Tiến sĩ Glenn Godenho, nhà Ai Cập học từ đại học Liverpool (Anh) cùng đồng sự đã "sụt chân" xuống tàn tích cổ đại.
Một ngôi mộ cổ được khoét trực tiếp vào đá vôi tạo nên mặt đường dẫn đến ngọn hải đăng ở phế tích Taposiris Magna (Ai Cập). Nơi này chứa thi hài bí ẩn trong thành phố cổ từng bị động đất và sóng thần phá hủy.
Ngự trị như một tượng đài thiêng liêng, không thể tưởng tượng rằng ngọn hải đăng kia được canh giữ bởi rất nhiều xác ướp, mà điều đặc biệt, những xác ướp này đều là vương tôn quý tộc giàu có, được ướp công phu, đồ tùy táng đắt giá.
Những xác ướp nổi bật trong khu vực có thể kể đến một phụ nữ có học thức và địa vị cao, một ngôi mộ gia đình lớn, hay gần đây nhất là xác ướp một đôi nam nữ, được cho là 2 vị quan tư tế danh giá trong triều đình Ai Cập.
Tiến sâu khảo sát một con đường đá vôi dẫn lên hải đăng, các nhà khảo cổ đã vấp phải ngôi mộ cổ kì lạ!
Những người chôn cất đã đục mặt đường tạo thành một chiếc quan tài ẩn, đặt thi hài vào trong rồi lấp lại, cố gắng tái lập mặt đường như cũ, không để lại dấu tích.
Điều lạ lùng rằng bên trong mộ cổ là một xác ướp kì lạ.
Khác với những hài cốt khác, trong cỗ quan tài đá, chỉ còn lại một bộ xương, không có đồ tùy táng.
Dựa vào vị trí mộ cổ, đây cũng là một trong những thi hài có nhiệm vụ canh giữ địa điểm thiêng liêng, nhưng không hiểu vì sao nhân vật này lại được chôn cất trong tình trạng lạ lùng đến vậy.
Ngôi mộ cổ lạ lùng nhất thành phố này cũng góp phần chứng minh ngọn hải đăng là một phần của phế tích một khu đền cổ vĩ đại bằng đá vôi.
Quan trọng hơn, các nhà khảo cổ tin rằng Taposiris Magna lưu giữ hoặc sẽ dẫn đường đến lăng mộ của vị nữ hoàng huyền thoại Cleopatra và người tình Mark Anthony - địa điểm suốt 2.000 năm qua vẫn luôn thách thức sự kiên nhẫn của giới khoa học khảo cổ.
Là một người vô cùng nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, thế nhưng xung quanh Cleopatra vẫn bị che phủ bởi một "màn sương bí ẩn".
Sau thất bại của Antony và Cleopatra tại Actium, lực lượng của Octavian đã tiến vào Alexandria vào mùa hè năm 30 TCN. Cleopatra bước vào đằng sau cánh cổng khổng lồ của khu lăng mộ, giữa những kho vàng bạc, châu báu, các tác phẩm nghệ thuật mà bà thề sẽ không để chúng rơi vào tay người La Mã.
Trước khi chết do những vết thương tự gây ra bởi thanh kiếm của mình, Antony đã được đưa đến bên Cleopatra để ông có thể uống ngụm rượu cuối cùng và ra đi trong vòng tay của người tình.
Mười ngày sau cái chết của Antony, Cleopatra đã tự giải thoát cho mình bằng cách tự sát ở tuổi 39, với nọc độc của một con rắn hổ mang.
Nhà sử học người La Mã Dio Cassius đã ghi chép rằng cơ thể của Cleopatra đã được đem đi ướp xác như của Antony, nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập đã được chôn cất cùng người tình La Mã của mình.
Lưu ý thêm một điều, lịch sử từng nói rằng, để trở thành người thống trị hoàn hảo trong mắt người dân Ai Cập, Cleopatra nhiều lần cố gắng xây dựng hình ảnh mình và người tình như nữ thần Isis và Osiris.
Theo thần thoại, Osiris sau khi bị giết hại, xẻ xác ra nhiều mảnh và đem xác rải khắp nơi. Nữ thần Isis đã đi nhặt từng mảnh xác chồng.
Taposiris Magna chính là "mộ phần của Osiris" theo tiếng Ai Cập cổ đại! Vì vậy, đó có thể là nơi Cleopatra chọn an nghỉ cùng người tình.
Tuy nhiên dù nỗ lực truy tìm, các nhà khảo cổ hiện đại vẫn chưa thể tìm ra dấu vết lăng mộ của cặp đôi nổi tiếng này.
Nguyên Anh (Journal of Archaeological Science).