám tang đang cử hành. Nhờ đó, ông được tuyên bố còn sống vào năm 1994. Việc đầu tiên ông Yadav làm sau khi "sống lại" là lấy lại đất đai đã mất và kiện người họ hàng kia ra tòa vì tội chiếm dụng tài sản người khác, xâm phạm quyền tự do cá nhân và hối lộ giới chức địa phương hòng đạt được dã tâm của mình.
Trong quá trình thưa kiện, ông Yadav còn phát hiện ra rằng, nhiều người khác cũng bị rơi vào tình cảnh tương tự. Nhìn những con người tội nghiệp sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết vất vưởng đi đòi lại "quyền sống", ông Yadav liền nảy ra ý định thành lập một hiệp hội những "người chết sống" Mritak Sangh.
Hiệp hội Mritak Sangh gồm hàng nghìn người bị tuyên bố đã chết một cách bất hợp pháp, bị tước đi quyền lợi của một người sống một cách ngang nhiên mà họ không biết kêu ai. Ông Yadav thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình "xương người chết" ở các thành phố miền Bắc Ấn Độ để phản đối câu chuyện ngược đời này. Và hiệp hội này nhanh chóng trở thành nơi "cứu sống" hàng trăm người, giúp họ "trở về từ cõi chết", lấy lại đất đai và thân thế cho họ.
Hồng Nhung (Theo BBC/Time)