Taxi đỗ giữa đường, va chạm cãi lộn, người đi xe máy thiếu ý thức, số lượng ôtô gia tăng xếp hàng ngang ép người đi xe máy tràn lên vỉa hè... là những gì mà ta thường thấy khi tham gia giao thông, đặc biệt là trong những khung giờ cao điểm.
Chủ trương mở rộng quy mô thủ đô quá lớn, giao thông không có kế hoạch đồng bộ. Cùng với sự phát triển về dân số, phương tiện giao thông và nhiều thứ khác dẫn đến nạn ùn tắc trên diện rộng.
Điều này là một trong những nguyên nhân khiến gây bức xúc tới không ít người dân thủ đô.
‘Hà Nội không vội được đâu'
"Bức xúc, mệt mỏi" là tâm trạng của phần lớn người dân khi đi qua các nút giao lớn như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển... và nhiều tuyến đường nhỏ ở nhiều khu vực dọc cầu vượt Ngã Tư Sở đến khu vực Trần Phú (Hà Đông), đường Phạm Hùng (đoạn trước cổng Bến xe Mỹ Đình), đường Bưởi mới (ven sông Tô Lịch)...
Đặc biệt là vào giờ cao điểm hoặc các ngày mưa lớn, tình trạng ùn ứ, kẹt cứng không đi nổi là điều thường xuyên xảy ra. Với công trình đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông được xây dựng từ nhiều năm nay, đường Nguyễn Trãi (Hà Đông) đã được người dân mệnh danh là "con đường đau khổ" của thủ đô.
Bức xúc khi ngày nào cũng phải đi qua con đường này, bạn đọc Nguyễn Anh Tùng bày tỏ: “Ngày nào đi cũng tắc cứng. Nhà nước làm nhanh cho dân được nhờ! Đường vốn dĩ đã hẹp, người dân lại đông đúc khiến việc lưu thông vô cùng chật chội. Chỉ mong công trình hoàn thiện nhanh chóng để việc đi lại được thuận lợi hơn".
Cùng chung sự khó chịu, độc giả Vũ Luân chia sẻ: “Đi đường thì chen lấn nhau từng tí, đã thế lại thêm một số người đi ôtô vô ý thức. Đường hẹp nhưng xe cứ dàn tới 3, 4 hàng. Xe máy chẳng biết đi vào đâu đành phải xen vào giữa các làn ôtô. Vừa chật chội, khó chịu, lại khá nguy hiểm".
Bên cạnh đó, bạn đọc Anh Thư cũng cho biết, đoạn Bưu điện Cầu Giấy cũng là một trong những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc khiến nhiều người dân "nóng máu" khi đi qua đoạn đường này bởi mỗi khi xe bus dừng đón trả khách là y như rằng lại tắc một đoạn dài.
Để lý giải cho sự việc ùn tắc trên, thành viên Nguyễn Trường Sinh phân tích: “Đơn giản, khi qua ngã tư, thứ tự ưu tiên rẽ trái, phải, đi thẳng không hợp lý, xe rẽ trái thì chặn đầu xe đi thẳng.
Dù luật đã quy định, nhiều lúc lưu thông trên đường, xe máy cứ thấy ở đâu có chỗ trống là chạy vào.
Còn ôtô lại nối đuôi nhau không cho các phương tiện nhỏ đi qua dù hướng di chuyển của xe ôtô đang bị kẹt”.
Nam Dân cho biết, khi có cảnh sát giao thông đứng thì may ra người tham gia giao thông còn chấp hành luật: “Mình hay đi đoạn từ cầu chui Ngã Tư Sở - Nguyễn Ngọc Vũ - Nguyễn Khang thấy xe máy vòng ngược dưới cầu chui, đôi lúc cả ôtô.
Khi lưu thông họ chiếm hết làn bên trái ở các điểm giao cắt, không có CSGT là chạy vượt đèn đỏ, cướp đường... Chính vì ý thức người tham gia giao thông không cao nên đã gây tắc đường trên diện rộng”, anh viết.
“Tôi ở Sài Gòn, mỗi lần đi mà kẹt xe là thấy sợ, nhưng nhìn cảnh kẹt xe ở Hà Nội còn khủng khiếp hơn. Kẹt xe kiểu này chắc tắc thở chết mất”, độc giả Mai Ngọc Tâm ở Sài Gòn bày tỏ ý kiến khi đọc bài viết đi tìm thủ phạm gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội được đăng tải.
‘Cơ sở hạ tầng thấp, đừng đổ tại người dân mua ôtô’
Thực tế, ngoài các nút giao lớn trên địa bàn Hà Nội, nhiều tuyến đường nhỏ ở các khu vực dân cư cũng là một trong những điểm nóng về nạn ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Để lý giải cho vấn đề này, bạn đọc có nick name Lê Văn Lang bình luận: “Hiện nay đời sống của người dân ngày càng tăng cao, cộng thêm kinh tế phát triển, lượng tiêu thụ ôtô tăng vọt. Quá nhiều ôtô, xe buýt, xe tải… cộng thêm lượng ôtô cá nhân tăng theo cấp số nhân từng năm trong khi đường không tăng. Đây là nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông tăng”.
Ngược lại, bạn Thành Kim, thủ phạm chính gây ra tình trạng tắc đường là do cơ sở hạ tầng còn yếu kém.
"Đừng đổ lỗi tại xe máy hay ôtô. Thử tính mỗi năm ở Hà Nội bán ra bao nhiêu chiếc xe máy và ôtô, chưa tính thêm các xe ngoại tỉnh vào, mà mỗi năm làm được bao nhiêu km đường?
Ở các nước phát triển người ta chia giao thông thành 3 đường riêng biệt, một là đường ngầm dưới mặt đất, hai là đường sắt trên cao và ba là đường bộ trên mặt đất. Phân như vậy hoàn toàn thuận lợi cho người tham gia giao thông. Trong khi đó ở nước ta, cơ sở hạ tầng không chịu nâng cấp, chính vì vậy giao thông hỗn hợp dồn hết lên mặt đường bộ, không tắc mới lạ", anh viết.
Có cùng ý kiến trên, độc giả Nguyễn Tiến Hùng viết: “Cơ sở hạ tầng không còn phù hợp với mật độ dân số. Dân số ngày càng tăng, lượng người bằng cả xã tập trung trên vài trăm m2 đất, phương tiện tham gia giao thông tăng vọt, trong khi đường xá không bảo đảm... Nhu cầu thì lớn, thỏa mãn nhu cầu thì ì ạch! Không ách tắc giao thông mới lạ”.
“Xã hội phát triển, người dân đua nhau mua ôtô, xe máy. Để đảm bảo lưu thông cho người tham giao thông, nhà nước cần đưa ra các chính sách nâng cấp cơ sở hạ tầng để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Mong rằng người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông để giảm trình trạng kẹt xe như hiện nay”, độc giả Ngô Lan viết.
Theo Zing