Cũng vào ngày 26/4 sắp tới, thế giới sẽ kỉ niệm 25 năm ngày xảy ra thảm họa Chernobyl. Nhưng ngày kỉ niệm năm nay không chỉ là những buổi lễ tỏ lòng xót thương mà kèm theo đó là những lo âu cho tương lai của thế giới- một tương lai chưa thể biết trước khi thảm họa hạt nhân tại Nhật vẫn còn treo “lơ lửng” trên đầu.
Những con số “không tưởng tượng nổi”
Vào lúc 1 giờ 23 phút ngày 26 tháng 4 năm 1986 tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, thuộc nước Cộng hòa Ukraina của Liên Xô cũ đã xảy ra tai nạn có một không hai trong lịch sử ngành năng lượng nguyên tử thế giới. Chỉ sau khi khởi động vài giây, lò số 4 thuộc nhà máy điện hạt nhân này đã phát nổ, gây cháy lớn và làm bay phóng xạ ra ngoài.
Quang cảnh lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ
Đây được coi là vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân thế giới. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, thậm chí lan sang cả Anh và phía đông Hoa Kỳ. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus. Thảm họa này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima của Nhật trong thế chiến thứ hai.
Sau thảm họa kinh hoàng có một không hai trong ngành năng lượng thế giới này, người ta đã đưa ra những con số “khủng” về số người chết và bị thương. Tại thời điểm tổ máy số 4 phát nổ, 203 người đã phải vào viện ngay lập tức, trong số đó 31 người đã chết, đa phần là do nhiễm phóng xạ cấp tính. Không dừng lại ở đó, 135.000 người dân quanh vùng phải sơ tán khỏi vùng bị phóng xạ bao phủ.
Gần 29 năm sau thảm họa, vào năm 2004 người ta thống kê được ít nhất 1.800 trường hợp trẻ em, ở độ tuổi từ 0 đến 14 lúc tai nạn xảy ra, bị ung thư tuyến giáp trạng. Một tỷ lệ cao hơn đáng kể so với bình thường, vì tuyến giáp của trẻ em dễ nhiễm iôt phóng xạ, tác nhân kích thích ung thư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện sự tăng các dạng ung thư khác, ngay cả ở đội ngũ những người làm công việc giải quyết hậu quả tai nạn sau này.
Năm 2005, trong một cuộc họp thường niên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA), cơ quan này đã đưa ra kết luận: Sau gần 20 năm sau khi vụ nổ tại lò phản ứng hạt nhân số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl xảy ra, chỉ có 62 người chết do ảnh hưởng trực tiếp từ phóng xạ. Tuy nhiên con số này lại kém xa so với kết luận của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đưa ra. Tổ chức này nhân kỷ niệm 20 năm thảm họa Chernobyl vào năm 2006 đã đưa ra một con số “gây sốc” khác: Sự cố Chernobyl đã khiến 27 vạn người mắc bệnh ung thư, vì thế số người chết vì thảm họa này lên tới 9,3 vạn.
Cùng năm đó, hai nhà khoa học của Anh- những người chuyên nghiên cứu về thảm họa Chernobyl sau 20 năm sự cố này xảy ra đã đưa ra một con số “không tưởng tượng nổi”: 6, 6 vạn người đã chết vì ung thư. “Số người chết sau thảm họa Chernobyl đã cao gấp 15 lần so với con số mà IAEA đưa ra”- một trong hai nhà khoa học này cho biết.
Cũng nhiều năm sau khi thảm họa Chernobyl xảy ra, nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp trong trẻ em tại Belarus, Ukraina và Nga đã tăng rõ rệt. Ngoài ra cũng có thể nhận thấy số lượng người bị bệnh bạch cầu tăng cao, nhưng điều này sẽ được coi thêm là một bằng chứng trong vài năm tới khi số người mắc các chứng ung thư khác cũng tăng. Các quan chức y tế dự đoán rằng trong vòng 70 năm tiếp theo tỷ lệ mắc bệnh ung thư sẽ tăng thêm 2% trong số những người đã tiếp xúc với phóng xạ của nhà máy.
Tác hại đã bị đánh giá thấp
Nỗi đau của những người mất người thân sau thảm họa
Theo báo cáo của Tổ chức Hòa Bình xanh thì con số mà họ đưa ra trước ngày kỷ niệm 20 năm thảm họa Chernobyl là căn cứ theo kết quả nghiên cứu của Viện khoa học nghiên cứu Belarus. “Vì vậy mặc dù con số này vượt quá xa so với những gì mà IAEA đã thông báo trước đó, nhưng đó là kết quả đáng tin cậy. Quả thực con số thương vong và tác hại của thảm họa của vụ nổ hạt nhân này đã bị đánh giá thấp”- Một nhân viên thuộc tổ chức Hòa bình xanh cho biết.
Cũng sau nhiều năm tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học của Anh và Châu Âu cho biết: Thảm họa Chernobyl đã “bắn” vào không khí khoảng 6,7 tấn phóng xạ trong bán kính hàng trăm cây số. Nhiều vùng rộng lớn thuộc Ukraina, Belarus và Nga đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn tới việc phải sơ tán và tái định cư cho hơn 336.000 người. Khoảng 60% đám mây phóng xạ đã rơi xuống Belarus.
