Ngày 24/8 vừa qua, 2 thợ lặn nghiệp dư Luis Lens và César Gimeno tình cờ tìm thấy 8 đồng tiền cổ trong lúc lặn ở vùng biển ngoài khơi đảo Portitxol, Xàbia, Tây Ban Nha. Họ nhanh chóng báo cáo phát hiện này cho đội ngũ các nhà khảo cổ học.
Sau nhiều cuộc thăm dò, 45 đồng tiền tương tự được tìm thấy ở cùng địa điểm trên. Phân tích số tiền này, Viện Khảo cổ học và Di sản Lịch sử thuộc Đại học Alicante kết luận chúng tồn tại từ cuối thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 5.
Các đồng xu ở tình trạng hoàn hảo đến mức chữ khắc bên trên vẫn đọc được, giúp nhóm nghiên cứu có thể tìm ra nguồn gốc của kho báu này. 3 đồng xu tồn tại từ thời Valentinian I, 7 đồng từ thời Valentinian II, 15 đồng từ thời Theodosius I, 17 đồng từ thời Arcadius, 10 đồng từ thời Honorius và 1 đồng không xác định được do chữ khắc bị xước.
Ngoài tiền cổ, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy 3 chiếc đinh có thể làm bằng đồng và vài mẩu chì, nhiều khả năng thuộc về một chiếc rương đã bị phá hủy nghiêm trọng.
Jaime Molina Vidal, Giáo sư lịch sử cổ đại tại Đại học Alicante, trưởng nhóm khảo cổ biển, nhận định đây là một trong những kho tiền vàng La Mã lớn nhất từng được tìm thấy tại châu Âu và chúng quả thực vô giá.
Theo vị Giáo sư, nhiều khả năng một chủ đất địa phương giàu có đã giấu số tiền này vì muốn bảo vệ chúng khỏi những kẻ đến xâm lược và cướp bóc miền Tây Đế quốc La Mã vào thời điểm đó. "Chúng tôi đang có một tài liệu khảo cổ tuyệt vời về thời điểm người Alans đến", Molina Vidal cho biết.
Tuy nhiên, chủ nhân kho báu có thể đã qua đời trước khi có cơ hội tìm lại chúng khiến số tiền xu bị lãng quên và chôn vùi trong khoảng 1.500 năm.
Các đồng xu sẽ được phục hồi và trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học và Khảo cổ Soler Blasco ở Xàbia. Ngoài ra chính quyền địa phương sẽ tài trợ một khoản tiền khoảng 21.000 USD cho việc thăm dò thêm sau phát hiện này. Molina Vidal cùng đồng nghiệp dự định tiến hành khai quật thêm ở khu vực này trong vài tuần tới để xem liệu có xác tàu đắm gần đó hay không.
Minh Hoa (t/h)