Từ thế kỷ 19, Si Phan Don đã rất nổi tiếng trong mắt người Pháp, bởi họ đã bỏ bao công sức và tiền của để chinh phục đoạn sông Mekong này, bởi địa hình quá phức tạp với thác nước lớn, luồng lạch cạn và dòng chảy xiết, thuyền bè không cách gì vượt qua được. Người Pháp cuối cùng phải xây dựng một tuyến đường sắt dùng đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước để nối liền hai đảo lớn nhất ở vùng 4.000 đảo là Don Det và Don Khuong, với mục đích vận chuyển gỗ và các lâm khoáng sản địa phương vượt qua vùng Si Phan Don này.
Đó là câu chuyện của người Pháp xưa, còn cuộc chinh phục Si Phan Don của tôi hôm nay chỉ mong được đắm mình trong vùng đất mà dân du lịch mệnh danh là nơi dành cho những kẻ lữ hành “tự kỷ”. Nơi người ta đến để thử sức, để nhìn lại chính mình, bởi cả vùng đảo rất hoang sơ, không điện nước, không nhà hàng sang trọng, không dịch vụ tiện nghi, dân cư thưa thớt.
Tôi theo con thuyền gỗ nhỏ quen thuộc của dân chài Si Phan Don len lỏi trong vùng 4.000 đảo, cứ như lạc vào mê trận của tạo hoá khi mỗi hòn đảo lại mang một nét đẹp độc đáo giữa trời mây, sông nước. Hành trình đưa tôi đến nhà ga cuối của đảo Don Khuong và cũng là bến tàu. Từ nơi đây, đi tiếp ra một vùng mênh mang sông nước trước bến tàu chính là nơi loài cá heo nước ngọt nổi tiếng của dòng Mekong sinh sống. Đảo như hòn non bộ nổi giữa mặt nước lặng như gương, thấp thoáng phía xa những chiếc lưng đen xám thoắt ngụp, thoắt lặn kèm tiếng phì phì phun cột nước vào không khí của đàn cá heo – một hình ảnh thật đẹp mắt và ấn tượng trước buổi chiều tàn.
Nhưng trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên mới chỉ là một phần hấp dẫn ở Si Phan Don. Không có nước sinh hoạt hoá ra là một dịp hay khi chiều xuống. Mọi hoạt động nhộn nhịp nhất của Si Phan Don chính là các bến nước, lâu lắm rồi, tôi mới được thoả chí vẫy vùng dưới làn nước mát rượi, trong veo ở Si Phan Don cùng những thôn nữ bản địa duyên dáng rủ mái tóc dài đen mượt gột bụi trần nơi dòng sông mẹ. Ngọn đèn dầu tù mù trong đêm, hoà ánh trăng rằm vằng vặc soi bóng bên sông góp cho bữa tối với khẩu phần xôi nếp, cá nướng, ngon đến kỳ lạ.
Giấc ngủ đêm ở Si Phan Don cũng thật đáng nhớ, với số tiền 1 đôla (giá rẻ nhất thế giới!?), tôi thuê một phòng nghỉ dưới mái nhà sàn vách lá ven sông, chẳng cửa nẻo, ổ khoá, chỉ có chiếc mùng chống muỗi tạm bợ, trằn trọc mãi với tiếng ngáy to như sấm của ông khách phòng kế bên. Tiếng côn trùng rả rích, tiếng mọt đục gỗ nghe não lòng giữa khuya thanh vắng, có cảm giác dù bất kỳ âm thanh nhỏ như tiếng cá đớp bóng, tiếng thằn lằn chặc lưỡi… cũng nghe rõ mồn một.
Nhịp chèo khua nước của ngư phủ đi gỡ lưới sớm thức tôi dậy, nhìn ra dòng Mekong, sương phủ mặt nước từ bao giờ. Tiếng ghita vẳng lại từ cầu xe lửa nối liền hai đảo Don Det và Don Khuong, dân Tây mệnh danh là “cầu sông Seine thơ mộng”. Theo tiếng đàn đón bình minh ấy, tôi gặp được Kuruda Hideki người Nhật, đã ở nơi khỉ ho cò gáy này suốt một tuần liền và hình như chưa biết chán. Gã lãng tử tâm sự: “Đi khắp thế giới dễ gì tìm được một vùng hoang sơ sông nước hiền hoà thế này. Tôi thích sống ở đây, cảm giác tách mình khỏi những gì hiện đại của đời sống văn minh, thật thú vị, bạn không bị ai làm phiền, không bị quấy bởi những âm thanh đô thị, chỉ có thiên nhiên và chính mình…”
Một ngày làm dân đảo Si Phan Don, với những trải nghiệm về cuộc sống hoang sơ, nhàn nhã, ăn ở giản đơn, bình dị, cuộc sống ấy thật thi vị, dễ khiến những kẻ nhàn du không biết chán bao giờ.
Theo Sài Gòn tiếp thị