Ngay sau vụ nổ Chernobyl, người ta đã lo sợ về tác hại sức khỏe của chất phóng xạ iốt, với chu kỳ bán rã là 8 ngày. Tuy nhiên những lo ngại đó đã tăng lên gấp bội khi chất stronti-90 và xezi-137 có trong những đám mây phóng xạ đã làm ô nhiễm đất, với chu kỳ bán rã là 30 năm. Xezi-137 qua đất đã thấm vào cây cỏ, sâu bọ, các giống nấm, lẫn vào thực phẩm địa phương. Những loại phóng xạ này nếu hít vào sẽ gây ra các bệnh về tuyến giáp trong đó có ung thư tuyến giáp.
Không những thế sau khi thảm họa xảy ra, người dân xung quanh vùng vẫn chăn thả bò tại những vùng đất bị ô nhiễm và uống sữa của những con bò này. Vì thế, theo thống kê của các nhà khoa học Anh và Châu Âu, tỷ lệ mắc ung thư của người dân sống quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl với bán kính 50 km có tỷ lệ ung thư và di tật bẩm sinh cao “chót vót”.
Mặt khác, khi IAEA cho rằng một liều lượng phóng xạ thấp sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người đã làm dấy lên những cuộc tranh luận hết sức gay gắt. Nếu thực sự với bức xạ thấp thì 680 nghìn người sống xa hàng trăm km so với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã không bị ảnh hưởng như trong nhiều báo cáo sau đó đã ghi nhận. Năm 2005, một nhóm nhà khoa học của Viện nghiên cứu quốc gia tại Nhật sau khi tiến hành nghiên cứu tác hại của hai quả bom nguyên tử ném xuống nước này vào năm 1945 đã tuyên bố rằng: “Dù một lượng nhỏ phóng xạ cũng không được coi là an toàn”.
Cũng theo lời của IAEA thì không có bằng chứng để nói các bức xạ hạt nhân có thể dẫn tới đột biến nhiễm sắc thể đồng thời sự cố Chernobyl sẽ không ảnh hưởng đến thế hệ sau. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, hiện tại chưa nhìn thấy tác hại không có nghĩa là sẽ không ảnh hưởng đến những thế hệ kế tiếp. “Quá sớm để đưa ra kết luận như vậy”- Một nhà khoa học của Anh cho biết.
Đánh giá thấp nguy hiểm để ổn định tâm lý?
Hàng bia tưởng niệm những người lính cứu hỏa đã hy sinh để ngăn chặn những đám cháy tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl
Để kiểm chứng cho việc những thế hệ sau của những người sống sót sau thảm họa Chernobyl có bị ảnh hưởng hay không thì phải tiến hành xét nghiệm gen. Năm 1996, một nhà khoa học tại Đại học Lancaster của Anh sau khi tiến hành nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Gen của những đứa trẻ có bố mẹ chịu ảnh hưởng từ bức xạ trong thảm họa Lancaster có biến hóa khôn lường. Nhưng kỹ thuật kiểm tra DNA lúc đó của nhà nghiên cứu này chỉ cho phép ông kiểm tra các vùng không mã hóa của gen, mà thường được gọi là DNA rác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các kết quả nghiên cứu mới nhất lại đưa ra nhận định rằng: Tất cả những DNA rác đều không chính xác. Chính vì thế việc tiến hành xét nghiệm gen của những người sống sót sau thảm họa và con cái của họ đã gây ra nhiều tranh cãi trong những nghiên cứu sau này.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá thấp thiệt hại của IAEA về hậu quả của thảm họa Chernobyl sẽ tạo ra những tiền lệ không tốt, nhưng cũng có ý kiến lại ủng hộ. Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc “đánh giá thấp tác hại thảm họa Chernobyl” của IAEA mang tính “nhân văn lớn”. “Họ- chỉ IAEA hy vọng những người sống sót sau thảm họa sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe và tâm lý để sớm trở lại cuộc sống bình thường. Đến thời điểm hiện tại, khó có thể đánh giá chính xác số ca tử vong do mắc các chứng bệnh ung thư nhưng chắc chắn những bức xạ sau thảm họa Chernobyl vẫn có thể tiếp tục ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì thế dù muốn hay không thì những cuộc nghiên cứu về tác hại của thảm họa này vẫn đang được tiếp tục.” – Một nhà khoa học đến từ Đại học Lancaster của Anh cho biết.
Cùng với thời gian và trải qua quá trình nghiên cứu sâu rộng, nhiều người hy vọng rằng kết quả cuối cùng về ảnh hưởng của thảm họa Chernobyl đối với nhân loại sẽ ngày càng rõ ràng và khách quan hơn. Từ đó con người cũng sẽ có được một bài học hữu ích về cách sử dụng năng lượng hạt nhân và cách bảo vệ môi trường sống. Vì vậy, với sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima 1 tại Nhật sau thảm họa kép kinh hoàng ngày 11/3 vừa qua, bài học này sẽ được phát huy một cách tốt nhất để tránh một thảm họa hạt nhân mới cho nhân loại.
Hải Hiền (Theo Wenhui)